TTVH Online

Ý chí tìm kiếm quan trọng hơn thiết bị

04/04/2014 07:49 GMT+7

Thủ tướng Malaysia vừa thừa nhận tàu ngầm không người lái chuyên hoạt động ở độ sâu lớn sẽ là công cụ cần thiết để thực hiện giai đoạn tiếp theo của cuộc tìm kiếm chiếc Boeing 777-200 mang số hiệu MH370 đang mất tích.


(Thethaovanhoa.vn) - Thủ tướng Malaysia vừa thừa nhận tàu ngầm không người lái chuyên hoạt động ở độ sâu lớn sẽ là công cụ cần thiết để thực hiện giai đoạn tiếp theo của cuộc tìm kiếm chiếc Boeing 777-200 mang số hiệu MH370 đang mất tích, trong bối cảnh chỉ vài ngày nữa là hộp đen máy bay ngừng phát tín hiệu định vị.

Thực tế lâu nay giới quan sát đã nhận định sau khi tín hiệu ngừng hẳn, người ta sẽ buộc phải dựa vào công nghệ quét đáy biển bằng sóng âm và đặc biệt là tàu ngầm độ sâu lớn để tìm được xác máy bay.

Phương tiện trợ giúp tối quan trọng

Ở độ sâu hơn 3.000m trở lên, nước biển trở nên tối hơn cả đêm đen và hoạt động tìm kiếm sẽ là thách thức cực lớn với con người. Nếu xác máy bay nằm ở đâu đó dưới đáy Ấn Độ Dương, chắc chắn người ta sẽ phải cần tới sự trợ giúp của những chiếc tàu ngầm đặc biệt, còn được gọi là phương tiện di chuyển tự hành dưới nước (AUV).

Những chiếc tàu như thế từng đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc tìm thấy xác của chuyến bay AF447 ở Đại Tây Dương hồi năm 2011, sau khi nó đâm xuống đây. Việc tìm thấy xác máy bay đã giúp người ta lần ra hộp đen và hóa giải bí ẩn dẫn tới thảm kịch.


Tàu nghiên cứu của Woods Hole thả AUV REMUS 6000 đi tìm kiếm AF447 hồi năm 2011

Tuy nhiên sự khác biệt lớn nhất nằm ở chỗ khu vực tìm kiếm chiếc máy bay của Air France nhỏ hơn nhiều khu vực tìm kiếm MH370 của Malaysia Airlines và các mảnh vỡ đầu tiên của máy bay được tìm thấy chỉ trong vài ngày sau khi tai nạn xảy ra. Ngay cả khi đó, người ta vẫn mất tới 2 năm và 4 cuộc lặn trước khi 1 đội tìm kiếm thuộc Viện Hải dương Woods Hole, sử dụng một chiếc AUV có trang bị ra-đa âm quét dọc theo 2 bên thân tàu, mới phát hiện xác máy bay ở độ sâu 3.900 mét.

"AF447 hơi khác so với MH370 ở chỗ chúng tôi có nhiều manh mối để làm việc hơn" - Dave Gallo, người lãnh đạo nhóm tìm kiếm Woods Hole cho biết. Do sự khác biệt trên, trước khi AUV được điều xuống biển, người ta phải thu hẹp đáng kể phạm vi tìm kiếm. Tuy nhiên việc này sẽ phụ thuộc vào kết quả tìm kiếm trên mặt đất.

"Cần sự may mắn để đại dương hợp tác"

Giới chức Malaysia cảnh báo hôm thứ Tư rằng các máy bay tìm kiếm, dù đã lùng sục liên tục trong hơn 3 tuần, vẫn chưa tìm thấy bất kỳ dấu vết nào của MH370. Việc này dẫn tới khả năng người ta có thể không tìm thấy dấu vết nào và cùng với đó là nguyên nhân MH370 mất tích sẽ không bao giờ được làm rõ.

Nhưng nếu chỉ cần xác định được điểm rơi nghi vấn, dù là mong manh nhất, người ta sẽ có thể điều AUV vào cuộc. Phương tiện này sẽ bắt đầu việc lùng sục nhiều cây số dưới đáy biển để tìm kiếm các dấu hiệu bất thường, có thể là xác MH370. "Tôi thích so sánh việc này với chuyện chúng ta cắt cỏ trong vườn vậy. Anh phải làm từng chút một" - Gallo nói - "Anh sẽ cần chút may mắn và rất nhiều lời cầu nguyện để đại dương hợp tác".


Hải quân Mỹ đã đưa AUV của họ tới Australia để chuẩn bị cho hoạt động tìm kiếm dưới đáy biển

Chiếc AUV thuộc đội Woods Hole được phát triển như công cụ nghiên cứu và giám sát các vùng nước tương đối nông, đo đạc và thu lấy các thông tin như độ mặn và nhiệt độ biển. Nhưng AUV đang ngày càng được mở rộng chức năng để thực hiện các công việc có yêu cầu cao hơn dưới nước.

Ví dụ Hải quân Mỹ dùng chúng để tìm mìn nằm ngầm dưới nước, do chúng có thể hoạt động dưới bề mặt, hoặc trong điều kiện nước rất lạnh, lâu hơn bất kỳ thợ lặn nào. Như thế người ta có thể phá mìn mà không phải lo ngại việc đẩy ai tới chỗ nguy hiểm. Các công ty năng lượng cũng dùng AUV để khảo sát đáy biển trước khi khoan khai thác.

Năm 2009, Viện Waitt ở California đã cử 1 đôi UAV đi khảo sát một khu vực rộng hơn 5.000km2 nằm dưới đáy biển Nam Thái Bình Dương trong hơn 72 ngày, nhằm tìm xác chiếc máy bay của nữ phi công huyền thoại Amelia Earhart.

Sẽ không nhanh chóng có kết quả

Khu vực ngoài khơi phía Tây Australia nơi người ta đang tiến hành tìm kiếm có độ sâu dao động từ 800m tới 3.000m. Nhưng một phần của khu vực này có chỗ tụt xuống vùng thấp của rãnh Diamantina, với độ sâu tới 5.800m. "Hãy hy vọng mảnh vỡ không rơi vào chỗ đó. Sẽ phải rất lâu mới tới đáy" - Robin Beaman, một nhà địa chất hải dương tại Đại học James Cook của Australia nói.

Tuần trước Hải quân Mỹ đã điều tàu ngầm tự hành Bluefin-21 tới Australia để chuẩn bị cho việc tìm kiếm ở độ sâu lớn. Con tàu có thể lặn xuống độ sâu 4.500m. Trong khi đó chiếc AUV lớn nhất mà Woods Hole sử dụng có thể chạm tới độ sâu 6.000m. Tổ chức này đã đề nghị được trợ giúp hoạt động tìm kiếm MH370, song chưa được mời tham gia.

Ngoài AUV, các nhà nghiên cứu có thể sử dụng tàu bán ngầm, được tàu nổi kéo, cho phép việc liên tục tìm kiếm và chuyển dữ liệu trở lại mặt đất. Nhưng việc sử dụng tàu bán ngầm mang tới kết quả chậm hơn nhiều, trong khi AUV có thể quét một khu vực rộng lớn hơn nhanh hơn nhiều, hiệu quả hơn, và chẳng phải chịu tác động từ các điều kiện ở mặt đất.

Nhược điểm của AUV là phải trở lại mặt đất để sạc pin và để các nhà nghiên cứu thu lấy, phân tích dữ liệu của chúng. Dù vậy, chúng vẫn ưu việt hơn mọi phương tiện tìm kiếm dưới đáy biển nào khác, kể cả tàu ngầm có người lái, thường bị hạn chế hoạt động bởi dưỡng khí, ánh sáng và năng lượng, bên cạnh yếu tố an toàn.

Nhưng bất kỳ ai hy vọng đạt tiến triển nhanh khi AUV vào cuộc sẽ cần phải nghĩ lại. Các nhà nghiên cứu cho biết việc sục sạo đáy biển cần sự kiên nhẫn và nhất là ý chí muốn tìm kiếm tới cùng đáp án cho bí ẩn liên quan tới số phận MH370. "Đó là lý do vì sao anh tiến hành tìm kiếm" - Chris von Alt, người lãnh đạo nhóm chế tạo AUV REMUS 6000 cho Woods Hole nói - "Một trong những lý do là để tìm câu trả lời cho việc vì sao (thảm kịch) xảy ra. Nhưng lý do nữa là để khép lại đau buồn cho các gia đình đã bị liên lụy trong thảm kịch".

Tường Linh (Theo AP)
Thể thao & Văn hóa

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN