TTVH Online

Có một bài ca không bao giờ quên

30/04/2014 08:18 GMT+7

Trong chương trình Giai điệu tự hào số 3 phát sóng trên VTV1 vừa qua nhiều người đã rất xúc động khi gặp lại Cẩm Vân với ca khúc Bài ca không quên.

(Thethaovanhoa.vn) - Trong chương trình Giai điệu tự hào số 3, nhiều người đã rất xúc động khi gặp lại Cẩm Vân với ca khúc Bài ca không quên. Đã hơn 30 năm từ khi ca khúc trong bộ phim cùng tên này ra đời và Không ít người có cảm giác như Tiến sĩ Nguyễn Thị Minh Thái “tôi không chịu nổi bất cứ một người nào ngoài Cẩm Vân hát Bài ca không quên bởi cô ấy đã gửi hết trái tim mình vào ca khúc và cả trái tim của tôi nữa”…

Có thể nào quên?

Bài ca không quên là một sáng tác đặt hàng cho bộ phim cùng tên mà nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn được cố đạo diễn Nguyễn Văn Thông mời hợp tác. Đó là năm 1981. Bộ phim nói về cảm giác của một người lính trở về từ cuộc chiến, tất cả đều mới mẻ và lạ lẫm. Anh được tiếp quản một cơ ngơi giàu có của một quan chức chính quyền cũ để lại, được một cô gái Sài Gòn xinh đẹp và duyên dáng đem lòng yêu thương. Cuộc sống xoay chuyển, một người lính đi ra từ chiến tranh và “lưỡng lự” ở thời bình khi những đồng đội cũ, những người vào sinh ra tử cùng anh rủ nhau đi xây dựng kinh tế mới.

Bài hát của nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn vang lên rõ nhất ở cuối phim khi người chiến sĩ năm xưa chạy trong cơn mưa tầm tã, hướng về những cánh rừng nơi nhiều đồng đội anh đã nằm lại. Lúc ấy là thời điểm của một giọng nữ tha thiết vang lên “Bài ca tôi đã hát, bài ca tôi đã hát với em yêu, với đồng đội, với cả lòng mình. Tôi không thể nào quên, tôi không thể nào quên”...

Bài ca không quên được viết rất nhanh. Nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn sáng tác theo thể tự sự với cách viết ở thể 3 đoạn dành riêng cho giọng đơn, ông chia nội dung phần lời làm 2 phần chính, phần đầu là “tôi không quên” với những ký ức thời chiến và phần hai “sao tôi quên” khi “có giây phút bình yên”. Sự thôi thúc giữa ký ức và hiện tại làm tuôn ra những tự sự giản dị nhưng nhói thẳng vào tim. Những hình ảnh về người mẹ, em yêu, đồng đội… của những ngày gian khổ to dần lên để xoáy vào thực tại “Nhưng giờ đây có giây phút bình yên sao tôi quên”. Ca từ nhẹ nhàng, như một lời trách móc tế nhị những người đang quên đi ký ức. Năm 1981 là thời điểm của những khó khăn, cuộc chiến biên giới, lũ lụt, mùa màng thất bát… Nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn cho biết “Khi viết bài hát này, tôi như đang được gặp lại những con người, những cảnh vật, những sự kiện diễn ra trước mắt. Sự hào hùng, sự mất mát đan xen giữa vinh quang và bất hạnh”.

Có thể nói Bài ca không quên là sáng tác mà nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn “đặt hàng” cho chính mình. Bản thân ông đã có 15 năm đeo ba lô, ôm súng ngang dọc khắp chiến trường miền Nam. Tận mắt ông chứng kiến những gian khổ, chính ông đào huyệt chôn những người bạn, những đồng đội hy sinh. Trong cơn đau đớn tột cùng, ông đã chứng kiến đứa con đầu lòng 4 tháng tuổi của mình qua đời. “Trong một lần hành quân, cả đoàn lọt vào ổ phục kích của giặc, lúc ấy vì sự an toàn của mấy chục anh em chiến sĩ nên khi con tôi khóc, vợ tôi đã phải ôm cháu vào lòng thật chặt cho giặc không phát hiện ra tiếng khóc. Khi trận càn qua đi, cả đoàn đã an toàn thì con tôi đã ngừng thở”, ông kể lại.

Trong 15 năm làm người lính, ông và đồng đội mình đã trải qua rất nhiều ngày đêm hành quân vất vả, qua những ngọn núi, cánh đồng, những trận càn quét, những trận đánh ác liệt… “Trong những ngày tháng gian khổ ấy, dù cái chết cận kề nhưng những người lính chúng tôi đều sống với nhau bằng một tình cảm chân chất, sáng trong hết mực, không có sự tư lợi nào cho bản thân, ai nấy đều tin tưởng vào tương lai cách mạng và lý tưởng xả thân vì độc lập, tự do của dân tộc”.

Định danh Cẩm Vân

Bài ca không quên được sáng tác vào năm 1981 và được phát hành cùng bộ phim cùng tên vào năm 1982. Chính bộ phim này sau khi trình chiếu đã đẩy 2 nhân vật trở thành ngôi sao sáng. Người thứ nhất là Thương Tín, vai diễn Tám Thương mang lại cho anh giải Diễn viên nam xuất sắc nhất ở Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ VI vào năm 1982 và từ đó con đường nghệ thuật của anh cất cánh. Người thứ hai chính là ca sĩ Cẩm Vân, người thể hiện ca khúc chủ đề. Chính nhờ ca khúc này mà vào năm sau, 1983, Cẩm Vân đã đoạt huy chương vàng đơn ca Liên hoan Ca nhạc chuyên nghiệp TP.HCM và sau đó cô trở thành một ngôi sao ca nhạc với rất nhiều “hit” để đời như Đêm thành phố đầy sao, Triệu đóa hồng, Mùa Xuân, Lá thư ngày Tết, Khát vọng...

Cẩm Vân là người hát đầu tiên và là người gần như duy nhất để lại dấu ấn sâu đậm nhất ở Bài ca không quên. Nhưng trước đó ca khúc này lẽ ra không đến lượt Cẩm Vân thể hiện bởi nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn sáng tác cho một giọng nam để phù hợp với tâm trạng của nhân vật nam chính trong phim. Lúc đó bài hát cũng đã được một vài nam ca sĩ thử giọng nhưng đoàn làm phim vẫn chưa quyết. Cuối cùng đạo diễn Nguyễn Văn Thông quyết định chọn Cẩm Vân bởi ông ấn tượng cô ca sĩ 22 tuổi đang rất được chú ý với ca khúc Lên ngàn của nhạc sĩ Hoàng Việt.

Và đó là một lựa chọn hoàn hảo. Bài ca không quên nhanh chóng trở thành một “hit” lớn nhất khi ấy. Dù hát ở bất cứ đâu, từ Việt Nam cho đến Liên Xô, từ Tiệp Khắc cho đến Thụy Sĩ, Thụy Điển, Pháp, Đức, Úc, hay Hoa Kỳ… Cẩm Vân đều được yêu cầu. Hơn 30 năm qua nó vẫn là bài hát gắn liền tên tuổi của Cẩm Vân. Bài hát nhanh chóng trở thành một trong những ca khúc hay nhất về người lính, là một dấu ấn của thời ca khúc chính trị và nằm trong niềm nhớ của cả một thế hệ. Cẩm Vân kể lại rằng rất nhiều người đã khóc khi nghe cô hát và bản thân cô cũng rất nhiều lần không cầm được nước mắt. Bài hát đã đưa Cẩm Vân đến một nấc thang mới trong sự nghiệp và cũng là niềm tự hào của gia đình cô. Cần biết rằng thời điểm hát Bài ca không quên thì Cẩm Vân chỉ hát bằng khả năng tự học và nhà thơ Đỗ Trung Quân đã nhận xét tiếng hát của cô là tiếng hát của “một người có của trời cho”. Mãi sau này, vào giữa những năm 1980 Cẩm Vân mới chính thức được học nhạc lý, ký xướng âm bài bản.

Bài ca không quên sau này trở thành album chủ đề phát hành năm 2007 của Cẩm Vân với những ca khúc hay nhất mà cô đã hát của nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn. Và cô cũng đã dành cho ca khúc này những lời đẹp nhất, “Tôi mạo muội nghĩ Bài ca không quên không còn là của nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn hay ca sĩ Cẩm Vân nữa mà nó đã trở thành tác phẩm thuộc về công chúng. Tôi đã hát ca khúc này 30 năm và đến tận bây giờ vẫn tiếp tục hát theo yêu cầu của khán giả… Tận đáy lòng mình tôi vẫn mang ơn ca khúc này và nó mãi mãi là ca khúc mang dấu ấn đậm nhất trong sự nghiệp ca hát của tôi…”.

Nguyên Minh
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN