TTVH Online

Năm Giáp Ngọ về thăm làng nuôi ngựa Đức Hòa

05/02/2014 20:48 GMT+7

Trường đua ngựa Phú Thọ - TP. Hồ Chí Minh đóng cửa, làm ảnh hưởng đến đời sống kinh tế của hàng trăm hộ dân của huyện Đức Hòa (Long An) - nơi cung cấp ngựa đua cho trường đua ngựa Phú Thọ.

Trường đua ngựa Phú Thọ - TP. Hồ Chí Minh đóng cửa, làm ảnh hưởng đến đời sống kinh tế của hàng trăm hộ dân của huyện Đức Hòa (Long An) - nơi cung cấp ngựa đua cho trường đua ngựa Phú Thọ. Tuy vậy, hiện nay vẫn còn hàng chục hộ tiếp tục theo nghề nuôi ngựa. Họ nuôi ngựa không phải vì lợi ích kinh tế, mà chính là sự đam mê làm cho họ không thể rời xa cái nghề cha truyền con nối vốn có từ rất lâu nay.

Theo ông Phan Văn Chói, ngụ ấp Chánh, xã Đức Lập Thượng (Đức Hòa-Long an), thì nghề nuôi ngựa có từ đời ông nội, Bấy giờ, ông nội của ông chỉ nuôi ngựa giống Việt Nam, vì giống ngựa nước ngoài chưa có. Năm 1952, đến đời cha của ông thì bắt đầu đua ở trường đua Phú Thọ. Khi cha ông mất, các anh em của ông thừa hưởng lại nghề nuôi ngựa của cha. Riêng bản thân ông, nuôi tổng cộng 10 con vừa ngựa giống vừa ngựa con. Hàng năm, ông đều cung cấp ngựa đua cho những người đua ngựa. Từ khi trường đua đóng cửa, ông chỉ để lại 2 con; trong đó, con ngựa thuộc loại F1và con ngựa con thế hệ F2 cũng đều lai giống ngựa nước ngoài. Ông dặn dò với các con: " Chừng nào cha chết thì thôi, chứ còn sống không thể nào rời 2 con ngựa này. Mong muốn của cha là còn lại giống ngựa thuần chủng để sau này các con, cháu có nuôi mới biết được cái hay của ngựa ".

Còn ông Phan Văn Khỏi, ngụ ấp Chánh, xã Đức Lập Thượng, thì nghề nuôi ngựa của gia đình có từ ba đời. Hiện ông còn nuôi 2 con, trong đó có con ngựa Mã Thành đã từng giành cho ông 2 chiếc cúp và 9 cờ xuất sắc. Trước đây, ông nuôi rất nhiều để cung cấp trường đua, nên cuộc sống rất khả giả. Bình quân, mỗi tháng thu nhập 70-80 triệu đồng. Nhưng kể từ khi trường đua ngưng hoạt động, ông không còn có tiền như trước kia nữa.

Anh Hà Văn Nở, ở xã Đức Hòa Thượng, hiện anh nuôi 10 con ngựa với những cái tên anh đặt rất đẹp như: Durati, Sapphire, Hồng Ngọc, Rubi... Anh Nở cho biết, hồi còn nhỏ, anh đã nuôi ngựa cho người cậu. Bản thân anh mê ngựa, nhưng không có điều kiện để nuôi nên lúc 18 tuổi tham gia vào đoàn cải lương quốc doanh Long An thuộc tỉnh Long An rồi đoàn cải lương Trung Hiếu của công an TP.Hồ Chí Minh. Năm 2005, anh thấy tuổi đã lớn và nghề cải lương không còn đi vào lòng của công chúng, nên trở về quê. Về nơi chốn yên tĩnh, niềm đam mê ngựa lại thôi thúc, anh mua ngựa về nuôi. Mặc dù kinh tế gặp không ít khó khăn, anh phải vay tiền ngân hàng duy trì đàn ngựa của mình, với chi phí mua lúa cho 10 con ngựa tốn 250 ngàn đồng/ngày. Quá tốn kém, anh "năn nỉ" vợ mua chiếc máy cày để làm thuê có đồng ra, đồng vào. Từ những đồng tiền này, anh mua lúa cho ngựa với hy vọng một ngày nào đó, trường đua Phú Thọ được hoạt động trở lại sẽ xóa nợ bằng cách bán bớt 1-2 con ngựa. Số còn lại, anh đưa ra thi thố để nhằm thỏa niềm đam mê của mình. Anh Nở tâm sự: " “Cho dù hiện tại còn gặp nhiều khó khăn, nhưng tôi cũng quyết tâm theo đuổi đam mê đến cùng. Đây được xem như là cách lưu giữ nghề nuôi ngựa truyền thống”.

Có được ngựa tốt, ngựa hay, người nuôi phải chăm sóc thật chu đáo, tỉ mỉ. Theo ông Huỳnh Nam Sơn , xã Mỹ Hạnh Bắc - người nuôi ngựa lâu đời, cho biết , nuôi ngựa phải chăm sóc còn hơn con của mình vì nếu sơ suất, ngựa sẽ bị bệnh. Người nuôi phải biết chích thuốc, tự mình làm thú y, biết ngựa bị bệnh gì phải trị bằng thuốc gì ngựa bị mỏi phải điều trị bằng cách nào?... Mỗi ngày từ lúc khuya, thức dậy dắt ngựa đi quần giò, quần nước, dắt ngựa lội xuống hồ nước sao cho bụng nó gần chạm mé nước. Nước còn lạnh nên theo phản xạ tự nhiên ngựa sẽ thóp bụng lại. Đây là bài luyện tập về cơ bụng làm giảm cân, tăng khả năng chạy nhanh. Ngoài ra, đứng dưới nước cũng khiến chân ngựa phải nhón lên cao, móng sẽ ít chạm đất hơn, giảm ma sát trong những pha nước rút ở trường đua; . trưa phải cho ăn, nước uống, thuốc men; chiều từ 3-4 giờ, lại dắt ngựa ra quần nước. Khi ngựa còn nhỏ, thì phải làm giấy khai sinh, giống y như con người. Sau đó, chăm sóc khoảng 2,5 tuổi, ngựa thay răng thì phải đăng ký dự đo, gác nài, cưỡi ngựa, dẫn bộ, cho chạy ngắn, chạy vừa... tập cho ngựa có thói quen dần... Khi đang ngồi nhậu với bạn bè, nghe ngựa bệnh phải lật đật chạy về chăm sóc, không thể để chậm trễ được.

Trong khi việc chăm sóc ngựa vô cùng khó khăn, thì đầu ra của ngựa cũng bấp bênh. Về vấn đề này, anh Nguyễn Văn Bầu, ngụ ấp Chính, xã Đức Lập Hạ, cho hay, trước đây anh là nài ngựa đua, nhưng khi trường đua ngựa Phú Thọ đóng cửa, anh chuyển sang nghề lái ngựa. Khi đó, ngựa đua có giá rất cao, từ 70-80 triệu đồng/con, giờ chỉ bán ngựa thịt giá rất thấp, chỉ còn 10- 15 triệu đồng. Thấy người dân bán ngựa rớt nước mắt, bản thân anh cũng thấy nao lòng nhưng đành phải chịu.

Theo ông Nguyễn Văn Đức, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa-Thể thao huyện Đức Hòa, thì huyện là một vùng đất tốt để phát triển nuôi và đua ngựa. Từ năm 1952, việc nuôi ngựa đã hình thành và phối hợp tốt với trường đua ngựa Phú Thọ phát triển bộ môn đua ngựa. Sau đó, trường đua Phú Thọ không hoạt động nên việc nuôi ngựa chựng lại. Đàn ngựa của huyện Đức Hòa từ 4.000 con nay chỉ còn 375 con. Để khơi dậy những tình cảm của bà con thích môn đua ngựa, vừa qua được sự đồng ý của huyện, Trung tâm thể thao đã tổ chức đua văn biểu diễn chào mừng kỷ niệm thành lập Quân đội nhân dân 22/12, rất đông bà con mến mộ đến xem sau bao năm con ngựa vắng bóng trên đường đua. Bên cạnh đó, cũng được sự ủng hộ xã Mỹ Hạnh Bắc và đặc biệt là công ty Đức Thuận hỗ trợ vốn đầu tư để phát triển đường đua. Mặc dù chưa đạt chuẩn theo trường đua, nhưng tạm thời có một sân chơi tốt để bà con yêu mế môn đua ngựa vào đây đua.

Xuất phát từ nhu cầu, mến mộ của đồng bào nuôi ngựa Đức Hòa muốn thành lập lại Hội đua ngựa để tiếp tục phát triển môn đua ngựa có từ lâu đời ở huyện. Hiện nay theo đề nghị của Ban vận động Hội đua ngựa, xin phép Nhà nước phát triển môn đua ngựa ở tỉnh nhằm bảo tồn những giá trị về văn hóa, cũng như việc phát triển, chăn nuôi của bà con ở các xã vùng hạ của huyện như Mỹ Hạnh Bắc, Đức Hòa Thượng, Đức Lập và một số xã lân cận. Ngoài ra, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Long An cũng đã làm việc với Ban vận động Hội đua ngựa. Qua đó, Sở chỉ đạo Phòng Văn hóa và Trung tâm thể thao huyện cùng với Ban vận động tiến hành các thủ tục để thành lập Hội đua ngựa cấp huyện trong thời gian tới.

Thanh Bình
TTXVN

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN