TTVH Online

Đoản khúc World Cup: Hỡi họa mi của ta, mi vẫn hót đấy chứ?

18/06/2014 17:15 GMT+7

Cơn mưa đêm ào xuống không kịp làm mùa hạ ướt, cái oi nồng đã lại làm khô rang cả không gian với những đôi mắt thăm thẳm buồn màu hoàng hôn cuối của các chàng trai Tây Ban Nha.

(Thethaovanhoa.vn) - Cơn mưa đêm ào xuống không kịp làm mùa hạ ướt, cái oi nồng đã lại làm khô rang cả không gian với những đôi mắt thăm thẳm buồn màu hoàng hôn cuối của các chàng trai Tây Ban Nha.

Trận thua không tưởng trước tuyển Hà Lan đã đẩy tuyển Tây Ban Nha vào chân tường. Họ phải chiến đấu để chống lại  cuộc “đảo chính vương quyền” giữ chiếc vương miện không rơi xuống. Và đối thủ giờ đây là tuyển Chile - xuất thân từ vùng đất mà vào thế kỷ 16 chính người Tây Ban Nha trong nhiều lần thám hiểm đã khám phá ra đường biển thông qua Đại Tây Dương và Thái Bình Dương để rồi đến đó tìm vàng và khai khẩn.

Thật tình cờ, có lẽ vì cả hai đội tuyển đều chọn màu áo đỏ làm màu áo chính, nên họ đều được gọi là "La Roja" - Đội Quân Đỏ. Cho dù sau này, với sức mạnh vượt trội, Tây Ban Nha đã quen thuộc hơn với người hâm mộ với cái tên “ La Furia Roja” - Cơn thịnh nộ Đỏ. Chính bởi sự tương đồng ĐỎ này nên dù chỉ là trận thứ hai, nhưng với Tây Ban Nha cũng có nghĩa là trận cuối. Họ buộc phải thắng, trước một đối thủ không quá mạnh nhưng kỵ giơ và đang thăng hoa trên chiến thắng của họ. Trong khi, các chàng trai xứ Iberia lại đang đầy đầy thương tổn, đầy u ám sau thảm bại cay đắng bởi những “Người Hà Lan bay.” Ngay từ khi bàn thắng thứ 5 bay vào lưới trong anh mắt thất thần và bất lực của người giữ thành Casillas, dường như người ta như đã thấy văng vẳng đâu đó trong mênh mông của nắng gió Nam Mỹ câu “Đức vua băng hà…”

Bỗng nhiên tôi nhớ đến García Lorca - nhà thơ vĩ đại người Tây Ban Nha tiêu biểu cho tinh thần bất diệt của người dân bán đảo Iberia khi ông viết những vần thơ: “Bao giờ tôi chết/Hãy chôn tôi cùng cây đàn guitar/Trong cát... (Ghi nhớ/ Hoàng Hưng dịch), để sau này được phổ biến tại Việt Nam qua khúc tráng ca “Cây đàn guitar của Lorca” do  Thanh Tùng và Huỳnh Phước Liên đồng sáng tác.

“Tìm lại vần thơ tranh đấu Espana/Nhặt tiếng đàn guitar của Lorca/Dặm đường dài với những nỗi buồn…Giọt lệ nào ướt đẫm áo choàng đỏ thắm... Bay đi xa đi xa/Tiếng đàn guitar của Lorca/Lorca Garcia/Anh đã chết với cây đàn guitar/Lorca Garcia/ Lời anh vang mãi trong tâm hồn chúng ta...”

Hỡi các chàng trai Tây Ban Nha, có nghe thấy không tiếng đàn guitar của Lorca? Tiếng đàn đã vang “trong mắt xanh của bao niềm mơ ước/trong bước chân người vũ nữ/và trong tiếng ca người nghệ sỹ giang hồ...” giờ đang vang lên ngay tại sân cỏ Maracana ở Rio de Janeiro, tại thời điểm quyết định này, như nhắn gửi của nhà thơ xứ Iberia hun đúc thêm sức mạnh cho những người hậu duệ.

Vậy thì còn chờ gì nữa, hãy trả lời câu hỏi của Lorca Garcia: “Hỡi họa mi của ta/ Hỡi họa mi/ Mi vẫn hót đấy chứ?” (*) Rằng, họa mi vẫn hót kể cả khi nguy khốn nhất, cất cao giọng  dù có thể gục ngã và để được chôn cùng cây đàn guitar...

Mà đã vậy thì đừng ngần ngại cho một cuộc quyết đấu hoàn toàn khác. Dẹp phong cách lãng tử sang một bên,  giấu gót Achilles và cất đi những đường gươm hoa mỹ. Hãy dàn thế trận Cannae, dựa lưng vào sông để không còn đường lùi, tạo nên một bức tường vững chắc,  khép gọng kìm và tung những mũi nhọn chủ chốt đâm thẳng vào tử huyệt đối phương, kết liễu họ và phá vỡ vòng vây, cuốn phăng cản trở, tiếp tục cuộc thập tự chinh…

Trận quyết tử này, không chỉ mang ý nghĩa sống/còn, không chỉ để bảo vệ ngôi vương mà chính là chiến đấu cho niềm kiêu hãnh, cho danh dự của người chinh phục. Ngôi vua có thể mất, nhưng chưa phải là lúc này. Cũng như đế chế huy hoàng mà nhà vua đã tạo dựng lên cần được ghi nhớ như di sản đẹp nhất của một thời kỳ mà không ai có thể lãng quên, không ai có thể không ngưỡng mộ...

(*) Lời thơ trong bài “Chiếc bóng tâm hồn ta” của Lorca Garcia - Nguyễn Trung Đức dịch

Đoàn Ngọc Thu
Thể thao & Văn hóa

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN