TTVH Online

Tổ chức khủng bố công bố video các nữ sinh Nigeria bị bắt cóc

13/05/2014 10:40 GMT+7

Hãng thông tấn Pháp AFP đã công bố một video về khoảng 100 trong số 276 cô gái bị bắt cóc bởi lực lượng Hồi giáo cực đoan Boko Haram hồi tháng trước.

(Thethaovanhoa.vn) - Hãng thông tấn Pháp AFP đã công bố một video về khoảng 100 trong số 276 cô gái bị bắt cóc bởi lực lượng Hồi giáo cực đoan Boko Haram hồi tháng trước tại trường Trung học nội trú ở Chibok, bang Borno, miền bắc Nigeria. Đây là lần xuất hiện đầu tiên của các nữ sinh kể từ đêm định mệnh 14/4.

Trong đoạn video dài 27 phút, với trang phục Hồi giáo truyền thống, các con tin sợ hãi ngồi im, hầu như không hề cử động chân tay mà chỉ hát: “Hãy tôn vinh Thánh Allah, chúa tể của thế giới”.

Xuất hiện trong video, một người đàn ông tự xưng là Abubakar Shekau, thủ lĩnh nhóm Boko Haram ra điều kiện, nếu các thành viên bị giam giữ của nhóm này được trả tự do thì các tay súng sẽ thả các cô gái.

Tuy nhiên, nhà chức trách Nigeria đã phủ nhận chi tiết trên và khẳng định Shekau đã chết dù nhiều chuyên gia khác nói lãnh đạo lực lượng khủng bố khét tiếng hiện vẫn còn sống.

Phản ứng về video nói trên, Bộ trưởng Nội vụ Nigeria cho biết bất cứ người đàn ông trong đoạn video là ai đi chăng nữa thì  nước này cũng không quan tâm đến điều kiện trao đổi kia, hãng AFP đưa tin.

Tại một cuộc họp ngay sau đó, Giám đốc Cơ quan Định hướng Quốc gia Mike Omeri, một bộ thông tin của chính phủ Nigeria lại cho rằng cuộc đàm phán có thể là một lựa chọn để giải cứu các nữ sinh bị bắt cóc: “Chính phủ Nigeria sẽ tiếp tục nghiên cứu tất cả các điều kiện để con tin được thả tự do và trở về an toàn”.

Các chuyên gia phân tích đoạn video

Một quan chức cấp cao nói với hãng tin CNN rằng các nhà chức trách Mỹ không có lý do gì để nghi ngờ tính xác thực của đoạn video và cho biết: “Chuyên gia tình báo của chúng tôi đã xem xét từng chi tiết để lần ra các manh mối có thể hỗ trợ nỗ lực giải cứu con tin”.

Vụ bắt cóc táo bạo xảy ra vào tháng trước đã thổi bùng sự phẫn nộ trên toàn thế giới nhằm vào nhóm khủng bố Boko Haram.

Hình ảnh cắt từ video về các nữ sinh bị bắt cóc được công bố vào hôm qua (12/5)

Các nữ sinh xuất hiện trong video đều đeo mạng che mặt màu xám hoặc đen, phía sau là một hàng cây và các nhà điều tra cho rằng rất khó để xác định khu vực này. Nhiều cô gái tỏ ra rất lo lắng với vẻ mặt sợ hãi và bị cưỡng ép, có người thì thầm đọc nhẩm kinh Koran.

Người đàn ông xưng là Shekau tuyên bố, các cô gái - những người theo Kitô giáo - đã cải sang đạo Hồi và đề ra điều kiện thương lượng đàm phán trao đổi các nữ sinh và tù nhân Boko Haram bị chính quyền Nigeria giam giữ.

“Những cô gái này sẽ không thoát được khỏi tay của chúng tôi cho đến khi các người thả hết anh em của chúng tôi. Các người bắt anh em của chúng tôi 4 - 5 năm trước khiến họ đang phải ngồi tù. Các người đã làm nhiều thứ, và bây giờ chúng ta hãy nói chuyện về các nữ sinh”, tên này thách thức.

Tuy nhiên, tay súng này nói rằng chúng vẫn có kế hoạch bán các con tin làm nô lệ.

Dấu hiệu tích cực?

Một số nhà quan sát nhận xét video này là một dấu hiệu tích cực trong cuộc tìm kiếm và giải cứu các nạn nhân bị bắt cóc.

“Nó không chỉ là bằng chứng cho thấy nhiều cô gái còn sống mà còn đem lại nhiều phương hướng cho các nhà phân tích tình báo”, Thiếu tướng James Marks đã nghỉ hưu của Mỹ , một nhà phân tích quân sự của CNN bình luận.

Giới chức chính phủ Nigeria cũng đưa ra các thông báo. Thống đốc tiểu bang Borno đã ra lệnh cho các quan chức gửi đoạn video này cho cha mẹ các nữ sinh, giúp cơ quan điều tra xác nhận các cô gái.

Thống đốc Kashim Shettima “xem đây như một dấu hiệu tích cực, đặc biệt là thực tế nhiều con tin vẫn bình an, và thống đốc hy vọng các cô gái không bị cưỡng ép bất cứ điều gì”, văn phòng ông Kashim cho biết trong một tuyên bố.

Mặc dù nhiều người cho rằng tình hình là đáng lạc quan nhưng Thiếu tướng Marks lo ngại các thiếu niên bị bắt cóc vẫn có thể bị thương sau một tháng bị nhóm khủng bố giam giữ.

“Thật đáng buồn là chúng ta phải hạ thấp kỳ vọng xuống để có thể lường trước được những gì xấu nhất có thể xảy ra”, hãng tin CNN trích thuật.

Một cuộc trốn thoát táo bạo

Một nhóm phóng viên CNN đã thực hiện cuộc hành trình nguy hiểm đến làng Chibok để thu thập thông tin trực tiếp về vụ bắt cóc.

Người dân địa phương kể lại, trước khi các chiến binh Hồi giáo tiến vào thị trấn cùng rất nhiều súng và vũ khí khác, họ đã nhận được các cuộc điện thoại báo tin phiến quân này đang trên đường đến đó. Nhiều người ở các làng xung quanh cũng liên tục thông tin về đoàn xe tải chở hàng, xe bán tải và xe máy của các tay súng.

Dân trong làng báo cho chính quyền địa phương về vụ việc ngay trong đêm, cảnh sát kêu gọi quân tiếp viện, nhưng không một ai đến. Tất cả mọi người, gồm cả cảnh sát đều phải chạy trốn vào bụi rậm trong khi các cô gái vẫn ngủ trong ký túc xá và không hay biết gì.

Phóng viên Nima Elbagir của CNN đã tìm đến trường nội trú ở làng Chibok để gặp và nói chuyện với một trong những nữ sinh trốn thoát những kẻ bắt cóc của lực lượng Hồi giáo Boko Haram.

Thiếu niên giấu tên kể lại cô và hai người bạn của mình đã chạy trốn các tay súng khi chúng dồn các nữ sinh lên xe tải và chạy đến khu vực gần rừng Sambisa và lần theo hướng một đám cháy để tìm đường về nhà.

“Chúng tôi chạy vào bụi rậm. Chỉ có chạy và chạy”, nữ sinh này sợ hãi nhớ lại.

Người nhà một nữ sinh bị bắt cóc khóc chờ đợi tin tức của con gái.

Các quan chức cho biết dù số ít nạn nhân bắt cóc đã may mắn trốn thoát nhưng những cô gái mất tích còn lại có thể đã bị tách ra thành nhiều nhóm nhỏ và đưa qua biên giới.

“Để thu thập thông tin, chúng ta phải tổ chức tìm kiếm ở Niger, Cameroon và cả Chad”, cựu thủ tướng Anh Gordon Brown, đặc phái viên đặc biệt của Liên Hợp Quốc về giáo dục toàn cầu nhận định.

Tuy nhiên, Tổng thống Nigeria Goodluck Jonathan nói ông tin rằng các cô gái vẫn còn bị giam giữ ở trong rừng, nơi các chiến binh biến mất ngay sau khi thực hiện vụ bắt cóc.

Người đàn ông trong video là ai?

Lực lượng an ninh khẳng định chắc chắn Shekau đã chết.

“Vì vậy, bất cứ ai trông giống Abubakar Shekau trong đoạn video thì cũng không phải Abubakar Shekau”, ông Marilyn Ogar, Phó Giám đốc Dịch vụ Chứng khoán Nhà nước tại Nigeria quả quyết.

Jacob Zenn, chuyên gia về nhóm tội phạm Boko Haram của Jamestown Foundation, một trung tâm chính sách có trụ sở tại Washington cho biết chính quyền Nigeria từng khẳng định nhiều lần rằng Shekau đã chết nhưng sau đó, quân đội lại phải thừa nhận tên này vẫn còn sống.

“Trong hai video gần đây được công bố sau vụ bắt cóc, hình ảnh, giọng nói và phong cách của Shekau gần như trùng khớp với tất cả các video trước đó của Boko Haram, gồm cả các video khi hắn còn là một lãnh tụ Hồi giáo địa phương ở đông bắc Nigeria những trước 2010”, chuyên gia của Jamestown Foundation nhận xét.

Nếu tuyên bố của chính phủ là không chính xác thì đây cũng không phải là lần đầu tiên chính quyền Nigeria nhầm lẫn về nhóm khủng bố kể từ khi xảy ra vụ bắt cóc các nữ sinh hồi tháng trước.

Nỗ lực tìm kiếm toàn cầu

Trong khi các chuyên gia đang phân tích video được hãng thông tấn AFP công bố ngày hôm qua, quốc tế vẫn đang nỗ lực hết mình tìm kiếm hơn 200 con tin.

Các quan chức Mỹ và Anh ở thủ đô Abuja đã đề ra các kế hoạch, nhiệm vụ giải cứu và tư vấn cách đẩy lùi phiến quân Boko Haram.

Bộ Quốc phòng Mỹ đã điều nhiều máy bay không người lái giám sát trên vùng lãnh thổ Nigeria và cung cấp hình ảnh vệ tinh cho cơ quan điều tra Nigeria, các quan chức cấp cao của chính quyền ông Obama xác nhận với CNN hôm 12/5.

Trung Quốc và Pháp cũng đang giúp đỡ Nigeria trong công việc tìm kiếm. Hiện Israel đã lên kế hoạch gửi một nhóm các chuyên gia chống khủng bố để hỗ trợ lực lượng điều tra, văn phòng Tổng thống Jonathan cho biết.

Tuy nhiên, Mỹ tiết lộ nước này không có kế hoạch gửi quân chiến đấu mà chỉ tham gia các hoạt động, kế hoạch quân sự của Nigeria bằng việc giúp đỡ điều tra và hỗ trợ tình báo cũng như tư vấn về đàm phán giải cứu con tin cùng nhiều các vấn đề khác, một quan chức cấp cao Bộ Ngoại giao Mỹ khẳng định.

Hải Yến
Theo CNN

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN