TTVH Online

'Ngồi' của Nguyễn Bình Phương: Tiểu thuyết 'hướng nội' hiếm hoi của Việt Nam

29/12/2013 07:20 GMT+7

Tiểu thuyết Ngồi từng gây tranh cãi của Nguyễn Bình Phương vừa được NXB Trẻ tái phát hành, sau bản in NXB Đà Nẵng đúng 7 năm. Với những độc giả mê thích tiểu thuyết cách tân, Nguyễn Bình Phương luôn có đủ hấp lực về sự đổi mới...

(Thethaovanhoa.vn) - Tiểu thuyết Ngồi từng gây tranh cãi của Nguyễn Bình Phương vừa được NXB Trẻ tái phát hành, sau bản in NXB Đà Nẵng đúng 7 năm. Với những độc giả mê thích tiểu thuyết cách tân, Nguyễn Bình Phương luôn có đủ hấp lực về sự đổi mới bút pháp, cấu trúc và tư tưởng.

Nguyễn Bình Phương từng là lính tại biên giới phía Bắc, là biên kịch, biên tập viên, làm báo và làm thơ. Anh viết song hành các thể loại, là tác giả của ít nhất 6 tiểu thuyết và 4 tập thơ đã xuất bản.


Nhà văn Nguyễn Bình Phương. Ảnh TL

Từ tiểu thuyết mới…

Tự nhìn về mình, trong bài thơ có tên Bài thơ cũ, Nguyễn Bình Phương viết: “Ta sinh ra cô đơn/ giờ cô đơn đã cũ/ ta trưởng thành bởi sợ hãi/ sợ hãi cũng cũ rồi”. Đọc Ngồi và cả tiểu thuyết Xe lên xe xuống gần đây, dường như đây là cách nói khiêm nhường.

Trong Nghệ thuật tiểu thuyết, Milan Kundera chỉ ra 3 mô hình chính của tiểu thuyết: 1) hình phạt đi tìm tội ác, nghĩa là tội ác có trước - kiểu của tiểu thuyết thời kỳ đầu, vẫn rất phổ biến hiện nay; 2) tội ác đi tìm hình phạt, hình phạt có trước - thuộc các tiểu thuyết hiện đại; 3) tội ác van xin hình phạt công nhận tội ác - tiểu thuyết cách tân, vốn rất ít người theo. Từ cách phân chia này, Ngồi dường như ứng với mô hình thứ 3, nơi tội ác và hình phạt làm như không quen biết nhau, nhưng phải sống chung, phải cắt nghĩa lẫn nhau.

“Trong những tiểu thuyết trước, Nguyễn Bình Phương luôn luôn cho chạy song song hai dòng mạch khác nhau: Những đứa trẻ chết già là cõi âm và cõi dương; đến cõi người và cõi vật trong Người đi vắng; rồi trí nhớ và sự suy tàn của trí nhớ trong Trí nhớ suy tàn; người và người điên trong Thoạt kỳ thủy. Tiểu thuyết Ngồi vẫn có hai mạch chạy song song, nhưng trong cùng một con người: đời sống hiện thực hàng ngày, và đời sống đang xảy ra trong tư tưởng của Khẩn” – một nhà phê bình văn học nhận định.

Thêm một điểm nữa, khi viết tiểu thuyết, Nguyễn Bình Phương quan trọng nhất là việc tìm giọng, tìm được giọng coi như xong quá nửa, phần còn lại dành cho những thứ khác. Những tiểu thuyết bị phán xét tơi tả của anh như Những đứa trẻ chết già, Thoạt kỳ thủy… thường bắt đầu từ cái giọng điệu lạ đời này; nhưng chính đó cũng là đổi mới, là thành công. Nói một cách hình tượng, tiểu thuyết của Nguyễn Bình Phương tinh giản văn xuôi nhất có thể, rồi đem trộn lẫn với thơ tự do. Nên nó vừa có cấu trúc chặt, vừa buông bỏ, như không bám víu vào bất kì đâu.


Tiểu thuyết Ngồi vừa được tái bản

… đến hành trình hướng nội

Ngồi được xem là tác phẩm “có những khám phá bên trong con người, tìm hiểu những thức cảm nội tại của nhân vật”. Nguyễn Bình Phương chia sẻ: “Tôi viết về sự giãy dụa của người công chức trong việc giữ gìn mô hình sống mẫu mực trước những cám dỗ của một xã hội đang phát triển. Có những cốt lõi mà họ không được vi phạm. Tuy nhiên, họ vẫn đang phải đối mặt với cái đám lùng nhùng ấy. Tóm lại, tôi muốn phản ánh tình trạng dở dở, ương ương của công chức đương thời”.

So với các nhân vật chính trước đây, Khẩn trong Ngồi là mẫu người kỳ lạ: ngồi im mà vẫn bay nhảy. Khẩn vừa đại diện cho cá tính Giao Chỉ, vừa đại diện cho cái tôi bất động; vừa tự ti vừa đầy ảo tưởng. Trong nội tâm của Khẩn có sự di chuyển vào ra liên tục giữa ảo và thực, đến mức khó phân biệt.

Ngoài Khẩn, những Minh, Hùng, Liên, Thúy, lão Việt, Thái, Nhung, Nghĩa, Vận, Kim, Hoàng Lân, Quân... là đại diện sinh động cho cuộc vong thân vì tình ái, vì đồng tiền, trong đó lộ rõ chuyện ngoại tình, sống thử, đảng viên hủ hóa, công chức biến chất… Ngồi có cấu trúc của một giấc mơ, nhanh như những gì xảy ra giữa hai cái chớp mắt.

Thuộc số ít những nhà văn chịu khó đổi mới nghệ thuật tiểu thuyết tại Việt Nam, hành trình hướng nội trong Ngồi của Nguyễn Bình Phương chắc chắn sẽ còn thu hút nhiều giấy mực trong tương lai không xa.

VĂN BẢY
Thể thao & Văn hóa

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN