TTVH Online

Kỳ tích bàn chải đánh răng

06/02/2014 06:21 GMT+7

Có lẽ không nhiều người biết hoặc tin rằng lịch sử bàn chải đánh răng gắn với nghi lễ tôn giáo và truyền thống văn hóa, cùng sự sáng tạo nghệ thuật và phát triển khoa học...

(Thethaovanhoa.vn) - Có lẽ không nhiều người biết hoặc tin rằng lịch sử bàn chải đánh răng gắn với nghi lễ tôn giáo và truyền thống văn hóa, cùng sự sáng tạo nghệ thuật và phát triển khoa học cũng như vệ sinh răng và cái bàn chải đánh dấu sự phát triển văn minh của loài người.

Tín hiệu của... tình yêu?

Các nhà khảo cổ đã tìm thấy một số dụng cụ làm sạch răng cách đây 7.000 năm ở Ai Cập. Bàn chải đánh răng là mối nối duyên ở bộ tộc Sidama vùng Nam Ethiopie trong ngày lễ đón năm mới vào tháng 9. Trai gái mang theo bàn chải đánh răng làm bằng cọng cây. Khi thích cô gái nào, chàng trai luồn vào bàn tay cô đó cái bàn chải. Cô gái phải lòng tìm cách dúi bàn chải cho người đàn ông này. Đầu bàn chải tòe ra cọ vào lòng bàn tay như mèo đực dụi lông vào mèo cái. Bàn chải đánh răng trao nhau tức là tín hiệu răng miệng đã sạch sẽ, sẵn sàng đón nhận, tặng nhau cái hôn nồng thắm. Một bộ tộc thời Roma bắt nô lệ đánh răng cho mình như nghi lễ tôn giáo chứng minh cho sự chiến thắng. Một số bộ tộc Tây Nguyên còn cà răng cửa để chứng minh lòng dũng cảm khi trưởng thành.

Phong tục vệ sinh răng rất khác nhau ở các nước. Người châu Âu ăn sáng xong mới đánh răng, người châu Á lại đánh răng ngay lúc ngủ dậy. Người châu Á có thể do nghèo nên ăn xong vẫn cảm thấy thòm thèm, họ thích thưởng thức dư âm hương vị đọng ở đầu lưỡi? Trước khi ăn sáng, họ muốn đánh răng sạch để hưởng trọn vẹn hương vị thức ăn (không bị trộn bẩn mùi vị tồn đọng của hôm qua), để mùi thơm thức ăn đọng  trên lưỡi chăng?


Làm miswak, một loại bàn chải răng cổ xưa

Mỗi dân tộc có cách vệ sinh răng riêng. Tổ tiên loài người làm sạch răng bằng cọng cây và nhai lá cây khác nhau tùy bộ tộc. Ở Ấn Độ, châu Phi, Trung Cận Đông xưa dùng loài cọng cây làm bàn chải. Bàn chải này có tên là miswak, có từ 7.000 trước, làm bằng gỗ cây Arak, người Pháp gọi là “cây đánh răng”. Cây này mọc nhiều ở châu Phi, Ấn Độ. Các nhà khoa học đã nghiên cứu thành phần của cây có chất kháng sinh, vitamin C làm sạch răng và đỡ chảy máu chân răng. Hiện nay, loại cây đánh răng này vẫn còn dùng ở một số bộ tộc châu Phi và bán ở tiệm thuốc hay ở chợ. Trước khi dùng, người cẩn thận ngâm cọng này vào nước ấm, hay nước hoa hồng vài giờ cho mềm đầu tòe để vừa thơm và vệ sinh. Loại bàn chải này phổ biến thế kỷ 15, được cho là bàn chải đánh răng đầu tiên của loài người.

Người châu Âu dùng lông gia cầm, lông đuôi ngựa làm sạch răng. Cái lông chim, lông ngỗng cũng giống bàn chải đánh răng. Năm 1455, vợ chồng bá tước  Orléans đã sử dụng lông thú để làm sạch răng.

Dựa theo từ điển Bách khoa toàn thư, Trung Quốc, một số nhà nghiên cứu cho rằng Tàu là nơi sinh ra bàn chải đầu tiên bằng tơ tằm vào năm 1498, sau thay bằng lông lợn lòi đính thẳng trên cán gỗ nhỏ.

Bàn chải đánh răng được nâng niu như một tác phẩm nghệ thuật và là quà quý ở thế kỷ 16. Năm 1570, Đại sứ Tây Ban Nha dâng lên triều đình Pháp một món quà quý là bàn chải bằng lông lợn lòi. Thế kỷ 18, bàn chải được William Addis người Anh sản xuất hàng loạt đầu tiên và đem cung cấp cho Hoàng gia Anh (thời vua George đệ tứ). Ở Pháp, Napoléon là người thích chăm sóc bản thân, rất quan tâm đến bàn chải đánh răng. Bảo tàng Carnavalet ở Pháp còn lưu cái bàn chải của Napoléon với trang trí hoa văn cầu kỳ, còn bàn chải đánh răng của Joséphine nằm ở lâu đài La Malmaison. Dần dần, bàn chải đánh răng thay đổi theo sự tiến bộ của khoa học. Bàn chải làm bằng nilon, cán bằng nhựa. Ngày nay, có rất nhiều kiểu các bàn chải, bàn chải điện, bàn chải đổi màu theo giờ để trẻ em đánh răng cho sạch. Bàn chải cũng chia làm nhiều loại mềm, cứng, vừa phải.  Năm 1956, châu Âu đã sản xuất máy đánh răng, cạo lưỡi; giờ có bàn chải đánh răng bằng pin, máy xịt răng.

H. N. Wadsworth là người Mỹ đầu tiên nộp bản quyền về bàn chải đánh răng. Ngày 14/12/1818, bản quyền về bàn chải đánh răng đầu tiên của Pháp được Naudin thay mặt nhóm đệ trình. Ngày 26/1/1819, Naudin de Gay Lussac ký chính thức công nhận. Bản quyền ghi rõ kính thước và kiểu cách. Xưởng bàn chải đánh răng Pháp do Dupont quản lý bắt đầu sản xuất hàng loạt từ 1846 ở Beauvais. Hiện nay, có hơn 3.000 giấy xin chứng nhận bản quyền về bản chải đánh răng trên thế giới.

Chuyện cái bàn chải tưởng nhỏ, hoá ra cũng có bản quyền tác giả. Từ mấy thế kỷ nay, người ta đã có luật về quyền tác giả. Ở Việt Nam, cái gì cũng lơ mơ, bị cho là chuyện vặt. Người ta chỉ ghi chuyện đại sự. Chuyện bản quyền ở Việt Nam vì thế ở thế kỷ 21 vẫn còn... thảo luận trên báo chí. Chuyện đại sự như biên giới bây giờ vẫn còn tranh cãi vì thiếu ghi chép chi tiết “lặt vặt” trong khi Tàu ghi cả phát minh bàn chải vào từ điển. Không nên coi thường những ghi chép lặt vặt. Chính cái vặt là tiền thân của cái lớn.


Bàn chải đánh răng của người Pháp có “kỳ tích” là dần xoá sổ tập tục nhuộm răng đen truyền thống của người Việt Nam

Và kỳ tích bàn chải đánh răng Pháp ở Việt Nam

Bàn chải đánh răng do người Pháp mang sang Việt Nam  từ cuối thế kỷ 19, khi nó được sản xuất hàng loạt cuối thế kỷ đó tại Pháp. Người Pháp đã mang văn minh “bàn chải đánh răng” sang Việt Nam, cùng đồ lót, xà phòng và báo chí. Thời đó, bàn chải đánh răng là một xa xỉ phẩm. Trước đó, người VN không đánh răng. Các cụ nhuộm răng đen, ăn trầu để giữ gìn răng và coi là cách làm tô đẹp khuôn mặt. Nhà thơ Hoàng Cầm đã tả nụ cười tươi của “Những cô hàng xén răng đen / Cười như mùa Thu tỏa nắng...” (Bên kia sông Đuống).

Ngày nay, việc ăn trầu, để răng đen đã và đang mất dần ở nước ta. Cái bàn chải đánh răng nhỏ bé đã thay đổi tập tục người Việt Nam có hơn 1.000 năm. Xưa răng trắng được coi là không đứng đắn, ở tuổi răng tương đối hoàn chỉnh, con gái phải đi nhuộm răng. Kỹ thuật nhuộm răng đen không đơn giản. Màu răng đen che được nhiều khuyết tật của răng như răng sâu, răng trắng không đều, răng ố vàng từ bẩm sinh. Nhai trầu là hình thức làm sạch răng của người Việt. Nước vôi có chất khử vi khuẩn, nhai nhiều sẽ làm tốt hàm răng. Ngày nay, ở nhà chung cư, đi tàu, xe buýt, máy bay, xe máy, xe đạp, việc nhổ nước trầu rất bất tiện và không văn minh, bẩn, thậm chí mùi hôi nếu để lâu trong ống nhổ. Xưa nhà tranh vách đất, xung quanh đất và vườn, các cụ đi đường có thể nhổ toẹt ra gốc tre, bụi cây. Bây giờ đường sá văn minh, nhà lát đá hoa, sàn vernie, đường trải nhựa, các cụ không thể đi đâu cũng nhổ bậy bạ hay vác theo ống nhổ. Nhiều khi đón khách, các cụ cứ nhai trầu, nước ứa ra không nói được vì chưa kịp nhổ nước trầu. Đôi lúc nước trầu rơi vào áo trông dơ và giặt không sạch. Văn minh phương Tây đã thay đổi quan niệm thẩm mỹ hàm răng. Phong tục nhai trầu, nhuộm răng đen gần như xóa sổ ở thành phố, nên ngay nhiều nhà đạo diễn phim ảnh, sân khấu Việt Nam hiện nay đôi khi (không rõ ẩu hay vội) sơ ý quên chi tiết “vặt” rằng các cụ xưa để răng đen, khi tái dựng nhân vật xưa mà răng trắng tinh.

Chiếc bàn chải đánh răng văn minh do Pháp mang đến đã làm một kỳ tích: Xóa bỏ tập tục nhai trầu và nhuộm răng đen ở Việt Nam. Văn minh tiến bộ dù nhỏ như cái bàn chải cũng có thể thay đổi những tập tục văn hóa lâu đời. Cái bàn chải đánh răng đã góp phần vào sự thay đổi tiến bộ của văn hóa Việt trong quá trình va chạm với văn hóa văn minh Pháp ở thế kỷ 20.

TS Văn học Trần Thu Dung (Paris)
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN