TTVH Online

Sự phát triển đặc biệt của ngành hàng không: Ngày càng an toàn hơn nhờ... tai nạn

16/04/2014 07:31 GMT+7

Đi lại bằng máy bay hiện là một trong những phương thức di chuyển an toàn nhất thế giới hiện nay. Tuy nhiên chúng ta chỉ có thể đạt được điều này nhờ một hành trình rút kinh nghiệm kéo dài, đầy đau đớn, dựa trên rất nhiều thảm kịch hàng không.


(Thethaovanhoa.vn) - Đi lại bằng máy bay hiện là một trong những phương thức di chuyển an toàn nhất thế giới hiện nay. Tuy nhiên chúng ta chỉ có thể đạt được điều này nhờ một hành trình rút kinh nghiệm kéo dài, đầy đau đớn, dựa trên rất nhiều thảm kịch hàng không.

Trước khi động cơ có thể nâng các cỗ máy nặng nề hơn không khí nhiều lần lên khỏi mặt đất, bất kỳ nỗ lực nào nhằm bay lên trời đều vô cùng nguy hiểm.

Thuở sơ khai đầy chết chóc

Tuy nhiên các nhà phiêu lưu vẫn buộc cánh vào tay và nhảy ra khỏi các ngọn đồi, các tòa tháp, với hy vọng thắng được trọng lực, dù thường họ luôn thua và phải trả giá bằng mạng sống. Ngay cả khi người ta dần hiểu được yếu tố khoa học của hoạt động bay lượn, những người đàn ông như Otto Lilienthal, một nhà tiên phong người Đức sống trong thế kỷ 19 nổi tiếng vì việc thí nghiệm tàu lượn, vẫn mất mạng do bị gió thổi rớt xuống đất từ độ cao 7 mét lúc đang bay thử nghiệm.


Vụ cháy và rơi chiếc MD-11 của Swissair đã thay đổi vật liệu chế tạo thân máy bay

Vô số hy sinh như thế đã xuất hiện trong những ngày đầu của hoạt động bay sử dụng sự hỗ trợ của máy móc. Ngày hôm nay, biểu tượng Rolls-Royce gắn trên động cơ của một chiếc máy bay là sự đảm bảo về việc nó có một "trái tim" hoàn hảo phục vụ việc bay lượn. Tuy nhiên đồng sáng lập viên của hãng là Charles Rolls đã thiệt mạng vào tháng 7/1910, lúc mới 32 tuổi, do phần đuôi chiếc máy bay hiệu Wright Flyer của ông bị rơi ra khỏi thân trong lúc đang bay.

Roy Chadwick, nhà thiết kế đã mang tới cho nhân loại chiếc máy bay ném bom Lancaster huyền thoại sử dụng động cơ Merlin do Rolls-Royce sản xuất, đã chết vào tháng 8/1947 khi chiếc máy bay thử nghiệm Avro Tudor của ông rơi gần Hồ District, Anh quốc, hậu quả do lỗi bảo dưỡng.

Chadwick qua đời đúng thời điểm ngành công nghiệp hàng không thời hậu Thế chiến thứ hai đang cất cánh. Trước đó, di chuyển bằng máy bay là đặc quyền dành riêng cho giới lắm tiền, cho các nhà phiêu lưu mạo hiểm, quan chức chính quyền hoặc các nhà báo gặp may. Các hãng hàng không thường có quy mô nhỏ, với dịch vụ trên máy bay vô cùng nghèo nàn. Tuy nhiên thời hậu chiến, ngành hàng không dân dụng bùng nổ mạnh mẽ, với tương lai chuyển sang hướng vận tải vô số người và hàng hóa đi toàn cầu.

Bài học quý giá từ mỗi tai nạn

Chương mới này của hàng không dân dụng được kể lại bởi những chiếc máy bay phản lực, bởi những người thiết kế và thử nghiệm chúng, cũng như các hành khách "to gan lớn mật" đã dám đi lại trên những cỗ máy mới tinh và chưa từng được chứng tỏ năng lực. Sự phát triển máy bay phản lực dân dụng đã dẫn tới cái chết của hàng loạt phi công thử nghiệm, nổi tiếng nhất là trong giai đoạn những năm 1950. Điều nghiệt ngã là các tai nạn đó giúp cải thiện yếu tố kỹ thuật, thay đổi hoạt động điều hành và khiến hàng không dân dụng càng lúc càng an toàn hơn.

Trong số các thảm kịch đã tạo tác động thay đổi lớn có 3 sự kiện đáng nhớ, xảy ra trong vòng vỏn vẹn 1 năm, liên quan tới hãng hàng không British Overseas Airways Corporation (BOAC). Từ năm 1953 tới 1954, 3 chiếc Comet của hãng đã vỡ tung không lâu sau khi cất cánh, làm tất cả các hành khách thiệt mạng. Trong đó có 2 chiếc bị vỡ trên Địa Trung Hải lúc đang tăng độ cao vào tháng 1 và tháng 4/1953. Chiếc thứ 3 bị vỡ khi bay vào vùng thời tiết xấu trong chặng từ Calcutta tới Delhi ở Ấn Độ.


Tai nạn liên quan tới những chiếc Comet đã khiến thế giới từ bỏ kỹ thuật sản xuất thân vỏ máy bay sử dụng đinh tán

Hoạt động điều tra tai nạn diễn ra sau đó đã giúp tạo đột phá trong an toàn hàng không. Các kỹ sư đã thu gom mảnh vỡ máy bay và khi kiểm tra áp lực tác động lên thành máy bay, nhờ thử nghiệm trong một thùng chứa nước khổng lồ, họ đã tìm ra nguyên nhân tai nạn. Họ thấy rằng nhiều vết nứt đã xuất hiện trên thân những chiếc Comet yểu mệnh, quanh các cánh cửa chính và cửa sổ, khi máy bay phải trải qua nhiều lượt tăng áp và giảm áp lặp đi lặp lại.

Thời đó thân máy bay thường được tăng áp vào đầu chuyến bay để hành khách cảm thấy thoải mái và giảm áp khi máy bay hạ cánh. Do vỏ máy bay được chế tác bằng kỹ thuật sử dụng đinh tán, nó đã không thể chịu được các vòng tăng giảm áp diễn ra liên tục, kéo dài như thế, khiến tai nạn diễn ra.

Giới kỹ sư ở Mỹ đã đặc biệt lưu tâm tới những phát hiện trong các vụ tai nạn Comet. Họ đã tích hợp các kiến thức này vào trong hoạt động sản xuất những chiếc máy bay chở khách hết sức thành công do Boeing và Douglas chế tạo. Các phương tiện này nhanh chóng tràn ngập bầu trời, không chỉ tham gia các chuyến bay từ Mỹ sang Anh mà còn vươn ra toàn cầu. Ngay cả BOAC, hãng hàng không từng tích cực quảng bá cho Comet, cũng chuyển sang dùng mẫu Boeing 707 cho các chuyến bay dài.

Liên tục rút kinh nghiệm

Sau một vụ đâm nhau trên hẻm núi lớn giữa chiếc Super Constellation của hãng TWA và DC-7 của United Airlines-7, vụ tai nạn hàng không đầu tiên làm hơn 100 người chết, hoạt động kiểm soát không lưu đã được nâng cấp. Bước ngoặt lớn diễn ra năm 1958 với sự hình thành của Cơ quan hàng không liên bang Mỹ (FAA). Cơ quan này kiểm soát toàn bộ không phận Mỹ, gồm cả các chuyến bay quân sự, đảm bảo rằng mọi chuyến bay đều được kiểm soát tốt.

Cùng thời điểm, công nghệ ra-đa và liên lạc vô tuyến phát triển cũng có nghĩa không còn các khu vực "mù" nằm trên đường bay thông thường, nơi hoạt động liên lạc với tổ lái sẽ không thể diễn ra, vốn là hiện tượng thường gặp vào những năm 1950. Các thiết bị truyền phát tín hiệu sau đó được lắp vào máy bay và hệ thống cảnh báo va chạm cũng được tích hợp.

Cuối cùng vào những năm 1970, hệ thống định vị toàn cầu GPS được bổ sung, giúp giao thông hàng không trở nên an toàn hơn nhiều. Trong nửa thế kỷ qua, dù có 30.000 chuyến bay được thực hiện mỗi ngày, đã không còn chiếc máy bay chở khách cỡ lớn nào đâm nhau trên bầu trời Mỹ.

Tuy nhiên vẫn luôn luôn có những sự cố hàng không xảy ra và người ta lại thu được bài học mới để nâng cao tiêu chuẩn an toàn. Ví dụ một chiếc MD-11 của Swissair đã bốc cháy và phát nổ làm 229 người thiệt mạng, không lâu sau khi cất cánh từ phi trường J.F. Kennedy tới Rome, Italy vào tháng 9/1998. Sau tai nạn, các vật liệu chống lửa đã được sử dụng trên máy bay.

Tháng 8/1985, một chiếc Boeing 747 của hãng Japan Airlines (Nhật Bản) bay từ Tokyo tới Osaka đã mất toàn bộ áp suất, dung dịch trong hệ thống thủy lực và hỏng hệ thống ổn định phương thẳng đứng. Tổ lái đã rất nỗ lực để hạ cánh máy bay, nhưng nó vẫn rơi xuống làm 520 người thiệt mạng. Sau tai nạn, người ta đã tìm cách tăng cường kiểm soát tình trạng thân máy bay.

Tường Linh (Theo BBC)
Thể thao & Văn hóa

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN