TTVH Online

Tịch thu và tiêu hủy nhiều thực phẩm không an toàn trên cả nước

18/02/2014 11:49 GMT+7

Ngày 18/2, đại diện Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cho biết trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014, cả nước đã thành lập trên 12.000 đoàn thanh tra, kiểm tra an toàn thực phẩm.


(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 18/2, đại diện Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cho biết trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014, cả nước đã thành lập trên 12.000 đoàn thanh tra, kiểm tra an toàn thực phẩm.

Tại tuyến Trung ương, Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương đã thành lập 9 đoàn do Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Công Thương chủ trì phối hợp với các bộ, ngành liên quan tiến hành thanh tra, kiểm tra tại 18 tỉnh, thành phố trọng điểm.

Các địa phương, cấp tỉnh thành lập từ 3-6 đoàn, cấp huyện có 1-2 đoàn và cấp xã có 1 đoàn.

Theo số liệu báo cáo chưa đầy đủ từ 4.500 đoàn thanh tra, kiểm tra thuộc 46/63 tỉnh thành phố và 9 đoàn liên ngành của Trung ương trong dịp Tết Nguyên đán, đã có 69.334 cơ sở được thanh tra, kiểm tra.

Các đoàn đã phát hiện 16.318 cơ sở vi phạm về an toàn thực thực phẩm (chiếm 23,5%), xử lý 2.442 cơ sở (chiếm 14,96% số vi phạm); trong đó cảnh cáo 1.209 cơ sở (7,4% số vi phạm), phạt tiền 1.233 cơ sở (7,55% số vi phạm). Tổng số tiền phạt hơn 3,8 tỷ đồng.


Kiểm tra an toàn thực phẩm. Ảnh: Đình Huệ - TTXVN

Các đoàn thanh tra, kiểm tra đã tịch thu, tiêu hủy các lô hàng vi phạm, đồng thời công bố công khai các mặt hàng này trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Các nội dung vi phạm chủ yếu được phát hiện, gồm vi phạm về điều kiện vệ sinh cơ sở, chiếm 11,06%; vi phạm về điều kiện trang thiết bị, dụng cụ, chiếm 11,12%; vi phạm về điều kiện nhân viên, chiếm 10,7% (do cơ sở thuê khoán người vào làm mang tính thời vụ, không thực hiện khám sức khỏe và học tập kiến thức về an toàn thực phẩm cho người lao động).

Các đoàn đã lấy 11.226 mẫu thực phẩm để kiểm nghiệm an toàn. Kết quả cho thấy 43/786 mẫu không đạt về chỉ tiêu lý, hóa chiếm 5,8%; 28/408 mẫu không đạt về chỉ tiêu vi sinh chiếm 6,8%...

Các chỉ tiêu không đạt chủ yếu là độ ẩm vượt quá mức công bố, chất bảo quản, chất tạo ngọt vượt quá giới hạn cho phép. Một số mẫu còn phát hiện có chứa chất phụ gia ngoài danh mục cho phép như hàn the, rượu chứa methanol vượt mức quy định...

Một số mặt hàng phát hiện vi phạm quy định về an toàn thực phẩm có tính chất điển hình như sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc, không bảo đảm an toàn (lòng, nầm heo, nầm bò đã bị hỏng, hôi thối, bốc mùi...), bánh mứt kẹo không rõ nguồn gốc, không nhãn mác..., rượu chứa hàm lượng methanol cao vượt mức cho phép.

Cục An toàn thực phẩm khẳng định công tác thanh tra, kiểm tra an toàn thực phẩm dịp Tết được triển khai đồng bộ, quyết liệt từ Trung ương đến địa phương và có sự vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành chức năng.

Đặc biệt, việc thanh tra, kiểm tra tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm, dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố được phân cấp rõ cho từng ngành, từng cấp, hạn chế sự chồng chéo khi thực hiện.

Trong quá trình thanh tra, kiểm tra, hầu hết các trường hợp vi phạm được phát hiện, xử lý bằng nhiều hình thức khác nhau, đảm bảo đúng pháp luật, được công khai kịp thời trên các phương tiện thông tin đại chúng giúp người dân có thông tin để lựa chọn thực phẩm an toàn.

TTXVN
Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN