TTVH Online

Giải mã 'cơn sốt' U19 Việt Nam

28/12/2013 15:18 GMT+7

ĐT U19 Việt Nam thực sự đang tạo cơn sốt trên các trang báo trước thềm giải đấu U19 quốc tế, với những khách mời chất lượng đến từ Âu châu và Nhật Bản.

(Thethaovanhoa.vn) - Từng có một giai đoạn, trọng lượng của cái ba lô học sinh tiểu học được đưa ra tranh luận khá gay gắt và phần đông đều cho rằng, việc bắt các em cõng quá nhiều thứ trên lưng (sách vở, bút mực và các vật dụng học ngoại khóa khác) đến trường là bất hợp lý, thậm chí phản khoa học đối với sự phát triển về cả tri thức (học quá nhiều) và thể chất của học sinh…

Câu chuyện trên có liên quan gì đến bóng đá, với đào tạo trẻ vốn vị thành tích và với ĐT U19 Việt Nam đang lên cơn sốt không?

1. Tiếp nối những thành công (bước đầu) ở giải U19 Đông Nam Á và vòng loại 19 châu Á cách đây không lâu, ĐT U19 Việt Nam (với nòng cốt là các cầu thủ thuộc Học viện HA.GL Arsenal JMG) thực sự đang tạo cơn sốt trên các trang báo trước thềm giải đấu U19 quốc tế, với những khách mời chất lượng đến từ Âu châu và Nhật Bản.

Họ, có thể gọi là “những đứa trẻ của bầu Đức”, sẽ ra trường (tốt nghiệp hệ PTTH vào tháng 6/2014 tới đây), thậm chí đang có chỗ đứng khá vững chắc trong lòng một bộ phận đáng kể người hâm mộ, nhất là sau khi U23 Việt Nam vừa gây thất vọng ở sân chơi SEA Games.

“Chất lượng đào tạo kèm theo các chế độ dinh dưỡng khác của Học viện HA.GL Arsenal JMG quả thật rất tốt. Nhìn các em thi đấu rất thích mắt. Lứa cầu thủ này chắc chắn sẽ có tương lai tốt hơn”, ông Phan Thanh Hùng, cựu HLV trưởng ĐT Việt Nam và là đương kim HLV trưởng CLB HN.T&T, từng chia sẻ với Thể thao & Văn hóa như thế.

Một lần nữa, chúng ta không phủ nhận những nỗ lực, đóng góp của ông bầu Đoàn Nguyên Đức cho sự phát triển của các giải đấu và của cả nền bóng đá. Trong quá khứ và cả hiện tại, bầu Đức luôn là người đi tiên phong, từ vụ “áp-phe” thành công cầu thủ số một Đông Nam Á Kiatisuk, đến hợp đồng khủng với Lee Nguyễn và giờ là lứa cầu thủ U19 đang thành hình. Trong bối cảnh đào tạo trẻ bị bỏ rơi, sản phẩm của bầu Đức thực sự quý và hiếm…

Nhưng, ngay cả một người am hiểu về chuyên môn và đặc biệt là đào tạo trẻ như HLV Phan Thanh Hùng mà cũng chỉ có thể nói “lứa cầu thủ này sẽ có tương lai tốt”, còn nếu xem họ là “tương lai của nền bóng đá” như phát biểu của ông bầu Đoàn Nguyên Đức thì có vẻ hơi vội vã.

2. Cho đến thời điểm này, sau 14 mùa lá rụng, những cái tên từng góp mặt trong thành phần U16 Việt Nam làm nên cơn địa chấn tại VCK U16 châu Á (Đà Nẵng, năm 2000) hẳn đã mai một nhiều trong tâm trí người hâm mộ.

Không nhiều gương mặt từng giúp U16 Việt Nam hạ gục U16 Trung Quốc ngày ấy gặt hái được thành công trong sự nghiệp, chứ đừng nói là có thể giúp nâng tầm nền bóng đá. Một vài trong số đó thậm chí còn vào tù ra tội. Cỡ Văn Quyến nếu còn được nhắc tới cũng chỉ làm đẹp các trang báo hoặc nữa, chỉ để khơi gợi lại những tiếc nuối về một thần đồng đã xa.

Nền bóng đá đã có đủ những bài học rồi và chúng ta hoàn toàn không có nhu cầu sẽ có thêm những tấm gương như Văn Quyến và đồng đội nữa. Nếu cứ phó thác hoàn toàn vào năng lực của những cậu bé mới lớn này để kỳ vọng rằng một trang sử mới của nền bóng đá sẽ sang trang thì e là vội vã, và thậm chí có phần không phải, nếu sử dụng năng lực của các em cho những mục đích khác của người lớn. Hãy tiếp tục tạo sân chơi cho cầu thủ trẻ (càng nhiều càng tốt), nhưng hãy để các em phát triển tự nhiên.

Người hâm mộ có quyền yêu và tin, nhưng người trong cuộc (ở đây là bầu Đức và các cộng sự của ông, thậm chí cả giới truyền thông) cũng không nên tiếp tay để đẩy sự kỳ vọng lên quá lớn. Đôi vai học sinh nhỏ bé lắm lắm và đừng bao giờ dồn tất cả vào một chiếc cặp.

Tùy Phong
Thể thao & Văn hóa
Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN