TTVH Online

Nữ phóng viên chiến trường đầu tiên tử trận

29/12/2013 09:59 GMT+7

Tháng 7/1937, Gerda Taro đã trở thành nữ phóng viên chiến trường đầu tiên tử trận. Ít người biết bà đã góp phần tạo dựng sự nghiệp cho người yêu đồng thời là đồng nghiệp Robert Capa, một phóng viên chiến trường vĩ đại nhất thế kỷ 20.

(Thethaovanhoa.vn) - Tháng 7/1937, Gerda Taro đã trở thành nữ phóng viên chiến trường đầu tiên tử trận. Ít người biết bà đã góp phần tạo dựng sự nghiệp cho người yêu đồng thời là đồng nghiệp Robert Capa, nhân vật sau này trở thành một phóng viên chiến trường vĩ đại nhất thế kỷ 20.

Ngày 25/7/1937, Gerda Taro, khi đó mới 26 tuổi, đã lăn lộn trong các đường hào ở Brunete, phía Tây Madrid, thủ đô Tây Ban Nha, cùng những người lính Cộng hòa. Bom dội và máy bay oanh tạc mặt đất, nhưng Taro vẫn không ngừng chụp ảnh. Bà định trở về Pháp vào ngày hôm sau và chỉ rời đường hào khi hết phim.

Taro nhảy lên một xe ô tô đang chở thương binh, nhưng chiếc xe này đã đụng phải xe tăng và kết quả là bà bị chết bẹp. Sáng sớm hôm sau, Taro qua đời trong bệnh viện do thương tích quá nặng. Những bức ảnh bà chụp trong ngày hôm đó đã không được tìm thấy. 


Cuộc chiến ở Brunete, hình ảnh do Taro chụp hồi tháng 7/1937.    

Danh tiếng bị lu mờ trước Robert Capa

Sau khi Taro tử trận, người ta đã thêu dệt nhiều huyền thoại về bà. Nhưng phần lớn các bức ảnh của bà bị lãng quên và danh tiếng của bà luôn bị lu mờ trước Robert Capa, người yêu của bà và là phóng viên ảnh chiến trường nổi tiếng với những bức hình đen trắng về chiến tranh.

Can đảm, xinh đẹp và là nguồn cảm hứng của hàng trăm nữ phóng viên chiến trường hậu duệ, đã đến lúc người ta cần đánh giá lại di sản của Taro. Cuốn sách mới Gerda Taro: Inventing Robert Capa của tác giả Jane Rogoyskaya, cùng 2 bộ phim mới về cuộc đời Taro, đang làm điều đó. Cuốn sách kể câu chuyện về mối tình yểu mệnh giữa Taro và Capa, đồng thời cũng mô tả mối quan hệ công việc của họ.

Năm 2007, người ta tìm thấy một chiếc vali ở Mexico, trong có 4.500 tấm phim, ảnh của Capa, Taro và đồng nghiệp của họ là Chim. Trong số này có cả những hình ảnh của Taro mà trước đây vẫn được cho là của Capa.

Sở dĩ vali ảnh này lưu lạc tới Mexico là bởi năm 1939, Capa cố gắng song đã thất bại khi lén đưa nhiều bức ảnh ra khỏi nước Pháp. Cuối cùng số ảnh rơi vào tay đại sứ Mexico là Tướng Francisco Aguilar Gonzales, người đưa chúng về nhà rồi để mặc chúng trong quên lãng suốt nửa thế kỷ.

Sau khi tướng Aguilar và vợ ông qua đời, các bức ảnh được chuyển cho một người thân của họ là nhà làm phim Benjamin Tarver. Khi Tarver nhận ra được tầm quan trọng của kho ảnh, ông đã nói chuyện với một giáo sư ở New York, người có quan hệ với Trung tâm Ảnh Quốc tế (ICP), do em trai của Capa là Cornell sáng lập. Năm 2010, ICP đã tổ chức triển lãm những bức ảnh này.

 “Việc tái phát hiện những bức ảnh của Taro giúp chúng ta hiểu thêm được về sự nghiệp ngắn ngủi của một phóng viên ảnh tài năng và cả con người bà. Đằng sau câu chuyện về một nữ phóng viên anh hùng đã tử trận mà báo chí đã đăng là một hiện thực vô cùng phức tạp, là câu chuyện về tình yêu và sự mất mát” – tác giả Rogoyska viết trong cuốn sách. 


Cặp tình nhân, phóng viên chiến trường Gerda Taro và Robert Capa.


Những bức ảnh ký tên chung “Capa”

Taro sinh năm 1910 trong một gia đình người Đức - Hungary gốc Do Thái ở thành phố Stuttgart, miền nam nước Đức. Tên thật là Gerta Pohorylle, cuộc sống đầu đời của bà thanh bình và yên ổn.

Nhưng sau khi Hitler và phát xít Đức lên cầm quyền, cuộc sống của gia đình bà ngày càng khó khăn. Năm 1933, Taro bị bắt vì phát hành tờ rơi chống phát xít. Sau khi được trả tự do vào năm 1934, Taro bị buộc rời khỏi nước Đức và từ đó bà không hề gặp lại gia đình.

Năm 1935, Taro gặp nhiếp ảnh gia Hungary trẻ trung, đẹp trai Endre Friedmann ở Paris, người sau này đổi tên thành Robert Capa. 2 người yêu nhau và cùng làm việc cho liên minh cánh tả Popular Front ở Pháp. Họ bán ảnh dưới tên chung Capa.

Tuy nhiên, cuộc sống êm ấm của họ kéo dài không lâu. Năm 1936, nội chiến xảy ra ở Tây Ban Nha và hai người bèn tìm tới đây để đưa tin về cuộc chiến chống lại chủ nghĩa phát xít. 2 tuần sau khi cuộc chiến bắt đầu, Taro và Capa tới Barcelona, nơi họ chụp ảnh những người lính Cộng hòa chuẩn bị ra chiến tuyến. Họ tiếp tục đi tới Aragon, Madrid, Toledo và sau đó là Cordoba. Giống như trước, mọi bức ảnh họ gửi về đề ký tên Capa và được các tờ báo ở Paris đón nhận nồng nhiệt.

Nỗi day dứt của Robert Capa

Giữa năm 1937, Taro rời xa Capa, bắt đầu phát triển phong cách riêng và quyết định tạo dựng sự nghiệp riêng. Bà sản xuất ảnh với tên mình, trong đó có các bức ảnh nổi tiếng chụp nhiều vụ ném bom ở Valencia. “Taro dồn hết tâm trí vào cuộc nội chiến Tây Ban Nha. Bà xúc động trước cảnh đau đớn của người dân Tây Ban Nha” -  Rogoyska nói.

Háo hức chứng tỏ mình và cố gắng chụp được nhiều bức ảnh ấn tượng, Taro ngày càng lao mình vào những tình huống nguy hiểm. Khi Taro qua đời, Capa đã không thể tha thứ cho bản thân, vì để người yêu tới điểm nóng một mình.

“Về sau này Capa đổ lỗi cho mình khi không có mặt ở Brunete. Ông luôn nhận rõ vai trò của mình là người bảo vệ Taro, bởi ông biết bà sẽ gặp rất nhiều rủi ro. Capa còn cảm thấy có trách nhiệm bởi ông đã giới thiệu Taro đến với nghề ảnh” – Rogoyska nói.

VIỆT LÂM (tổng hợp)
Thể thao & Văn hóa

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN