TTVH Online

Văn nghệ sĩ Hà Nội ra tuyên bố phản đối Trung Quốc

26/06/2014 07:24 GMT+7

Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội phối hợp với báo Người Hà Nội tổ chức tọa đàm Văn nghệ sĩ, trí thức Thủ đô với chủ quyền biển đảo Việt Nam

(Thethaovanhoa.vn) - Sáng qua (25/6), Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội phối hợp với báo Người Hà Nội đã tổ chức tọa đàm Văn nghệ sĩ, trí thức Thủ đô với chủ quyền biển đảo Việt Nam, đồng thời ra tuyên bố chung phản đối việc Trung Quốc đưa giàn khoan trái phép vào vùng biển Việt Nam.

Tại tọa đàm các văn nghệ sĩ Thủ đô có nhiều đóng góp, tham luận, trong đó có các tham luận giá trị, đầy sức thuyết phục như: Kiên quyết đấu tranh chống lại âm mưu độc chiếm biển Đông của Trung Quốc của nhà văn Đỗ Ngọc Yên; Hoàng Sa, Trường Sa - Chủ quyền Việt Nam qua tư liệu báo chí và việc tính chuyện khởi kiện trước tòa quốc tế La Haye từ năm 1938 của PGS Nguyễn Hữu Sơn (Viện Văn học); Thi ca đương đại luôn hướng về Hoàng Sa, Trường Sa suốt 40 năm qua của nhà thơ Nguyễn Việt Chiến; Thể hiện lòng yêu nước bằng trách nhiệm và trí tuệ của GS-TS Vũ Hoan...

1. Tham luận của PGS Nguyễn Hữu Sơn cho biết, trong công trình sưu tập văn học Du ký về biển đảo Việt Nam nửa đầu thế kỷ 20, bước đầu Viện Văn học đã sưu tập, tổng hợp trên các loại sách trong nước và nước ngoài (chủ yếu lưu trữ ở Pháp) viết về các vùng biển đảo Việt Nam. Chưa kể đến các nguồn tài liệu cổ, thư tịch Hán Nôm, chỉ tính riêng trên báo quốc ngữ đầu thế kỷ 20 cũng thấy rõ nhà nước Việt - Pháp thời bấy giờ lên tiếng bàn luận và xác nhận, khẳng định chủ quyền biển đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Riêng trên Tràng An báo xuất bản tại Huế giữa năm 1938 đã có cả loạt bài thông tin, điều tra, khảo cứu và đặc biệt nhấn mạnh chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa.

Quang cảnh tọa đàm

Nhận thức về tầm quan trọng và tính thời sự của vấn đề quần đảo Hoàng Sa, tác giả Thúc Dật xác định ngay từ những dòng mở đầu bài báo: “Một vấn đề tối quan trọng hiện thời - đảo Hoàng Sa (Archipel des Paracels) - Chúng tôi quả quyết nói lớn rằng: Nước Nam khai thác đảo Hoàng Sa đã 240 năm nay! Trước tòa quốc tế trọng tài La Haye cái thuyết của chúng tôi phải thắng (Tràng An báo, số 338, ra ngày 15/7/1938, tr.1+3)”...

Với quần đảo Hoàng Sa, từ đời vua Hiến Minh (1702) đã có đặt đội quân Hoàng Sa trông nom quần đảo và đã có khai thác tìm được bạc, thiết, đồng… đã có trồng cây, lập miếu, dựng bia... Dấu vết đồn binh và kinh lý của nước ta là hiển nhiên.

2. Về mặt thơ ca, nhà thơ Nguyễn Việt Chiến khẳng định, trong suốt 40 năm (1974 - 2014), những sự kiện liên quan đến Hoàng Sa và Trường Sa đã có mặt trong thi ca Việt Nam đương đại và có thể nói rằng các nhà thơ chính là những người đầu tiên ghi lại bằng cảm xúc văn học những nỗi đau, uất hận về biển đảo của Tổ quốc bị xâm chiếm. Đầu năm 1974, khi Hoàng Sa bị Trung Quốc đánh chiếm, ngay lập tức Bài thơ cho Hải đảo hờn căm của nhà thơ Phạm Lê Phan đã như một ngọn lửa thắp lên nỗi đau và sự căm hờn quân cướp biển trong trái tim sôi sục của hàng chục triệu người Việt Nam yêu nước đang hướng về quần đảo Hoàng Sa và sự hy sinh dũng cảm của 74 người lính hải quân trước họng súng quân thù.

Nhà thơ - người lính Trần Đăng Khoa đã có những tháng năm tuổi trẻ của đời thơ mình gắn bó máu thịt với Trường Sa và bài thơ hay nhất của anh viết về quần đảo này đã có mặt sớm nhất trong ca khúc viết về biển đảo từng lay động hàng triệu trái tim yêu nước . Và Thơ tình người lính biển của ông là một trong những bài thơ tình hay nhất của thơ đương đại.

Theo Nguyễn Việt Chiến, “hiện nay, văn học về đề tài biển đảo của chúng ta  đang có nhiều chuyển động vào giai đoạn cao trào với nhiều sáng tác khá ấn tượng về Hoàng Sa, Trường Sa”. Còn nhà văn Đỗ Ngọc Yên cho rằng: “Trước mưu đồ đen tối của Trung Quốc muốn độc chiếm biển Đông, chúng ta không thể “đánh đổi chủ quyền quốc gia lấy một thứ hòa bình hữu nghị viển vông”, như lời Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh an ninh châu Á Shangri La ở Singapore, cách đấy chưa lâu và thời điểm này hoàn toàn thích hợp để Việt Nam có thể đệ đơn kiện Trung Quốc lên tòa án quốc tế bởi nếu không, khi Trung Quốc xây dựng xong căn cứ quân sự tại Gạc Ma và các đảo, bãi đá nổi lân lận, sẽ càng bất lợi cho phía Việt Nam.

Kết thúc hội thảo, BTC đã thống nhất một Tuyên bố chung của Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội về việc bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc với ý thức, trách nhiệm và quyết tâm cao nhất. Tuyên bố “bày tỏ sự bất bình cao độ và kiên quyết phản đối việc làm này của Trung Quốc; Yêu cầu  Trung Quốc rút ngay giàn khoan và các tàu hộ tống ra khỏi khu vực này; Đàm phán để xử lý các bất đồng xung quanh vấn đề này trên tinh thần hòa bình, tôn trọng luật pháp quốc tế”.  

Hoa Chanh
Thể thao & Văn hóa

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN