TTVH Online

Nhà báo Hữu Thọ: 'Bằng cấp cao lên nhưng tri thức thấp xuống, cái nhà to lên nhưng gia đình bé lại...'

12/05/2014 09:00 GMT+7

Nguyên Trưởng ban Tư tưởng - Văn hóa TƯ Hữu Thọ nói về vẫn đề văn hóa Việt Nam đang phải đối diện: "Bằng cấp cao lên nhưng tri thức thấp xuống. Máy tính nhiều lên nhưng giao tiếp trực tiếp giữa người với người ít đi".

Mặc dù đang phải điều dưỡng và tập đi sau nửa tháng điều trị ở bệnh viện nhưng nhà báo lão thành Hữu Thọ, nguyên UVTƯ Đảng, nguyên Trưởng ban Tư tưởng - Văn hóa TƯ vẫn sẵn sàng chia sẻ một tổng kết trong dân gian mà ông thấm thía về những biểu hiện mới mà văn hóa Việt Nam đang phải đối diện: "Bằng cấp cao lên nhưng tri thức thấp xuống. Máy tính nhiều lên nhưng giao tiếp trực tiếp giữa người với người ít đi. Cái nhà to lên nhưng gia đình bé lại...".

* Thưa nhà báo Hữu Thọ, có lẽ chưa bao giờ những nguy cơ về văn hóa lại được đề cập nhiều như hiện nay? Đó phải chăng cũng đồng nghĩa với nguy cơ sức mạnh mềm của văn hóa đang ngày càng yếu đi trong cuộc sống đương đại?

- Trong một cuộc thảo luận, tôi đã từng bày tỏ ý kiến của mình rằng không nên coi văn hóa như một thứ "chân phanh" để điều chỉnh những lệch chuẩn trong phát triển, như vậy là nói văn hóa chỉ tác động một cách thụ động tới sự phát triển hay sao? Bác Hồ đã nói “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”. Đảng ta coi văn hóa là động lực và mục tiêu của phát triển. Do đó văn hóa không chỉ là "chân phanh" mà còn là "chân ga" nữa chứ.

Nhìn lại cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước của nhân dân VN, Mac Namara phải thừa nhận rằng không hiểu hết văn hóa VN là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến thất bại của họ trong cuộc chiến tranh ở miền Nam.

Gần đây, khi nói về Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế cũng đều khẳng định đó là chiến thắng của nền văn hóa VN. Như thế văn hóa không chỉ là một nội dung của phát triển bền vững mà còn là cột trụ trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Nhà báo Hữu Thọ

Sau 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII, đời sống văn hóa, sự nghiệp văn hóa VN đã có những tiến bộ rõ rệt. Tuy nhiên, chúng ta lại đang nhìn thấy những vấn đề có dấu hiệu của sự khủng hoảng về văn hóa. Bằng cấp tuy nhiều nhưng lực lượng "đầu đàn", tức là những tinh hoa thì rất ít. Các nhà lãnh đạo, quản lý văn hóa thời nào cũng có nhưng các nhà văn hóa thì  hiếm vô cùng.

Bên cạnh đó là những nguy cơ của sự vọng ngoại trong hội nhập; là sự không chế ngự được những cám dỗ của vật chất, quyền lực... Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII xác định tư tưởng, đạo đức, lối sống là vấn đề then chốt của văn hóa thì bây giờ đó lại là những lĩnh vực đang xuống cấp trầm trọng, là thách thức vô cùng lớn trong giai đoạn này.

* Thưa ông, trong rất nhiều nguy cơ văn hóa thì những vấn đề liên quan đến con người  được xem là đáng lo ngại nhất. Sự xuống cấp về tư tưởng, đạo đức, lối sống như ông vừa nói trên thực tế đã đến mức độ nào?

- Thực chất khó có thể phân ra những cấp độ rõ ràng. Nhưng tôi cho rằng đã xuống cấp đến mức đe dọa sự tồn vong của chế độ, của Đảng, tức là đã đến mức thấp nhất rồi. Biểu hiện không chỉ là sự tụt hậu về tư tưởng, đạo đức, lối sống của cán bộ mà cả trong xã hội. Quan hệ ứng xử giữa con người với con người, giữa con người với cộng đồng, với môi trường tự nhiên bây giờ quả thực có nhiều điều đáng lo lắng. Giữa người với người theo truyền thống của cha ông ta là sống tình nghĩa, thủy chung, dung hòa, chân thật. Nhưng bây  giờ lại là sự tràn lan của  bạo lực. Nhiều chuyện đau lòng xảy ra như con giết cha, con đuổi mẹ ra đường vì  tranh chấp nhà cửa... Và bệnh nói dối, phô trương đang tràn lan. Chỉ nghĩ đến thôi đã rùng mình, đọc trên báo cũng thấy ngượng mắt.

Vì sao lại như thế? Chúng ta không chỉ cần làm rõ những nguy cơ mà quan trọng hơn là phải làm sao ngăn chặn nguy cơ và khôi phục, phát triển được nền văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc trong quá trình phát triển. Tuy nhiên, không thể khôi phục chỉ bằng những Chỉ thị, Nghị quyết hay các biện pháp, quy định hành chính, mặc dù có lúc cần thiết. Theo tôi, việc khôi phục trước hết phải bắt đầu từ mỗi gia đình, trường học, các cơ quan công quyền.

Một vấn đề khác là phải xây dựng được hệ giá trị VN với các chuẩn mực giá trị. Cốt lõi của hệ giá trị chính là con người VN gắn liền truyền thống với hiện đại. Sức mạnh mềm văn hóa cũng chính là sức mạnh của con người. Mọi tài nguyên được khai thác rồi cũng đến khi cạn kiệt. Các cơ sở vật chất để càng lâu thì càng lạc hậu. Nhưng riêng văn hóa, càng lâu thì càng quý.

* Dư luận hiện nay thường đề cập đến thực trạng ở các trường học trọng dạy chữ hơn dạy người, tại các cơ sở công quyền trọng bằng cấp hơn năng lực... Ông có suy nghĩ gì?

- Bằng Tiến sĩ thì cũng chỉ là một thước đo, chưa nói đến các "Tiến sĩ giấy" (!). Tôi đọc tên các Tiến sĩ, Trạng nguyên được ghi danh  ở bia Văn Miếu- Quốc Tử Giám cũng chỉ thấy độ một chục vị có những tác động đến sự thay đổi của quốc gia để người đời nhớ mãi. Tất nhiên, cũng phải tôn vinh sự học và những người học hành đỗ đạt, nhưng bên cạnh bằng cấp thì quan trọng hơn là hành vi, là ứng xử, là năng lực và hiệu quả xã hội. Trong lịch sử, Đào Duy Từ không hề đỗ một bằng cấp nào nhưng cả nước vẫn gọi ông bằng Thầy đấy thôi!

* Thưa ông, các quan niệm sống, giá trị sống ngày nay dường như cũng đang  có một sự đảo lộn về giá trị, nhiều quan niệm truyền thống trước đây  nay lại bị coi là bảo thủ, lạc hậu, thay thế và thịnh hành lại là những xu hướng thời thượng, được giới trẻ đặc biệt yêu thích?

- Thực sự đang có một sự thay đổi lớn trong hệ giá trị, đặc biệt trong kinh tế thị trường và với sự chi phối của chủ nghĩa thực dụng. Tuy nhiên, tôi cho rằng trong những thay đổi đó cũng có những mặt phải chấp nhận. Thanh niên bây giờ có thể  bỏ cơ quan này đến cơ quan khác để có điều kiện làm việc tốt hơn, lương cao hơn, nhưng không thể vì thế mà phê phán họ là thực dụng.

Tôi còn nhớ bài học trong giáo trình lớp vỡ lòng ở một nước phát triển: “100 Đô la phải bắt đầu từ một Cent”. Các thầy ở đó nói với chúng tôi: đừng tưởng đó là dạy toán, dạy  kinh tế mà đó chính là dạy đạo đức, bài học về tiết kiệm. Bây giờ người ta không quan tâm lương một tháng của anh là bao nhiêu, mà quan tâm một tháng anh để dành được bao nhiêu.

Dạy con người cũng có nhiều mặt. Đạo đức truyền thống rất cần được gìn giữ, nhưng những mặt không còn thích hợp với cuộc sống hiện đại thì cũng nên bỏ đi. Trong quá trình hội nhập, ta có điều kiện để tiếp thu những giá trị tiến bộ của các nước nhưng phải giữ được bản sắc, cốt lõi của mình. Mất bản sắc văn hóa dân tộc thì anh chỉ là cái bóng của người ta, làm sao mà hòa nhập bình đẳng được. Có thể lấy ví dụ từ những việc rất nhỏ như hội nhập thì phải biết tiếng Anh, nhưng trên các bảng biển nếu để chữ tiếng Anh quá lớn, trong khi chữ tiếng Việt quá nhỏ là không được. Ở các nước Nhật, Hàn Quốc là những đồng minh thân cận của Mỹ nhưng luôn luôn trên các bảng hiệu thì chữ nước họ ở bên trên, to hơn; còn tiếng Anh thì ở dưới, nhỏ hơn.

* Nhiều người cho rằng, trong sự xuống cấp của đạo đức và nền tảng văn hóa truyền thống có phần trách nhiệm rất lớn của truyền thông. Với cương vị là một nhà báo, ông suy nghĩ như thế nào?

-  Vai trò của truyền thông hiện nay cực kỳ quan trọng. Khen ai, chê ai, phải có sự chọn lựa kỹ càng. Khen thì đừng có thổi phồng, chê cũng đừng đẩy người ta xuống bùn đen. Sự  “loạn hậu”, “loạn sao” có phần trách nhiệm của báo chí. Trong những chuyển đổi các giá trị của thời đại mới, có những chuyển đổi không nên vội vàng phê phán. Tôi lấy ví dụ về chương trình Giai điệu tự hào mà chúng ta đang xem, thế hệ chúng tôi muốn được nghe những bài hát cũ với giai điệu cũ chứ không muốn nghe các giai điệu mới. Nhưng có điều những giai điệu cũ đó chậm rãi và không còn phù hợp với cuộc sống sôi động hiện nay. Các thế hệ trước yêu thích Boston, Valse, nhưng lớp trẻ thì là  Pop, Rock, Hip hop...

Ở đây đặt ra vấn đề là chúng ta phải chấp nhận những thay đổi, nhưng truyền thông đến chừng mực nào để không mất đi bản sắc truyền thống. Trong một chương trình tôi bình luận, thực sự tôi không thích giọng hát của một “ngôi sao”, nhưng với nhiều thanh niên thì  anh ta là thần tượng. Thực tế đó buộc tôi phải nghĩ rằng mình quá xa rời cái thích của đám trẻ,  và nếu bộc lộ suy nghĩ chủ quan của mình thì nghĩa là sẽ tạo ra sự đối lập với lớp trẻ. Không nên làm một việc như thế. Nên, tôi đã không dùng từ "thích" mà dùng từ "trọng" để nói rằng anh ấy đã đi được vào lớp trẻ. Tuổi của thế hệ chúng tôi thích sự tĩnh lặng, nhưng thanh niên thì khác, họ thích vừa đi vừa cựa quậy, nên cũng phải chấp nhận lẫn nhau.

*  Ngày càng có nhiều tờ báo, nhất là báo mạng cổ súy cho lối sống thực dụng, sống ảo, hình ảnh các hot boy, hot girl xe đẹp, lối sống vương giả tràn ngập... Đó cũng là một nguy cơ phải đối diện của sức mạnh mềm văn hóa, thưa ông?

- Bây giờ nhiều tờ báo phải sống phụ thuộc vào quảng cáo. Trước đây tôi cũng đã từng nhắc Đài Truyền hình VN về tình trạng chiếu quá nhiều phim lấy bối cảnh cuộc sống của nhà giàu, khách sạn hạng sang... mà thiếu vắng hình ảnh của cuộc sống nông thôn. Họ trả lời, nếu khai thác bối cảnh nông thôn thì khó thu hút được quảng cáo vì thị trường của họ là các thị dân! Vì thế phải nói rằng, các nhà quảng cáo hiện nay đang chi phối không nhỏ hoạt động của truyền thông mà quảng cáo bao giờ cũng nói quá lên, cho nên người ta nói “văn hóa quảng cáo” trong ngoặc kép để tỏ thái độ không coi trọng. Thực sự là thế lực tài chính đang chi phối hoạt động truyền thông, đôi khi làm cho truyền thông mất đi tính trung thực.

Nhà báo Mỹ Thomas Friedman khi nói về toàn cầu hóa đã sử dụng hai hình ảnh đối lập là chiếc xe Lexus và cây ô- liu để nói đến một vấn đề mà nhân loại đang phải đối mặt, khi chiếc xe Lexus đi đến đâu thì những rừng cây ô- liu bị tiêu diệt đến đó. Đó cũng là những vấn đề của sức mạnh mềm văn hóa VN  trong quá trình toàn cầu hóa, thưa ông?

Bao giờ cũng thế. Sự xâm lăng bây giờ có nhiều mặt. Về kinh tế, họ nói hàng hóa đi đến đâu, chi phối đến đâu thì biên giới mở rộng đến đó. Còn xâm lăng văn hóa thì tôi đã nói nhiều lần, mất văn hóa là mất tất cả. Nước nào người ta cũng  tìm cái hay của các nước khác để học tập nhưng họ đều ngăn ngừa “vọng ngoại”.

Tôi sang Hàn Quốc, Thứ trưởng ngoại giao của họ nói, người Hàn dù có yêu nước đến đâu cũng không bao giờ dám so sánh mỹ phẩm của mình với mỹ phẩm Pháp. Chỉ có ở VN thì mỹ  phẩm Hàn Quốc mới có thể bán chạy hơn mỹ phẩm Pháp. Sở dĩ như vậy chính vì phim Hàn Quốc đang ngập tràn đất nước chúng ta.  Trong  toàn cầu hóa, nhiều giá trị mới ồ ạt tràn vào thì càng cần phải bảo tồn văn hóa dân tộc để tạo nên sức mạnh kháng cự với những nguy cơ lai căng, để giữ được cốt lõi của dân tộc mình và không vọng ngoại.

* Ông từng đưa ra một tổng kết: "Bằng cấp cao lên nhưng tri thức thấp xuống. Máy tính nhiều lên nhưng giao tiếp trực tiếp giữa người với người ít đi. Cái nhà to lên nhưng gia đình thì bé lại". Có thể xem đây là tổng kết toàn diện về những nguy cơ văn hóa trong giai đoạn hiện nay?

- Đó là những gì tôi tổng kết từ những điều nghe thấy trong nhân dân, từ dư luận. Tất nhiên, ví von dân gian bao giờ cũng có phần lộng ngôn, nhưng lại là những vấn đề rất quan trọng mà chúng ta phải suy nghĩ.

* Xin trân trọng cảm ơn ông!

Theo Thu Trang- Huy An
Báo Văn hóa

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN