TTVH Online

Chuyện người 'thợ vẽ' giữ hồn phố cổ

28/01/2014 07:34 GMT+7

Ông ngồi đó như ông Đồ phố cũ/ Gọi quá khứ về qua nét tài hoa...

(Thethaovanhoa.vn) - Ở vào độ tuổi bát tuần, nhưng người nghệ sĩ già Nguyễn Bảo Nguyên hằng ngày vẫn miệt mài bên những bức tranh của mình. Làm việc tại căn nhà số 47 phố Hàng Ngang - Hà Nội, với ông chừng nào còn sức khỏe, còn minh mẫn chừng đó ông còn chưa buông cọ vẽ. Nhiều người vẫn gọi ông là "người giữ hồn phố cổ".

Họa sỹ Nguyễn Bảo Nguyên sinh ra và lớn lên tại Ô Quan Chưởng nhưng nơi ông lại gắn bó sâu sắc lại là phố Hàng Ngang. Bởi nơi đây ngày nắng cũng như ngày mưa, người nghệ sỹ già vẫn cần mẫn và tỉ mẩn “sống” cùng những bức tranh truyền thần ở đó. Ðã vào cái tuổi xưa nay hiếm nhưng họa sĩ Nguyễn Bảo Nguyên vẫn minh mẫn, đôi mắt sáng nhìn rõ từng chi tiết nhỏ, tay cầm cọ vẽ vững vàng. Từng chi tiết nhỏ như: Nếp nhăn, nuốt đồi mồi, ánh mắt... trên những khuôn mặt trong ảnh ông đều ghi nhớ rất kĩ để đưa vào tranh. Vậy mà, khi nói về công việc của mình ông Nguyên chỉ cười: “Chớ gọi tôi là họa sĩ, tôi chỉ là thợ vẽ thôi.”

Làm "thợ vẽ" do duyên phận

Đến với Nguyễn Bảo Nguyên vào một chiều cuối đông ở cửa hàng số 47 Hàng Ngang của ông tấp nập khách Tây ra vào. Ngoài cửa, nhóm khách người Anh, Hàn Quốc, Pháp trầm trồ trước những bức họa treo trong cửa hàng của ông. Họ xin phép người nghệ sỹ già chụp ảnh. Xong xuôi, họ lại xin danh thiếp, số điện thoại, e-mail của ông lão để khi về liên lạc nhờ truyền thần xuyên quốc gia. Ông vui vẻ đáp lại bằng một nụ cười đôn hậu và thứ tiếng Pháp nhuần nhuyễn, trôi chảy cùng những cái nắm tay thật chặt. 


"Thợ vẽ" Bảo Nguyên bên giá vẽ

Giải thích về khả năng ngoại ngữ, ông cười đáp: “Tôi tự học đấy, mua một quyển từ điển về rồi tự nghe băng và nói theo. Tôi nói thạo chứ viết thì không được bao nhiêu. Đáng lẽ nếu tôi làm nghiên cứu như đúng chuyên nghành đào tạo thì đâu phải học mò như thế.”

Câu chuyện học ngoại ngữ đã khơi lại trong ông kí ức xa xăm từ những ngày đầu bức chân vào nghiệp vẽ, ông kể lại một cách bình thản như một quá trình trải nghiệm đầy lý thú. Với Nguyễn Bảo Nguyên đó là một sự tất nhiên và cũng là ngẫu nhiên.

Ngay từ đầu ông đã có khả năng trời phú từ nhỏ ông đã vẽ, đam mê vẽ, điều đó nói lên rằng lớn lên ông sẽ đi theo con đường nghệ thuật. Tốt nghiệp trường Bưởi, song vì căn bệnh đau dạ dày mà không thể cầm súng xả thân nơi chiến trường như những thanh niên khác cùng thời, ông thi vào Khoa Vật lý nguyên tử (Trường Đại học Tổng hợp) và trở thành sinh viên giỏi của khoa.

Vì một trận ốm thập tử nhất sinh đúng vào kỳ thi tốt nghiệp nên ông đã không trở thành một nhà khoa học như ý muốn. Trong khi chờ đợi thi lại, ông dự định kiếm tạm một nghề làm “cần câu cơm” để giúp đỡ gia đình.

Một buổi lang thang qua cửa hàng vẽ tranh truyền thần ông thấy tò mò đứng lại xem và xin học, nhưng chủ hàng không nhận ông làm thợ học, cũng không cho ông xem nữa, thế là chàng trai Nguyên quyết tâm tự học.

Sẵn có chút năng khiếu trời cho và tình yêu với hội họa khi mới chỉ là cậu bé ông đã mày mò tự vẽ những bức tranh về đình chùa, miếu mạo, cảnh vật... Từ cách kẻ các ô dọc ngang ông học ở trường phổ thông ông đã áp dụng một cách triệt để vào vẽ tranh truyền thần.

Trong những ngày đầu chủ yếu là vẽ ký họa người nhà, bạn bè, hay chép lại những bức ảnh và ông mang tặng mọi người. Những lời tán dương khiến chàng trai Bảo Nguyên tự tin mang đồ nghề ra mở hàng. Nói là “đồ nghề” cho sang chứ thực ra chỉ là vài ba chiếc ghế gỗ, giá vẽ, giấy vẽ và vài chiếc bút tự chế.

Những đồ nghề đơn sơ ấy đã giúp gia đình ông vượt qua được cả tao đoạn khó khăn với mười hai miệng ăn trông vào mỗi đồng lương của người cha làm thầy thuốc.

Ông ngẫm lại chuyện xưa, mà ngậm ngùi: “Ban đầu tôi không có ý định gắn bó lâu dài với nghề. Nhưng ngay tháng đầu tiên tôi đã khiếm được 250 đồng gấp đôi lương kỹ sư trước kia (khoảng 60 đồng), lại là con trưởng trong nhà nên tôi quyết định theo nghề này. Âu cũng là cái duyên, cái nợ”.

Người "thổi hồn" phố cổ

Khác với những họa sỹ thông thường, người thợ vẽ già không có cọ và những hộp màu xanh đỏ sặc sỡ. Ông chỉ có cây bút là những chiếc đũa một đầu chẻ làm tư để nhét vào đó que tăm hay chân hương theo kích cỡ nét to, nhỏ của từng bức tranh. Đầu kia vót nhỏ viên tẩy kẹp lại để xóa đi những nét vẽ nhỏ như sợi tóc, nếp nhăn hay nốt rồi mà người ta ít chú ý đến. Chế tạo được những cây bút tưởng chừng đơn giản ấy là cả một quá trình lao động, sáng tạo không ngừng nghỉ.

Một bức truyền thần do ông Bảo Nguyên sao từ tranh

Khi tôi vừa thoáng nhắc đến quan niệm của một số người về vẽ truyền thần chỉ là sự sao chép đơn thuần một cách máy móc chứ không đòi hỏi sáng tạo như nhiều dòng tranh hội họa khác. Ông vừa cầm bút vừa nói, không một thoáng phật ý, chỉ nhẹ nhàng cười: Vẽ truyền thần đôi khi chỉ nhìn ngắm trên không gian hai chiều, hình mẫu lại quá nhỏ nên rất khó quan sát để vẽ đẹp và thật giống. Truyền thần bắt buộc phải giống chứ không được giản lược chi tiết hay trừu tượng hóa như nhiều loại hình khác. Vì thế, để vẽ lại một bức ảnh đòi hỏi người vẽ phải có sự kiên trì, cần mẫn, tỉ mỉ và sự tập trung cao độ. Bức tranh sau khi hoàn thành không chỉ giống ảnh được chụp mà còn phải truyền được cái thần thái của con người vào đó. Truyền được cái thần thái, hồn cốt của chân dung ấy có được coi là sáng tạo”.

Chính vì thế có những bức truyền thần chỉ ông mới thổi hồn, truyền cho ra cái thần thái của người được vẽ. Trong mọi bức vẽ ông Nguyên luôn coi trọng nhất đó chính là con mắt mà ông thường gọi là “điểm nhãn” bởi: “Những điểm nhãn đó chính là nét độc đáo nhất trong các bức tranh truyền thần mà không một lọa tranh nào khác có thể làm được. Phải vẽ sao cho khi hoàn thành tôi có cảm giác như đang nói chuyện trực tiếp với người trong tranh.”

Nhiều khi có những bức vẽ đã xong, đóng khung lồng kính nhưng vài tuần sau ông vẫn dỡ ra để sửa lại vì: “Nhìn ngắm mãi vẫn không thấy người ta đang nói chuyện với mình.” Ở đây “cái hồn” của bức tranh một phẩn chính là cái tâm của người họa sỹ.

Trong những năm trở về trước, tranh truyền thần chỉ dùng để thờ cúng người đã khuất trong gia đình song nhiều năm trở lại đây cửa hàng ông Nguyên thường xuyên đó các vị khách trẻ tuổi đến yêu cầu vẽ tranh để tặng hay vẽ lại ảnh cũ, ảnh cưới để treo làm kỷ niệm. Có đôi lần ông Nguyên đã vẽ chân chỉ qua lời kể, miêu tả của những người thân, cứ thế mà vẽ lại chứ không có bất cứ tranh ảnh nào. Ông được nhiều người trong cũng như ngoài nước biết đến như là “Họa sỹ vẽ tranh truyền thần giữa lòng phố cổ”.

Ông ngồi đó như bức truyền thần theo vào phố cổ

Mái tóc bay bạc nắng gió thời gian

Ông ngồi đó như ông Đồ phố cũ

Gọi quá khứ về qua nét tài hoa

Nhạc sỹ Cát Vận (Trưởng ban âm nhạc Đài Phát thanh và tiếng nói Việt Nam) viết tặng "thợ vẽ" Bảo Nguyên.

                                    Hoàng Hằng

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN