TTVH Online

Chiến dịch 'hòa giải' của chính quyền quân sự Thái Lan: Cười lên, đó là lệnh!

09/06/2014 07:15 GMT+7

Chính quyền quân sự Thái Lan chưa có kế hoạch sớm khôi phục bộ máy dân sự vừa bị lật đổ. Tuy nhiên họ đã tổ chức một chiến dịch chính thức, nhằm mang tới điều không ít chuyên gia đánh giá là đang thiếu nghiêm trọng ở Thái Lan: niềm vui.

(Thethaovanhoa.vn) - Chính quyền quân sự Thái Lan chưa có kế hoạch sớm khôi phục bộ máy dân sự vừa bị lật đổ. Tuy nhiên họ đã tổ chức một chiến dịch chính thức, nhằm mang tới điều không ít chuyên gia đánh giá là đang thiếu nghiêm trọng ở Thái Lan: niềm vui.

Chiến dịch bao gồm các buổi hòa nhạc miễn phí, đồ ăn miễn phí, các nữ vũ công mặc váy áo siêu ngắn, nhảy múa gợi cảm. Người dân Thái Lan còn có cơ hội vuốt ve những con ngựa cảnh, được chở bằng xe tải thẳng tới trung tâm Bangkok.

Niềm vui của ai?

Các sự kiện giống như trong một hội chợ này được thiết kế để mở đường cho hoạt động hòa giải, sau một thập kỷ đầy các biến động chính trị và đảo chính.

Nhưng một bộ phận của giới phê bình chỉ ra rằng dự án nâng cao tinh thần trên được thực hiện song song với một chiến dịch hoàn toàn khác do quân đội tổ chức, nhằm trấn áp mọi hoạt động biểu tình chống lại cuộc đảo chính mà họ thực hiện trong ngày 22/5.


Ngắm ngựa cảnh và bữa ăn miễn phí là một trong những hoạt động mà quân đội Thái Lan tổ chức để vãn hồi "niềm vui" trong nước

"Câu hỏi đầu tiên là họ đang nói về niềm vui của ai vậy?"- Pavin Chachavalpongpun, một giáo sư chuyên về Đông Nam Á ở đại học Kyoto cho biết - "Tôi tin chắc đây không phải là niềm vui của những người Thái muốn có một chính quyền dân sự, những người mà quyền lợi đã bị cuộc đảo chính tước bỏ. Thật kỳ cục khi tin rằng chuyện này sẽ tạo ra một môi trường mang tính xây dựng giúp hòa giải. Nó sẽ không thể xảy ra khi quân đội vẫn đang ức hiếp, săn đuổi và bắt giữ các đối thủ của mình".

Cuộc đảo chính diễn ra hồi tháng trước ở Thái Lan, vụ thứ 12 kể từ khi chấm dứt chế độ quân chủ chuyên chế hồi năm 1932, đã lật đổ một chính quyền dân sự khốn khổ, được cử tri Thái bầu ra hợp pháp cách đây 3 năm. Chính quyền này thường xuyên bị người biểu tình, tòa án dồn vào chân tường, để cuối cùng quân đội cho phát súng ân huệ.

Trấn áp là cần thiết?

Quân đội tuyên bố đã can thiệp để duy trì trật tự sau nửa năm khủng hoảng chính trị, khiến bộ máy cầm quyền tê liệt và hàng chục người chết. Nhưng kể từ khi nắm quyền, quân đội dường như đã đi theo đường lối của lực lượng biểu tình chống chính quyền cũ, bằng cách vạch ra lộ trình sửa đổi hiến pháp và cải cách các thể chế chính trị.

Quân đội còn săn lùng các chính trị gia thuộc phe "áo đỏ" thân với chính quyền vừa bị lật đổ, những người đã tuyên bố sẽ hành động nếu có đảo chính. Họ cũng khởi tố những người cất tiếng chỉ trích cuộc đảo chính. Họ còn triệu tập hàng trăm chính trị gia, phần lớn là người ủng hộ hoặc đóng vai trò quan trọng ở chính quyền cũ. Động thái này khiến một số nhà hoạt động và học giả nổi tiếng nhất Thái Lan phải đi ẩn náu.


Bức biếm họa chế giễu quân đội đăng trên tờ Nation

Phó phát ngôn viên quân đội Thái Lan Weerachon Sukondhapatipak cho biết  hoạt động trấn áp là cần thiết trong giai đoạn hiện nay. "Nếu anh để dư luận lên tiếng lúc này, họ sẽ nói cùng với cảm xúc (khó kiềm chế) và họ sẽ chỉ trích rất hăng" - ông nói.

Trong bối cảnh đó, quân đội đã triển khai dự án "Trả lại niềm vui cho nhân dân" nhằm giúp nhân dân thư giãn, như lời Weerachon nói: "Chúng tôi cố tạo ra một bầu không khí có thể giúp xây dựng sự tin tưởng. Kế hoạch là vậy".

Thời điểm để hàn gắn

Bài phát biểu hàng tuần trên sóng phát thanh của lãnh đạo quân đội Prayuth Chan-ocha giờ cũng có tiêu đề "Mang trở lại niềm vui cho đất nước". Trước bài phát biểu, người ta đã phát một ca khúc mà Prayuth yêu cầu sáng tác, mang tên "Trả lại niềm vui cho Thái Lan".

Thứ Tư tuần trước, quân đội đã tổ chức một sự kiện nửa giống hòa nhạc, nửa giống hội chợ. Một chiếc xe quân đội hoạt động như bếp ăn di động đã phát không hàng ngàn suất cơm mang tên "Cơm trứng ốp lết hạnh phúc".

Các bác sĩ từ một bệnh viện quân đội gần đó đã phát thuốc miễn phí và kiểm tra huyết áp cho nhân dân. Một đội lính với khiên mũ đầy đủ đứng thành hàng để đám đông dùng họ làm nền chụp ảnh "tự sướng".

Tuy nhiên sự kiện chỉ thu hút phần lớn các cá nhân ủng hộ cuộc đảo chính. "Một số người có thể không vui với cuộc đảo chính, nhưng họ phải chấp nhận chuyện đã xảy ra" - Kanyapak Deedar, một nhân viên hàng không 32 tuổi nói khi nghe ban nhạc quân đội chơi nhạc - "Không phải ai cũng hài lòng. Nhưng quân đội đã vãn hồi trật tự và đã tới lúc để tiến lên".

Các sự kiện tương tự đã được tổ chức ở nhiều nơi tại Thái Lan và chính quyền còn có kế hoạch triển khai thêm nhiều hoạt động nữa như thế, tại các "trung tâm hòa giải". Weerachon cho biết các kế hoạch hiện đang được thảo ra, nhưng các trung tâm hòa giải sẽ cho phép người dân tìm tới một cách tự nguyện, trong một môi trường yên bình hơn, để thảo luận về những vấn đề của đất nước.

"Chúng tôi không tạo ra niềm vui một cách cưỡng ép. Chúng tôi chỉ yêu cầu sự hợp tác" - ông Weerachon nói - "Chúng tôi tin đây là thời điểm để hàn gắn để lắng nghe lẫn nhau và thấu hiểu".

Tuần này một tranh biếm họa đã xuất hiện trên tờ Nation của Thái Lan, chế giễu chiến dịch "vui vẻ" của quân đội. Trong tranh, một người biểu tình chống đảo chính mặt mũi đỏ gay đứng trước một đoàn xe tăng đang mỉm cười. Khi 2 viên cảnh sát chìm kéo một người biểu tình khác đi, một chỉ huy xe tăng gào lên qua loa: "Không vui là điều không thể tha thứ được!".

Tường Linh (Tổng hợp)
Thể thao & Văn hóa

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN