TTVH Online

Nhà thơ Đặng Hiển: Nâng niu hạt cát

01/06/2014 13:48 GMT+7

Nhắc đến Nhà thơ, nhà giáo Đặng Hiển, tác giả của bài thơ Mẹ vắng nhà ngày bão, có lẽ, không ai là không nhớ.

(Thethaovanhoa.vn) - Nhắc đến Nhà thơ, nhà giáo Đặng Hiển, tác giả của bài thơ Mẹ vắng nhà ngày bão, có lẽ, không ai là không nhớ. Bài thơ giản dị, chân thành được in trong sách giáo khoa... đã in đậm dấu ấn trong lòng biết bao thế hệ học trò. Nhưng ít ai biết rằng, người thầy giáo ấy còn có cả một gia tài thơ được cất đúc từ một tâm hồn tinh tế, nhạy cảm với những câu thơ bình dị nhưng chứa đựng nhiều nghĩ suy.

Thơ ca, với ông, đôi khi được bắt đầu từ những câu chuyện nhỏ, từ những nhân vật rất đỗi bình thường, ông làm thơ, như thể nâng niu từng hạt cát ...


Vào tháng 4 vừa qua, nhà thơ Đặng Hiển vừa cho ra mắt tập truyện thơ song ngữ Việt - Anh với tự đề Một cuộc đời - một tấm lòng, kể câu chuyện có thật về một người con gái mà ông có cơ duyên gặp gỡ trong đời.

"Mỗi con người là một viên đá quặng,

Ai biết đâu trong đó có vàng ròng.

Suốt thời gian - đời đãi đi đãi lại

Mới thấy vàng lấp lánh ở bên trong .

Cuộc đời Huê cũng là như thế đấy”…

1. Huê, nhân vật chính trong cuốn truyện thơ được viết từ nguyên mẫu một người phụ nữ quốc tịch Pháp, gốc Việt, tên Lê Thị Lý. Xuất thân trong một gia đình cách mạng, bà Lý từng tham gia biệt động quân nhưng số phận éo le đã đưa bà trở thành vợ một sĩ quan Pháp. Là vợ sĩ quan Pháp nhưng vẫn yêu nước, vẫn mong ước góp phần vào sự nghiệp cứu nước, đã tìm cách liên hệ với cách mạng và có những việc làm giúp ích cho cách mạng.

Trong chiến tranh chống Mỹ, lúc này bà Lý và gia đình đã ở Pháp, bà lại tiếp tục tham gia phong trào phản chiến của nhân dân Pháp, ủng hộ Việt Nam chống Mỹ. Sau ngày 30/4/1975, lại tiếp tục vận động giúp đỡ Việt Nam nhất là trong những năm Việt Nam bị cấm vận.

Vào đầu những năm 2000, bà là trưởng đoàn viện trợ của một tổ chức phi chính phủ của Pháp đến Bệnh viện tỉnh Hà Tây (cũ) tặng một số thuốc men, y cụ, chính tại đây, nhà thơ Đặng Hiển đã gặp và biết được câu chuyện về người phụ nữ đặc biệt này.

Ông chia sẻ: "Khi trực tiếp nói chuyện với bà thì tôi thực sự xúc động trước sự chân thực của bà. Ấn tượng đậm nhất về bà ở trong tôi là sau hơn 60 năm ở nước ngoài, người phụ nữ ấy vẫn hoàn toàn Việt Nam trong cử chỉ, lời nói nhất là trong tâm hồn, tình cảm. Bà đã kể cho tôi nghe về cuộc đời của bà, về hành trạng và gia đình. Cảm hứng khiến tôi viết và hoàn thành bài thơ dài chính khơi nguồn từ những cuộc đời bình thường, bình thường nhưng đáng quý, vì thế có lẽ cũng có sức thuyết phục lay động hơn.."


2. Truyện thơ Một cuộc đời - một tấm lòng được nhà thơ Đặng Hiển viết trong hai năm 2005 - 2006. Đến năm 2009, nhà thơ Đặng Hiển đã nhờ bác sĩ Đặng Vũ Viêm dịch ra tiếng Pháp, rồi nhờ thạc sĩ Ben, người Pháp (vợ Việt) hiệu đính. Một cuộc đời - một tấm lòng đã được in song ngữ Việt Pháp (2009). Năm 2010 gia đình bà Lê Thị Lý có trở lại Việt Nam, ông bà đã tổ chức một cuộc “ra mắt” cuốn sách nhân một buổi chiếu phim - chính cuốn phim tài liệu về những gia đình Việt - Pháp năm 1954 trong đó có gia đình ông bà.  

4 năm sau, với suy nghĩ: tiếng Anh phổ biến hơn, nên lại ông có ý nhờ dịch sang tiếng Anh. Một nhóm học sinh cũ của nhà thơ Đặng Hiển, có người học tiến sĩ, thạc sĩ ở Anh về, đã xung phong dịch. Để cho bản dịch có thể giàu chất thơ hơn, ông đã nhờ thạc sĩ Ben (là người đã hiệu đính bản Việt Pháp trước), người đã bảo vệ luận án thạc sĩ về ngôn ngữ văn học Anh và đã dịch nhiều tác phẩm Anh - Pháp, Pháp - Anh, hiệu đính bản tiếng Anh này. Và tác phẩm song ngữ Việt - Anh đã ra đời vào tháng 4/2014 (NXB Văn học).

Xuyên suốt tác phẩm truyện thơ Một cuộc đời - một tấm lòng người đọc dễ dàng nhận ra chân dung một người con gái vừa gần gũi, bình dị, dù phải trải qua biết bao thăng trầm của cuộc đời nhưng vẫn ngập tràn niềm hy vọng. Đó là niềm hy vọng được đặt vào chính những đứa con, vào chính tương lai:

"Huê hy vọng ngày mai có vài đứa con mình

Đem tài năng về dựng xây đất nước.

Ý nghĩ đó làm Huê tràn hạnh phúc,

Cảm thấy mình như có thêm một cuộc đời

Bởi những điều mình chưa làm được

Sẽ được các con thực hiện tiếp ngày mai,

Một ngày mau, người sống chỉ yêu thôi

Chỉ hạnh phúc, tự hào và không có điều gì phải tiếc".

 Nhà thơ Đặng Hiển chia sẻ thêm: "Trong suốt tác phẩm 320 dòng thơ, tôi không được một lần dùng từ lý tưởng, nhất là đối với nhân vật chính của tôi. Tôi thấy trước nhất và xuyên suốt ở nhân vật của tôi là lòng yêu nước của một người Việt Nam, một người phụ nữ bình thường.

Một điều tôi phát hiện ra là lòng yêu nước thực sự không mất mà luôn tiềm ẩn thậm chí thường trực trong những người tử tế. Và tất cả những điều như thế đã đủ để tôi viết về bà một tác phẩm nhỏ như sự vinh danh những con người bình thường, những hạt cát làm nên sa mạc, những giọt nước làm nên biển cả, những viên đá quặng có vàng ròng ở trong”.

Yên Khương
Thể thao & Văn hóa

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN