TTVH Online

Chuyện chưa kể từ đạo diễn Liên Xô Roman Karmen

06/05/2014 07:25 GMT+7

60 năm sau khi thực hiện bộ phim tài liệu Việt Nam (1954), những ghi chép của cố đạo diễn Liên Xô Roman Karmen về quá trình làm phim, cũng như các cảnh quay về Điện Biên Phủ đã được Viện Đông Phương Liên bang Nga cung cấp cho chúng ta.


(Thethaovanhoa.vn) - 60 năm sau khi thực hiện bộ phim tài liệu Việt Nam (1954), những ghi chép của cố đạo diễn Liên Xô Roman Karmen về quá trình làm phim, cũng như các cảnh quay về Điện Biên Phủ  đã được Viện Đông Phương Liên bang Nga cung cấp cho chúng ta.

Tư liệu gồm nhật ký, sổ tay, thư, ảnh… Các tài liệu cá nhân này hiện đang được bảo tồn tại Kho lưu trữ văn nghệ quốc gia Liên bang Nga (Mátxcơva). TS Anatoly Sokolov, một nhà VN học người Nga, đã nghiên cứu và tổng hợp những tư liệu trên để công bố tại Hội thảo quốc tế Chiến thắng Điện Biên Phủ - Sức mạnh VN và tầm vóc thời đại tại Hà Nội vào sáng 5/5.

1. Trước Việt Nam, Roman Karmen (1906 - 1978) đã thành danh với hàng loạt bộ phim tài liệu về nội chiến Tây Ban Nha, các chiến dịch Leningrad, Stalingrad hay trận công phá Berlin năm 1945. Nhưng như lời ông, sau ngày 7/5/1954, bản thân 3 từ "Điện Biên Phủ" vẫn gợi nên một cảm hứng mới với các nhà làm phim Liên Xô, bởi đó là "một biểu trưng hy vọng cho tất cả các dân tộc bị áp bức và nô dịch".

Rời Mátxcơva vào chiều 16/5/1954, đoàn làm phim Liên Xô bay tới Bắc Kinh rồi đi đường bộ sang VN trong 8 ngày sau đó. Họ mang theo tổng cộng 900kg thiết bị máy móc. Sự e dè về tâm lý của "những người Liên Xô đầu tiên có dịp vượt qua biên giới VN" sớm bị xua tan. Karmen ghi lại vắn tắt những cảm tưởng đầu tiên của mình: "Vừa qua biên giới, chúng tôi được những người Việt Nam hôn và ôm chặt. Chúng tôi đã đi những bước chân đầu với sự tin cậy rằng đây là một đất nước yêu mến mình".


Cố đạo diễn Karmen (đứng giữa, đội mũ) đang chỉ đạo một cảnh quay bộ phim Việt Nam năm 1954

Ở Hà Nội, một chút phiền toái xảy ra khi quay phim Ensurin bị lính Pháp bắt giữ vì... nhầm ông với nhà cách mạng Pháp Moris Torez. Sau đó, trên đường lên vùng Việt Bắc, Karmen rất ngạc nhiên khi biết rằng tại VN đã có tới 95% dân số biết đọc biết viết. Ông ghi trong nhật kí của mình câu chuyện lạ đời về cách chính quyền cách mạng thanh toán nạn mù chữ: một phụ nữ mù chữ ra chợ bán gà đã phải vào lớp học đọc và viết trong 2 tiếng đồng hồ, trước khi được phép bước vào chợ.

2. Nhờ sự giúp đỡ từ phía VN, dù chiến dịch Điện Biên đã kết thúc, Karmen và cộng sự đã hoàn thành được nhiều cảnh quay dựng lại về chiến thắng lịch sử này như cảnh tướng Giáp dưới hầm chỉ  huy, cảnh bộ đội Việt Nam kéo pháo qua núi rồi ào ạt xông lên tấn công hầm De Castries, cảnh phất cờ  trên nóc hầm…

Tại núi rừng Việt Bắc, để thao tác linh hoạt, các nhà làm phim VN đã thiết kế hẳn cho Karmen một hệ thống giàn giáo bằng tre để đặt máy quay. Để quay các đại cảnh, hàng ngàn chiến sĩ Điện Biên Phủ đã được huy động đóng phim. Thậm chí, khi quay một số cảnh ném thủ pháo, các nhà làm phim Xô viết vô cùng đau xót khi chứng kiến một chiến sĩ Điện Biên gặp tai nạn và hi sinh.

Dựa theo sự thật lịch sử, những thước phim về chiến thắng Điện Biên là sự kết hợp linh hoạt giữa phần dựng lại, với những cảnh tư liệu thật của các nhà quay phim VN thời đó như Mai Lộc, Nguyễn Tiến Lợi, Nguyễn Hồng Nghi, Quang Huy... Điển hình, cảnh người Pháp kéo cờ hàng tại Điện Biên là tư liệu thật, còn hình ảnh hàng ngàn tù binh Pháp diễu qua ống kính là cảnh quay được Karmen bố trí tại trại giam Tuyên Quang. Cách xử lý thông minh của Karmen khiến máy quay luôn đặc tả những khuôn mặt vô hồn thất thần của các tù binh Pháp.

Khá thú vị,  trong số các quân nhân Pháp này có 2 nhà báo quân sự là Daniel Camus và Pierre Schoendoeffer. Biết chuyện, từ trên dàn quay bằng tre, Karmen đã bước xuống rút thuốc lá mời và trò chuyện cùng những "đồng nghiệp" bên kia chiến tuyến của mình. 40 năm sau chiến thắng Điện Biên, chính Pierre Schoendoeffer đã trở lại VN để tham gia làm làm bộ phim truyện Điện Biên Phủ của Pháp.

Giữa những ngày quay các thước phim về Điện Biên Phủ, Karmen ghi lại trong nhật ký của mình: "Tôi sắp viết xong bài dài đầu tiên cho báo Văn học. Tôi đã nhận được nhiều bức điện từ Mátxcơva đề nghị tôi viết về Việt Nam. Những độc giả Xô Viết của chúng tôi rất muốn biết thêm về Việt Nam, muốn đọc những ghi chép từ thực tế - bởi những thông tin đang có chưa đủ thỏa mãn sự quan tâm của họ với một VN xa mà gần".

Ghi chép cá nhân của Karmen trong thời gian làm phim còn nhắc tới Hồ Chủ tịch, người đã nói câu "chào đồng chí" với ông bằng thứ tiếng Nga rất chuẩn khi vừa gặp mặt. Nhắc tới tướng Giáp - người chia sẻ với ông câu chuyện về bệnh sốt rét của các con trai mình trong thời gian ở Điện Biên. Nhắc tới Tố Hữu và Nguyễn Đình Thi - 2 nhà văn đã thật sự trở thành bạn thân thiết của Karmen trong hàng chục năm sau này.

Chiêu Minh
Thể thao & Văn hóa

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN