TTVH Online

Không trường học nào dạy được đờn ca tài tử

09/12/2013 10:42 GMT+7

Đó là những quan điểm mà nhạc sĩ Huỳnh Văn Khải, Trường khoa Âm nhạc dân tộc, Nhạc viện TP.HCM, người cũng đã nhiều năm nghiên cứu về nghệ thuật đờn ca tài tử (ĐCTT) Nam bộ.

(Thethaovanhoa.vn) - Không phải sợ đờn ca tài tử Nam bộ mất đi chúng ta mới làm hồ sơ trình UNESCO công nhận là Di sản văn hóa đại diện nhân loại; cũng không cần phải đưa vào nhà trường giảng dạy thì đờn ca tài tử mới "sống". Và cũng đừng lo đưa thêm nhạc cụ mới vào chơi trong đờn ca tài tử thì di sản này sẽ chết...

Đó là những quan điểm mà nhạc sĩ Huỳnh Văn Khải, Trường khoa Âm nhạc dân tộc, Nhạc viện TP.HCM, người cũng đã nhiều năm nghiên cứu về nghệ thuật đờn ca tài tử (ĐCTT) Nam bộ, chia sẻ với TT&VH.

Phải có sáng tác mới

ĐCTT có sức sống trên một diện rộng chưa từng có. Hầu như 21 tỉnh, thành thuộc Nam bộ tỉnh nào, quận, huyện, thôn ấp nào cũng có CLB hoặc nhóm ĐCTT. Nhiều tỉnh luân phiên tổ chức Liên hoan ĐCTT 2 năm/lần. Họ ít quan tâm đến học thuật mà chỉ chú trọng đến việc nâng cao chất lượng và số lượng người chơi ĐCTT để cốt lõi làm cho di sản này không bị mai một.


Nhạc sĩ Huỳnh Văn Khải

Ở nông thôn người dân chơi ĐCTT, ở thành phố người dân chơi ĐCTT, trên sóng phát thanh, truyền hình cũng có ĐCTT và ĐCTT cũng có mặt ở rất nhiều cửa hàng băng đĩa nhạc ở hầu khắp các tỉnh thuộc Nam bộ.

Nhạc sĩ Huỳnh Văn Khải cho rằng, sau khi được UNESCO công nhận và với kho tài liệu về ĐCTT đồ sộ như hiện nay chúng ta không sợ mất nữa và nên bước qua một giai đoạn mới, giai đoạn phát triển cho ĐCTT tiếp tục lan tỏa trong đời sống đương đại.

"Bên cạnh việc bảo tồn nguyên trạng môi trường sống cho ĐCTT, tôi cho rằng cần phải phát triển loại hình này mà "không ngại" cạnh tranh với đủ các thế loại nhạc khác đang thịnh hành. Cần có đội ngũ nhạc sĩ, nghệ sĩ sáng tác những bài ĐCTT phù hợp với cuộc sống hiện nay, miễn là trong bài mới ấy vừa mang sức sống của thời đại, vừa mang phong cách ĐCTT" – ông Khải nói.

Với quan điểm đó, ông Khải tin rằng sau 5-10 năm nữa, hình thức ĐCTT mới sẽ được hình thành và phát triển song song với sự phát triển của đời sống mới. Và như vậy, ĐCTT mới thực sự tồn tại!

Không thể dạy hát ĐCTT trong trường học


Một ban nhạc ĐCTT trình diễn ở Marseille (Pháp) năm 1906

Hiện có nhiều ý kiến cho rằng ĐCTT ngày nay đang bị lai tạp, đặc biệt là trong việc sử dụng nhạc cụ mới đã làm mất dần bản sắc, cá tính sáng tạo của người đờn. Theo nhạc sĩ Huỳnh Văn Khải, sử dụng nhạc cụ mới trong đờn ca tài tử không ảnh hưởng nhiều đến bản sắc hay tính sáng tạo của người nghệ sĩ, hay làm mất đi giá trị của di sản này.

Ông dẫn chứng, từ khoảng năm 1930, ĐCTT đã được thêm những nhạc cụ phương Tây như violon, mandoline khoét phím, guitar Tây Ban Nha được chỉnh lại, thường gọi là guitar phím lõm.

"Trong âm nhạc, khi có nhạc cụ mới, ta cũng phải tiếp thu làm sao bắt nó "nói" được điệu nhạc của mình. Thậm chí, organ cũng có thể chơi trong ĐCTT. Bên cạnh đó, âm hình mới, tiết tấu mới mình cũng nên đưa vào..." – ông Khải nói.

Giống ca trù, quan họ hay nhã nhạc cung đình Huế, ĐCTT sống được là nhờ vào cộng đồng. Có khá nhiều ý kiến khoa học của những nhà nghiên cứu, những chuyên gia làm nghệ thuật về việc bảo tồn ĐCTT như dạy loại hình này ở cấp phổ thông, đào tạo ở cấp đại học… Nhưng theo nhạc sĩ Huỳnh Văn Khải, vì nhiều lí do, các trường dạy nhạc không thể làm tốt được việc này bằng các CLB hay cộng đồng tự truyền lại cho nhau.

"Trong dân gian có nhiều CLB, nhiều nghệ nhân, cho nên nếu ai chỉ thích một loại hình âm nhạc như ĐCTT chẳng hạn thì theo tôi nên tìm đến các CLB" – ông Khải nói thêm.

Huy Thông
Thể thao & Văn hóa

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN