TTVH Online

'Người giấu mặt' thế giới từng có hiếp dâm

16/12/2013 12:54 GMT+7

Chương trình Người giấu mặt đang khiến dư luận xôn xao bởi hành động cởi quần áo để giảm cân các thí sinh. Thế nhưng người ta hẳn sẽ bớt ngạc nhiên nếu biết chương trình gốc Big Brother cũng đã có không ít tai tiếng.

(Thethaovanhoa.vn) - Chương trình Người giấu mặt đang khiến dư luận xôn xao bởi hành động cởi quần áo để giảm cân các thí sinh. Thế nhưng người ta hẳn sẽ bớt ngạc nhiên nếu biết chương trình gốc Big Brother cũng đã có không ít tai tiếng khi được thực hiện ở nước ngoài. 

Big Brother là chương trình trò chơi truyền hình thực tế do John de Mol sáng tạo ra.

Cuộc sống riêng thành… trò giải trí

Ý tưởng của Big Brother được cho là đã sinh ra từ một cuộc tranh luận về ý tưởng tại công ty sản xuất truyền hình Italia Endemol, có trụ sở đóng tại Hà Lan, vào ngày 10/3/1997. 

Phiên bản đầu tiên của Big Brother được phát sóng tại Veronica, Hà Lan, vào năm 1999. Kể từ đó khuôn mẫu (format) của chương trình đã được xuất khẩu ra nhiều nước trên thế giới, với nhiều phiên bản khác nhau. 

Dù mỗi nước có những thay đổi riêng, các yếu tố nòng cốt cơ bản không hề thay đổi. Trong chương trình, các thí sinh gần như bị "giam lỏng" tại một ngôi nhà được thiết kế đặc biệt, nơi mọi hành động của họ đều bị giám sát bởi các camera và micro ghi âm được giấu kín. Họ không được phép tiếp xúc với thế giới bên ngoài.

Trong Big Brother Brazil, Daniel Echaniz đã bị cáo buộc có hành vi hiếp dâm bạn sống cùng nhà Monique Amin.

Ngoài việc yêu cầu thí sinh phải sống trong tình trạng bị khán giả quan sát liên tục (vốn là điểm hấp dẫn chủ đạo), chương trình còn hút khách bằng 4 chi tiết nữa: điều kiện sống trong nhà chỉ ở mức cơ bản nhất, các thí sinh sẽ bị loại dần ra khỏi nhà, các nhiệm vụ, các cuộc thi được giao hàng tuần và cuối cùng là "Phòng Nhật ký/Phòng Thú nhận" (trong đó các thí sinh bày tỏ cảm xúc, suy nghĩ của họ, sự tức giận và cả người họ muốn tống cổ khỏi ngôi nhà). 

Trong Big Brother gốc, các thí sinh bị yêu cầu phải loại bỏ một trong những "bạn cùng nhà" của mình sau mỗi 2 tuần. Tuy nhiên phiên bản ở Anh đã yêu cầu làm việc này sau hàng tuần. Giờ mọi phiên bản Big Brother đều đi theo "chuẩn mực" mới này. 

Hoạt động loại bỏ thí sinh diễn ra khi các "bạn cùng nhà" bỏ phiếu kín để chọn ra những người họ muốn tống khứ nhất. Người nào nhận phải nhiều phiếu bầu nhất sẽ buộc phải ra đi. Khán giả cũng được trao cho cơ hội bỏ phiếu qua điện thoại để loại bỏ thí sinh nào đó. 

Sau khi kết quả được công bố, người bị loại sẽ rời khỏi nhà và được phỏng vấn bởi người dẫn chương trình. Trong một số trường hợp, có 2 người sẽ bị loại cùng 1 lúc trong 1 tuần, hoặc không ai bị loại cả. Người cuối cùng còn ở lại trong nhà được tuyên bố thắng cuộc và sẽ nhận giải thưởng (thường là một khoản tiền lớn, một chiếc xe, một kỳ nghỉ và trong vài phiên bản là một ngôi nhà. Ở VN, nhà sản xuất “treo” thưởng 2 tỷ đồng). 

Mắng chửi, đánh nhau và ... hiếp dâm

Các chuyên gia nói rằng từ góc độ xã hội học và nhân khẩu học, Big Brother cho phép việc phân tích xem người ta phản ứng ra sao khi buộc phải sống trong một môi trường khép kín với những người xa lạ, mang trong đầu những ý kiến và quan điểm khác biệt, tới từ các nhóm kinh tế xã hội khác nhau... 

Khán giả sẽ có cơ hội tìm hiểu phản ứng bề ngoài của một người, thông qua việc hành động của họ thường xuyên được camera ghi lại, cũng như suy nghĩ sâu trong tâm hồn, khi họ nói ra những suy nghĩ ấy trong Phòng Nhật ký hoặc Phòng Thú nhận. 

Phòng Nhật Ký là nơi các thí sinh có thể thoải mái kể ra các cảm xúc riêng tư của họ về cuộc chơi, chiến lược ganh đua và nhận xét về các thí sinh khác. Kết quả có thể dao động từ cảm giác tức giận, bực bội, tới tình cảm lãng mạn dành cho bạn cùng phòng. 

Thế nhưng thực tế khi triển khai, Big Brother đã vấp phải nhiều tranh cãi, chỉ trích. Một trong những nơi xuất hiện nhiều bê bối liên quan tới Big Brother nhất là Mỹ và tranh cãi đã hình thành ngay từ năm 2000, khi chương trình mới được triển khai. 

Chương trình Big Brother Australia cũng từng rơi vào sóng gió hồi năm 2006 khi 2 thí sinh nam giới tấn công tình dục một bạn cùng nhà vào giữa đêm

Trong chương trình Big Brother 2, thí sinh Justin Sebik đã bị loại chỉ 10 ngày sau khi tham gia do dùng vũ lực đe dọa các bạn cùng phòng. Trong Big Brother 6, các thí sinh Eric Littman và Michael Donnellan đã cãi nhau do Michael chửi bới gia đình Eric. Michael còn gọi Eric là "gã lùn có của quý nhỏ xíu" trên truyền hình. 

Trong chương trình Big Brother 8, nhiều thí sinh đã đưa ra các nhận xét mang tính xúc phạm liên quan tới tôn giáo và phụ nữ. Richard "Evel Dick" Donato, người chiến thắng chung cuộc, đã có các hành vi mang tính ngược đãi nhằm vào bạn sống chung nhà là nữ giới và thí sinh Jen Johnson thường xuyên rơi vào tầm ngắm của anh ta. Người hâm mộ chương trình và cả Tổ chức quốc gia bảo vệ phụ nữ đã kêu gọi đuổi cổ Donato khỏi chương trình, sau khi anh này rót trà đá vào đầu Johnson. Nhưng nhà tổ chức đã phớt lờ những lời kêu gọi đó.

Trong kỳ Big Brother 9, thí sinh Adam Jasinski đã bình luận về những người bị tự kỷ rằng họ là những kẻ "bại não không thể tự chải tóc cho mình". Tổ chức hoạt động vì người tự kỷ Autism United đã lên tiếng yêu cầu đài CBS, nơi tổ chức game show, phải đưa ra lời xin lỗi. 

Tại Big Brother 14, Willie Hantz bị đuổi sau khi ném đồ ăn vào bạn cùng nhà Janelle Pierzina. Hantz còn chửi bới tất cả các thí sinh khác và còn húc đầu vào ngực Joe Arvin. 

Khi xuất hiện ở các nước khác, Big Brother cũng gây không ít tai tiếng. Hồi tháng 1/2012, tờ Daily Mail cho biết một thí sinh trong chương trình Big Brother Brazil đã hiếp dâm bạn cùng phòng và hành vi phạm tội của anh ta được chiếu thẳng lên TV cho hàng triệu khán giả theo dõi. Nhân vật phạm tội là Daniel Echaniz 31 tuổi, đã chui vào giường nơi bạn cùng nhà Monique Amin, 23 tuổi, đang ngủ mê man sau một bữa tiệc rượu túy lúy. 

Camera có chức năng ghi hình trong bóng tối đã thu được cảnh Echaniz dường như đang quan hệ tình dục với Monique ở dưới chăn, trong khi cô không hề có phản ứng gì. Buổi sáng hôm sau, Monique đã chẳng thể nhớ nổi có chuyện gì xảy ra trong đêm. Daily Mail sau đó cho biết cảnh sát đã tiến hành điều tra, trước khi buộc nhà đài phải ngừng show diễn hoặc loại bỏ Echaniz khỏi cuộc chơi. 

Trước đó vào năm 2007, một vụ tấn công tình dục cũng diễn ra trong chương trình Big Brother Nam Phi. Lần đó thủ phạm Ofunneka Molokwu, đã dùng tay sờ soạng vào vùng kín của bạn cùng nhà Richard Bezuidenhout, 24 tuổi, sau khi cô mê man vì say rượu. Theo luật Nam Phi, hành động như của Molokwu đã bị xem là hiếp dâm. Điều đáng nói nằm ở chỗ hành động của Molokwu diễn ra khi chương trình đang được phát sóng trực tiếp và hậu quả là hàng triệu người đã chứng kiến cảnh phạm tội của anh ta. 

Tường Linh
Thể thao & Văn hóa

Diễn biến sự cố “lột đồ giảm cân” trong Người giấu mặt

Trong tập 31 chương trình Người giấu mặt phát sóng trên VTV6 ngày 12/12, một nhiệm vụ đặt ra cho 10 thí sinh là họ phải giảm 18kg. Để số cân nặng được giảm thiểu tối đa, hai thí sinh nữ là Nguyễn Quỳnh Trang và Trist Lương quyết định lột đồ phần trên để giảm được... mấy lạng. Hình ảnh phát sóng trên VTV6 chỉ quay phần sau lưng của Quỳnh Trang khi cô lột đồ, còn cận cảnh được che mờ. Nhưng trên mạng đã xuất hiện những hình ảnh, clip rõ nét hơn về hai thí sinh này.

Cảnh trong tập 31 Người giấu mặt
Trả lời về sự việc, nhà báo Tạ Bích Loan, Trưởng Ban VTV6 Đài truyền hình Việt Nam cho biết phần nội dung khi phát sóng trên truyền hình “đảm bảo không có cảnh nóng”. Cũng theo bà Loan, ảnh và clip lột đồ của thí sinh đã bị đơn vị sản xuất là BHD để rò rỉ trên mạng.

Hôm 14/12 nhà sản xuất BHD đã chính thức nhận lỗi “do bộ phận truyền thông đã gửi đi một số hình ảnh chưa được kiểm duyệt”.

Linh Lan

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN