TTVH Online

Tổng kết 1 năm chấn chỉnh nghệ thuật biểu diễn: Nóng chuyện hoa hậu Diễm Hương

29/03/2014 07:29 GMT+7

Sáng 28/3, Hội nghị Tổng kết Nghị định số 79/2012/NĐ-CP và Thông tư 03/2013/TT-BVHTTDL sau một năm thực hiện và các giải pháp tăng cường công tác quản lý hoạt động nghệ thuật biểu diễn đã diễn ra tại khách sạn Continental (Q.1, TP.HCM).

(Thethaovanhoa.vn) - Sáng 28/3, Hội nghị Tổng kết Nghị định số 79/2012/NĐ-CP và Thông tư 03/2013/TT-BVHTTDL sau một năm thực hiện và các giải pháp tăng cường công tác quản lý hoạt động nghệ thuật biểu diễn do Cục Nghệ thuật biểu diễn chủ trì phối hợp với vụ Pháp chế đã diễn ra tại khách sạn Continental (Q.1, TP.HCM).

1. Với việc ban hành hai văn bản trên, lần đầu tiên có một Nghị định điều chỉnh toàn bộ các lĩnh vực hoạt động nghệ thuật biểu diễn đã đánh dấu bước tiến đáng kể trong công tác xây dựng pháp luật ở lĩnh vực này. Sau một năm triển khai đã có những kết quả đáng ghi nhận mà nổi bật là việc khắc phục tình trạng dàn trải, chồng chéo các văn bản quy phạm pháp luật, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị tổ chức biểu diễn.

Tuy nhiên, vẫn còn những hạn chế do nhiều địa phương chưa hiểu đúng về nghị định hoặc sự phát triển quá nhanh và đa dạng của hình thức biểu diễn khiến nội dung Thông tư trở nên thiếu cập nhật.

Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL Hồ Anh Tuấn phát biểu tại hội nghị

Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL Hồ Anh Tuấn phát biểu tại hội nghị

Thời gian qua, ngày càng có nhiều nghệ sĩ hải ngoại về nước biểu diễn cũng như xuất hiện nhiều chương trình có yếu tố nước ngoài. Tuy nhiên, quy định mỗi đơn vị phải làm hồ sơ xin cấp phép biểu diễn cho nghệ sĩ, không chấp nhận sự ủy quyền. Đồng thời phải làm đến hai bộ hồ sơ: xin phép cho nghệ sĩ vào Việt Nam biểu diễn và xin phép được tổ chức chương trình là rất rườm rà, gây nhiều khó khăn cho đơn vị tổ chức biểu diễn.

Theo ông Võ Trọng Nam, Phó Giám đốc Sở VH,TT&DL TP.HCM: “Một địa bàn như TP.HCM có đến hơn 700 doanh nghiệp tổ chức biểu diễn được cấp phép, trong đó 100 đơn vị hoạt động thường xuyên, tổ chức 400 - 600 chương trình mỗi năm và thường có sự tham gia của nghệ sĩ hải ngoại, nước ngoài thì càng đòi hỏi kiện toàn các vấn đề pháp lý về nghệ thuật biểu diễn. Với trường hợp của các nghệ sĩ ở hải ngoại hay nước ngoài nên chăng nên rút gọn thủ tục, kết hợp hai quy trình vào một nhằm tiết kiệm thời gian và công sức cho đơn vị tổ chức…”.

Trong cuối buổi sáng, mặc dù Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn Nguyễn Đăng Chương đã khẳng định Hội nghị Tổng kết Nghị định 79 và Thông tư 03 ưu tiên tập trung cho các địa phương phát biểu ý kiến về các vấn đề vướng mắc của mình và các câu hỏi của báo chí sẽ được trả lời sau hội nghị.

Tuy nhiên, việc hoa hậu Diễm Hương bị tước vương miện và cấm biểu diễn thời gian qua bỗng chốc trở thành chủ đề nóng khi nhiều phóng viên liên tục đặt câu hỏi xoay quanh vấn đề pháp lý trong việc xử phạt Diễm Hương (ai được quyền tước vương miện hoa hậu, việc cấm biểu diễn có bao gồm diễn xuất trên phim truyền hình (Diễm Hương đã rút lui khỏi phim Mỹ nhân Sài thành)… và thậm chí so sánh án phạt của Diễm Hương với Angela Phương Trinh).

Ông Nguyễn Đăng Chương đã trả lời rất thẳng thắn rằng: Hành động của Diễm Hương không chỉ vi phạm đạo đức người nghệ sĩ mà còn là vi phạm pháp luật. Cục chỉ có công văn gửi tới các nơi là “tạm dừng” cấp phép biểu diễn đối với Diễm Hương và không hề có văn bản nào cấm Diễm Hương tham gia đóng phim như một số báo nói. Vấn đề này vẫn còn “nóng” tới khi kết thúc hội nghị, rất đông các phóng viên đã vây quanh ông Chương chỉ với một chủ đề: Diễm Hương!

2. Chiều cùng ngày, chương trình đóng góp ý kiến cho Thông tư Quy định chi tiết việc cấp Thẻ hành nghề biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang dưới sự chủ trì của Cục Nghệ thuật biểu diễn cũng đã diễn ra. Theo đó, những cá nhân tham gia hoạt động biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang sẽ được cấp thẻ hành nghề. Sự phát triển quá nhanh và phức tạp của hoạt động biểu diễn nghệ thuật thời gian qua đã khiến dự thảo Thông tư nhận được rất nhiều sự tán đồng khi có thêm một hình thức chế tài đối với các đối tượng vi phạm (nhất là khi thay thế những khung hình phạt trước đây không đủ tính chất răn đe).

Tuy nhiên, băn khoăn lớn nhất là tiêu chí nào để đánh giá năng lực chuyên môn của người biểu diễn, nhất là với đối tượng người mẫu vốn phát triển tự phát, thiếu trường lớp.

Ông Trần Minh Phương - Trưởng phòng Quản lý Nghệ thuật Sở VH,TT&DL TP.HCM - nhận xét: “Với địa bàn rộng và tập trung hầu như tất cả các loại hình nghệ thuật biểu diễn với số lượng đông đảo nghệ sĩ thuộc diện hoạt động tự do, thì việc cấp thẻ hành nghề này càng khó khăn và nhiêu khê. Đòi hỏi cần có một lộ trình rõ ràng và không thể nóng vội. Chưa kể văn bản pháp lý cao nhất về nghệ thuật biểu diễn là Nghị định 79 lại không đề cập tới thẻ hành nghề. Trước tiên cần sửa lại Nghị định 79, đưa vấn đề này vào nội dung Nghị định thì Thông tư đưa ra mới có tính pháp lý”…

Ngọc Tuyết
Thể thao & Văn hóa

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN