TTVH Online

Thi thiết kế 'Công viên Hoàng Thành': Vì sao chưa có phương án 'chuẩn'?

27/06/2014 07:11 GMT+7

Không có giải nhất, các phương án còn lại của cuộc thi thiết kế khu di sản Hoàng Thành Thăng Long vừa kết thúc đã chưa thể làm giới chuyên môn hài lòng một cách tuyệt đối.

(Thethaovanhoa.vn) - Không có giải nhất, các phương án còn lại của cuộc thi thiết kế khu di sản Hoàng Thành Thăng Long vừa kết thúc đã chưa thể làm giới chuyên môn hài lòng một cách tuyệt đối. Đây là điều dễ hiểu, khi hàng loạt yêu cầu rất cao đã được đặt ra với kiến trúc quan trọng này.

Vừa qua, 2 giải nhì, một giải ba và 3 giải khuyến khích đã được trao cho 6/24 phương án dự thi. Trước đó, từ tháng 3, UBND Thành phố Hà Nội và các cơ quan chuyên môn đã phát động cuộc thi với mục đích tìm kiếm giải pháp thiết kế tốt nhất cho  khu khảo cổ 18 Hoàng Diệu. Đây là phần trung tâm của Di sản Thế giới Hoàng thành Thăng Long (HTTL) và đã được Chính phủ phê duyệt quy hoạch xây dựng một "công viên lịch sử văn hóa" trong tương lai.

Bài toán kiến trúc và bảo tồn

Việc chỉ có 23 đơn vị và cá nhân nộp phương án dự thi so với con số 50 trong đợt đăng kí ban đầu cũng đủ nói lên độ khó của "đề bài". Bởi, ngoài mục đích giới thiệu các giá  trị của HTTL, các phương án dự thi còn được yêu cầu phải có sự hài hòa, đồng bộ với hàng loạt kiến trúc quan trọng xung quanh, đặc biệt là tòa nhà Quốc hội đang xây dựng.

"Tòa nhà Quốc hội là một kiến trúc khỏe, có thiết kế khá ấn tượng và hiện đại" – GS.KTS Nguyễn Quốc Thông (Hội đồng giám khảo) nhận xét. "Bởi vậy, việc vừa đảm bảo được phong cách riêng cho công viên Hoàng Thành, vừa không bị lấn át bởi kiến trúc cạnh nó, là một thách thức thật sự với các bài dự thi".


Phương án đoạt giải B của  liên danh Viện Kiến trúc Quốc gia - Công ty TNHH kỹ thuật bền vững VN

Thậm chí, theo lời Hội đồng giám khảo, đây là cuộc thi kiến trúc nhưng vẫn có "nội hàm" rất cao về... bảo tồn- khi phần lớn di sản đang là những móng kiến trúc chìm sâu dưới lòng đất. Và, ở yêu cầu này, khá nhiều phương án dự thi đã chưa làm HĐGK hài lòng. "Một số phương án chỉ chú trọng hình thức mà không quan tâm tới các nguyên tắc cơ bản của bảo tồn" – PGS. KTS Doãn Minh Khôi cho biết. "Thậm chí, có những phương án muốn đào các di vật lên và đặt chúng vào một khung kính, chứ không định để người xem nhìn chúng ở thể nguyên trạng".

"Cũng cần phải thông cảm, bởi dù sao, chuyên ngành của các tác giả dự thi vẫn là... kiến trúc sư" - GS, KTS Hoàng Đạo Kính nói thêm. "Chúng ta sẽ phải chấp nhận rằng nếu triển khai, các phương án này sẽ phải phối hợp rất chặt với ngành bảo tồn để hoàn thiện thêm các biện pháp về gìn giữ di sản giữa các mạch nước ngầm chồng chéo và điều kiện khí hậu nóng ẩm  của Hà Nội".

Phương án xuất sắc nhất vẫn chưa hoàn hảo nhất

Các phương án giành giải nhì (của công ty Studio Milou Singapore và liên danh Viện kiến trúc quốc gia- Công ty TNHH kỹ thuật bền vững VN) được đánh giá là đại diện cho 2 hướng thiết kế nổi bật của các bài dự thi: Xu hướng hữu cơ và xu hướng hình học. Xu hướng đầu tiên có tạo hình mềm mại, đưa ra một không gian xanh "ôm" quanh nhà quốc hội, cho phép người xem vừa đi dạo, vừa chiêm ngưỡng các khu vực trưng bày di tích trong khu "vườn khảo cổ" đặc biệt ấy. Xu hướng còn lại sử dụng các hệ thống mái che, tạo hình theo bố cục " kẻ ô", đan xen giữa các vùng không gian nhỏ, quán cà phê, với các khu vực dành cho khảo cổ trong công viên Hoàng Thành.

Theo nhận xét của HĐGK, cả 2 xu hướng trên đều có ưu, nhược điểm riêng và cần có sự chỉnh sửa nếu được lựa chọn. Cụ thể, phương án "hữu cơ" đơn giản, hiệu quả và tinh tế nhưng lại có phần thiếu bản sắc, biến khu vực 18 Hoàng Diệu thành "sân vườn" mở rộng của nhà Quốc hội. Ngược lại, phương án "hình học" dễ gây ấn tượng và bắt mắt, nhưng lại ẩn chứa khả năng tạo sự tương phản, tranh chấp mạnh với kiến trúc nhà Quốc hội cạnh đó.

Thậm chí, trong trường hợp phải chỉnh sửa thiết kế, theo đánh giá của một số chuyên gia, phương án giành giải Ba (của công ty cổ phần tư vấn và đầu tư xây dựng số 36) lại có tính khả thi cao nhất. Bởi, điểm mạnh của phương án này là việc ưu tiên tối đa cho nguyên tắc bảo tồn cụm di sản HTTL, với ý tưởng sử dụng hệ kết cấu tường treo để giảm tải trọng xuống di sản dưới lòng đất, đồng thời đặt ra các tuyến giao thông dọc theo bố cục của hệ thống các hố di sản (chứ không dọc theo trục nhà Quốc hội như các phương án còn lại). "Đây là một xử lý thông minh, giúp di sản nằm nguyên dưới lòng đất như nó vốn có mà không... đè lên hoặc phải đào và dịch chuyển sang vùng khác" - PGS.KTS Doãn Minh Khôi nói. "Tuy nhiên, để có thể triển khai thi công, thì chắc chắn vỏ kiến trúc của phương án này sẽ phải chỉnh sửa để mang đậm dấu ấn hơn."

Được biết, hiện UBND thành phố Hà Nội vẫn chưa công khai quyết định cuối cùng về việc lựa chọn các phương án thiết kế cho khu vực 18 Hoàng Diệu. "Dù đoạt giải hay không, tất cả phương án này đều là tư liệu rất quan trọng để thành phố tham khảo khi lập kế hoạch" – bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó chủ tịch UBND Hà Nội, cho biết.

Chiêu Minh
Thể thao & Văn hóa

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN