TTVH Online

Đọc 'Sống sao trong thời đại số?': Hãy biết sợ, nhưng không cần bi quan

22/05/2014 12:00 GMT+7

Sống sao trong thời đại số? của 2 thủ lĩnh Google là Eric Schmidt và Jared Cohen được coi là nỗ lực lớn nhất tính đến nay trong việc “vẽ ra một bản ký họa bằng ngôn ngữ” về tương lai gắn chặt với công nghệ của nhân loại.

(Thethaovanhoa.vn) - Sống sao trong thời đại số? của 2 thủ lĩnh Google là Eric Schmidt và Jared Cohen được coi là nỗ lực lớn nhất tính đến nay trong việc “vẽ ra một bản ký họa bằng ngôn ngữ” về tương lai gắn chặt với công nghệ của nhân loại.

Cuốn sách có tên đầy đủ Sống sao trong thời đại số?: Định hình lại tương lai của con người, quốc gia và doanh nghiệp (The New Digital Age: Reshaping The Future Of People, Nations And Business). Tên tiếng Anh đơn giản The New Digital Age (Thời đại số mới), còn bản dịch tiếng Việt (Hoàng Thạch Quân dịch, NXB Trẻ) đổi thành một câu hỏi nghe thảng thốt, Sống sao trong thời đại số?. Điều đó dường như bắt trúng tâm lý độc giả, khi với những gì họ đang chứng kiến, thời đại số dường như mang lại nhiều nỗi lo sợ hơn là niềm lạc quan.

Đọc cuốn sách này, độc giả sẽ tự quyết định nên lo sợ hay lạc quan, hay cả hai, vì đôi khi thái độ phụ thuộc vào điều kiện của mỗi người. Dù chúng ta có kiến thức ngang nhau, nhưng những người hiểu chuyện hơn sẽ lạc quan hơn và biết làm chủ cuộc sống của mình.

Bản chất của truyền thông ngày nay là xâm phạm đời tư

Đây là tác phẩm của 2 nhà lãnh đạo công nghệ hàng đầu hiện nay, là thủ lĩnh của hãng công nghệ hàng đầu thế giới, Google. Eric Schmidt (59 tuổi) là Chủ tịch điều hành Google còn Jared Cohen (32 tuổi) là Giám đốc Viện Chính sách Google Ideas. Công cụ tìm kiếm Google là một trong 4 yếu tố kiến tạo nên tương lai của thế giới, theo lời nhà báo Mỹ vừa đến thăm Việt Nam Thomas Friedman. Còn trong cuộc sống của các công dân Internet hiện nay, Google là một phần của cả quá khứ và tương lai. Bởi vậy, ít ai đưa ra tầm nhìn về tương lai thuyết phục hơn 2 nhà lãnh đạo cao cấp của Google.

2 tác giả Eric Schmidt và Jared Cohen

Về tương lai, các tác giả nhận định về nhiều lĩnh vực: cái tôi, nhân thân, quyền công dân, các nhà nước, chính trị, khủng bố, chiến tranh và xung đột, tái kiến thiết… Bài viết này chỉ đề cập đến khía cạnh con người, cụ thể hơn: các cá nhân sẽ ra sao trong thời đại số mới?

“Nhân thân sẽ là món hàng quý giá nhất của các công dân trong tương lai, và nó sẽ hiện hữu chủ yếu trên thế giới mạng” - cuốn sách viết. “Trải nghiệm mạng sẽ bắt đầu từ giây phút một đứa bé được sinh ra, hay thậm chí trước đó nữa. Những giai đoạn khác nhau trong cuộc đời của tất cả mọi người sẽ được lưu giữ và dễ dàng đem ra cho mọi người xem”.

“Công nghệ truyền thông chúng ta sử dụng ngày nay có bản chất là xâm phạm đời tư, nó thu thập hình ảnh, lời bình, và bạn bè của chúng ta đưa vào những kho dữ liệu khổng lồ mà người truy cập có thể dễ dàng tìm kiếm… Chúng ta sẽ bị đánh giá qua những mẩu tin chúng ta đưa lên Twitter”.

Nhưng, mọi người cũng đã sẵn sàng đánh đổi quyền riêng tư của mình lấy quyền được trải nghiệm thế giới số, như các ngôi sao ngày nay đổi đời tư để lấy danh tiếng vậy. Tất cả những người họ quen và cần quen đều ở đó, thế nên họ buộc phải ở đó. Tất nhiên ở đó có cả những người họ muốn và nên tránh xa.

Bìa bản dịch cuốn Sống sao trong thời đại số? giữ nguyên phong cách trang bìa so với bản tiếng Anh

Lời hứa lạc quan từ những người kiến tạo tương lai

Nhìn xa trông rộng thì thế này: đến tuổi 40, một người đã tích lũy được một câu chuyện dài đầy đủ về bản thân mình trên mạng, gồm tất cả những sự việc thật và không thật, tất cả những sai lầm và thành công trong tất cả mọi giai đoạn trước đó của cuộc đời. Tất cả mọi tin đồn.

Hiện nay, hầu hết mọi người đều có sự tích lũy từ mốc tuổi thiếu niên (tuổi bắt đầu chủ động sử dụng công nghệ), nhưng không nhiều người tích lũy từ khi vừa lọt lòng mẹ. Nhưng điều đó sẽ xảy ra với thế hệ ngay sau chúng ta đây, là con, cháu hoặc em của chúng ta hiện tại, với sự “tiếp tay” của các bậc phụ huynh (bằng sở thích liên tục chụp ảnh quay phim con nhỏ).

“Tất cả chúng ta phải quan tâm đến tương lai vì chúng ta sẽ phải sống hết cả quãng đời còn lại của mình ở đó” - Charles F.Kettering, doanh nhân và nhà sáng chế người Mỹ. Câu nói này là cảm hứng của cuốn sách Sống sao trong thời đại số?.
Khi đó, nhân thân - món hàng quý giá nhất - sẽ được con người mua bảo hiểm để tránh bị bẽ mặt. Bảo hiểm nhân thân sẽ ra đời và sẽ ăn nên làm ra trong thời gian tới vì ai cũng sẽ có nhu cầu được giữ uy tín và che giấu được càng nhiều sai lầm trong quá khứ càng tốt. Nhân thân thật và giả cũng sẽ được đưa ra mua bán như những món hàng, và hơn thế, trở thành một dạng tiền tệ mạnh.

“Trong tương lai, công nghệ thông tin sẽ có mặt khắp mọi nơi, giống như điện. Nó sẽ trở thành một phần không thể thiếu đến mức chúng ta không biết làm thế nào để mô tả cho con cháu mình hiểu được cuộc sống trước đó” - cuốn sách khẳng định. Quan trọng hơn, phần lớn công dân sẽ được hưởng lợi từ việc đó, chất lượng cuộc sống chắc chắn sẽ được nâng cao. Đó là “lời hứa” từ 2 trong số những người kiến tạo tương lai cho thế giới, và lời hứa đó hướng đến những người nghèo ở các nước nghèo với cơ hội tiếp cận công nghệ ít ỏi hơn.

Mặc dù vậy, “bức ký họa tương lai” trong cuốn sách thiếu một nét vẽ quan trọng: những tập đoàn công nghệ lớn như Google (mà 2 tác giả lãnh đạo) sẽ làm gì trong tương lai đó? Người ta nói rằng Google đang quá quyền lực trong thế giới số (một điều vừa tích cực vừa tiêu cực), nhưng 2 tác giả dường như đã quên, hoặc chủ động không đề cập đến, vấn đề này.

“Hãy quên chuyện viễn tưởng máy móc nổi dậy cướp quyền lực từ tay con người đi. Những gì xảy ra trong tương lai là hoàn toàn phụ thuộc vào chúng ta” - các tác giả nhắn nhủ. Bởi vậy, với những ai đang sợ Internet sẽ hủy hoại con người, thì đừng lo vì Internet sẽ không làm được điều đó, chính con người mới làm được.

Thế giới ra sao trong “thời đại số mới”?

Năm 2025, số lượng người có kết nối Internet trên trái đất sẽ tăng từ 2 tỷ của hiện nay lên 7 tỷ. Từ giờ đến lúc đó sẽ có những thay đổi sau:

- Năm 2025, máy tính chạy nhanh gấp 64 lần so với năm 2013.

- Quyền lực lớn chưa từng thấy sẽ nằm trong tay con người.

- Mọi hành động tội ác sẽ bị camera ghi lại. Nhờ công nghệ, khủng bố dễ hơn, nhưng cũng dễ tìm ra khủng bố hơn.

- Các bậc phụ huynh sẽ nói với con cái về an toàn và an ninh mạng trước khi nói về chim chóc và côn trùng.

- Nút xóa của máy tính và các trang mạng trở nên vô dụng. Không thứ gì có thể được xóa hoàn toàn nếu đã được đưa lên Internet. Lỗi lầm tuổi trẻ của con người sẽ ở lại với họ mãi mãi, theo lời Eric Schmidt được tờ Telegraph trích. Không cần họ tự nhớ, Internet sẽ ghi nhớ giúp họ. “Công dân trong thế giới số sẽ là thế hệ con người đầu tiên có hồ sơ không thể tẩy xóa” - ông viết trong cuốn sách.

Mi Ly
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN