TTVH Online

Học sử qua truyện tranh

12/01/2014 08:05 GMT+7

Thần đồng đất Việt: Hoàng Sa – Trường Sa tập 2: Lãnh thổ nước Nam cung cấp nhiều thông tin quý được trích dẫn từ những sử liệu giá trị nhằm khẳng định quần đảo Hoàng Sa – Trường Sa là của Việt Nam từ xưa.

(Thethaovanhoa.vn) - Bộ truyện tranh Thần đồng đất Việt: Hoàng Sa – Trường Sa do Công ty truyện tranh Phan Thị và NXB ĐH Sư phạm TP.HCM ấn hành vừa phát hành tập 2: Lãnh thổ nước Nam. Đây là dự án dài hơi của Công ty Phan Thị với mong muốn ra định kỳ ba tháng một lần. (Tập 1 Khẳng định chủ quyền của bộ truyện này đã phát hành tháng 9/2013).

Thần đồng đất Việt: Hoàng Sa – Trường Sa tập 2: Lãnh thổ nước Nam cung cấp nhiều thông tin quý được trích dẫn từ những sử liệu giá trị nhằm khẳng định quần đảo Hoàng Sa – Trường Sa là của Việt Nam từ xưa. Các sự kiện như vụ đắm tàu Bellona của Đức tại Hoàng Sa vào ngày 1/10/1894, được trích dẫn khẳng định rằng: chính quyền nhà Thanh khi đó hoàn toàn phủ nhận sự quản lý của mình đến Hoàng Sa. Hay như tác phẩm Hải ngoại ký sự (in tại Trung Quốc năm 1696) của thiền sư Thích Đại Sán cũng khẳng định Hoàng Sa là của nước Việt Nam…

Tập 2: Lãnh thổ nước Nam thêm một lần nữa giúp người trẻ hiểu rằng: người Trung Quốc từ xưa đã không xem Hoàng Sa - Trường Sa như một phần lãnh thổ của mình. Nhưng người Việt thời nào cũng khẳng định Hoàng Sa – Trường Sa muôn đời luôn thuộc về nước Việt. Như lời Thượng thư bộ binh triều Nguyễn – Thân Trọng Huề nói với Toàn quyền Đông Dương (Pháp) vào năm 1925: “Những hòn đảo này (Trường Sa – Hoàng Sa) luôn luôn thuộc chủ quyền nước An Nam, việc này không có gì để bàn cãi cả!”.

Các sự kiện, thông tin lịch sử vừa nêu đều được thể hiện bằng hình ảnh truyện tranh với sự dẫn chuyện của các nhân vật “Thần đồng Đất Việt” quen thuộc có tên: Tí, Sửu, Dần, Mẹo. Nếu đọc một cuốn sách sử chỉ toàn chữ, có lẽ không khó với những người làm công tác nghiên cứu. Nhưng đọc và học sử với người trẻ hiện nay, sẽ kém đi sự lôi cuốn nếu nội dung và hình thức câu chuyện lịch sử đó không hấp dẫn. Thần đồng đất Việt: Hoàng Sa – Trường Sa đã tạo sự cuốn hút người đọc trẻ nhờ vào hình thức chuyển tải câu chuyện bằng các hình vẽ, lời thoại vui nhộn của truyện tranh.

Những thông tin lịch sử mà bộ truyện tranh này đưa ra còn được bảo chứng nhờ sự hiệu đính của hai nhà nghiên cứu: Nguyễn Nhã và Phạm Hoàng Quân. Được biết, tập 1 Khẳng định chủ quyền đang được Công ty Phan Thị chuyển ngữ sang tiếng Anh và tiếng Hoa nhằm xuất bản trên mạng internet cho bạn đọc trẻ ở nhiều quốc gia khác cùng hiểu đúng về Hoàng Sa – Trường Sa.

Thanh Kiều
Thể Thao& Văn hóa


Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN