TTVH Online

'Xuân tóc đỏ' Quốc Trọng: Muốn người khác tôn trọng phải tự tôn trọng mình trước đã

10/12/2013 14:00 GMT+7

Với tư cách một người làm nghề về văn hóa, tôi luôn nhớ một câu thành ngữ của người xưa để tự răn dạy mình: "Muốn người khác tôn trọng mình thì trước hết mình hãy tự trọng mình trước đã".

(Thethaovanhoa.vn) - Với tư cách một người làm nghề về văn hóa, tôi luôn nhớ một câu của người xưa để tự răn dạy mình: "Muốn người khác tôn trọng mình thì trước hết mình hãy tự trọng mình trước đã".

Đạo diễn Quốc Trọng chia sẻ với Thethaovanhoa.vn.

Bộ phim truyền hình dài tập Trò đời dựa trên tác phẩm của cố nhà văn Vũ Trọng Phụng, với nhân vật chính là Xuân tóc đỏ đang được trình chiếu. Sự tái hiện này làm nhiều người nhớ tới vai diễn “để đời” của Đạo diễn Quốc Trọng, người được đóng đinh vào "dấu ấn" Xuân tóc đỏ, các đây hơn 20 năm?

Câu chuyện chúng tôi bàn xoay quanh chủ đề... phim. Tranh thủ từng chút rảnh trong thời gian anh đang lang thang trên các nẻo đường xa kiếm tìm bối cảnh làm phim...


Đạo diễn Quốc Trọng

Đọc giúp cho kiến thức mình khá hơn

* Một ngày của anh thời gian này diễn ra thế nào?

- Nếu đi làm phim thì theo kế hoạch và giờ giấc của đoàn phim. Còn không thì tranh thủ nghỉ ngơi, gặp bạn bè hàn huyên và tranh thủ thời gian đọc. Đọc bất cứ gì có thể giúp cho kiến thức mình khá hơn.

Với đoàn làm phim Gió mùa thổi mãi

* Vậy anh có theo dõi bộ phim truyền hình dài tập Trò đời dựa trên tác phẩm của cố nhà văn Vũ Trọng Phụng, với nhân vật chính là Xuân tóc đỏ? Sự tái hiện hình ảnh này có làm anh nhớ tới vai diễn “để đời” của anh?

- Tôi có biết Trung tâm sản xuất phim truyền hình thực hiện bộ phim Trò đời, nhưng lúc đó tôi đang phải thực hiện công việc kịch bản khác nên cũng không có đủ thời gian quan tâm. Vai diễn của tôi cũng đã hai chục năm rồi nên nó cũng chỉ còn lại là kỷ niệm.

* Kỷ niệm lần đóng phim đó ra sao? Đoàn làm phim thời kỳ ấy đã trải qua hoàn cảnh như thế nào, thưa anh?

- Thời gian đó (những năm 80 Thế kỷ 20) thì điều kiện làm phim vẫn còn rất khó khăn, nên không nói chắc mọi người cũng có thể hình dung ra những khó khăn của anh em đoàn phim.

Khi được giao vai, tôi vừa mừng vừa lo. Mừng vì được nhận một vai diễn hay, nhưng lo vì mình chưa hiểu biết nhiều về thời kỳ mà tác giả và nhân vật đã sống.

Tôi đã rất vất vả về thủ tục giấy tờ (vì khi đó về cụ Vũ Trọng Phụng vẫn có nhiều thái độ khác nhau) để được phép vào Thư viện Quốc Gia ngồi đọc suốt hơn một tháng trời tất cả những tác phẩm của cụ Phụng, từ tiểu thuyết đến hàng trăm bài phóng sự trên báo Phong Hóa Ngày Nay và một số tờ báo khác thời đó.

Không ai bắt tôi làm điều ấy, nhưng tôi tự nghĩ cái sự đọc sẽ giúp tôi hình dung lại được hơi thở của cuộc sống đã được khắc họa trong văn chương. Đoàn phim cũng tạo điều kiện cho tôi và nghệ sĩ Như Quỳnh đi tập tennis trong một tháng trời.

Có lẽ những sự chuẩn bị cẩn thận và chu đáo đó đã giúp tôi cũng như anh em đoàn phim tạo nên một tác phẩm có tiếng vang.

Đạo diễn Quốc Trọng và một cảnh trong phim Gió mùa thôi mãi

* Theo anh, vì sao ngày nay mặc dầu điều kiện kinh tế đã khá hơn, các phương tiện làm phim cũng hiện đại, tại sao chúng ta lại khó khăn khi cho ra đời những bộ phim chất lượng?

- Thứ nhất là chúng ta cần xác định rõ về quan niệm "Thế nào là một bộ phim hay?”

Thứ hai, cá nhân tôi quan niệm, truyền hình cũng như một siêu thị, cần bầy đủ các loại mặt hàng và chiều lòng tất cả các khách hàng. Có món hàng người này thích thì người kia không và ngược lại. Phim ảnh cũng vậy. Cần thu hút sự quan tâm của mọi tầng lớp.

Bên cạnh đó, cũng cần phải nhìn nhận một thực tế là do "tính chất tuyên truyền" còn nặng nề nên không tránh khỏi vẫn còn những thái độ thủ cựu và ấu trĩ, luôn tránh né những vấn đề gai góc, chỉ cốt tạo một sự an toàn cá nhân, khiến cho có những tác phẩm rất chân thành muốn chỉ ra những cái xấu cần loại bỏ thì vấp phải sự cản trở rất lớn. Hệ quả là muốn tác phẩm được suôn sẻ thì cứ khai thác mọi chuyện vui vui, được được, ta thắng địch thua.

Đặc biệt mảng phim xã hội hóa lại rõ rệt nhất. Vì tư nhân bỏ tiền làm phim mà không được duyệt thì chỉ có nước "hóa vàng". Khán giả xem thì chỉ biết đó là phim do Đài Truyền hình Việt Nam phát, còn họ đâu có trách nhiệm phải biết đó là tư nhân hay Nhà nước làm?  "Món ăn nghệ thuật" được dọn lên, họ thưởng thức và họ có quyền phán xét.

Nhân đây tôi cũng chia sẻ một ý nghĩ của cá nhân tôi: Trong một thời gian dài khó khăn (cả trước và sau chiến tranh) chúng ta luôn tôn trọng và tự hào với những gì là "sản phẩm Việt". Nhưng hiện tại, đồng ý là cuộc sống hiện đại đã giúp cho con người thêm rất nhiều phương thức tiếp cận các kênh thông tin, và họ có thêm nhiều quyền chọn lựa. Nhưng... khi mà cả một thế hệ trẻ đắm chìm trong phim ảnh cũng như trong các dòng nhạc nước ngoài, quay lưng với những thứ gì gọi là "nội địa". Thậm chí cả những người được gọi là "sao" cũng mê đắm và luôn mồm khoe khoang các thứ hàng hiệu đang khoác trên người. Những điều đó chỉ ra rất rõ là: giáo dục của chúng ta có vấn đề. Cái sai từ gốc đó, không thể một sớm một chiều mà thay đổi.

Với tư cách một người làm nghề về văn hóa, tôi chỉ có một cách là cố gắng làm hết sức, hết tâm của mình. Tôi luôn nhớ một câu thành ngữ của người xưa để tự răn dạy mình: "Muốn người khác tôn trọng mình thì trước hết mình hãy tự trọng mình trước đã".

Một gã làm công ăn lương

* Cảm ơn anh vì những chia sẻ thẳng thắn, vì sao anh không tiếp tục sống và làm việc như một “minh tinh màn bạc”, lại chuyển sang làm đạo diễn?

- Nói thật tôi cũng chẳng biết tại sao. Có lẽ cuộc sống nó cứ xô đẩy mình theo một dòng chảy nào đó để rồi một ngày giật mình thấy mình chìm nghỉm ở đâu đó. (Cười).

* Nghề diễn viên mang lại cho anh những tiền đề gì khi trở thành một đạo diễn?

- Nghề diễn giúp tôi rất nhiều khi tôi làm đạo diễn. Nhất là khi tôi làm việc với các diễn viên trong khi thực hiện phim. Tôi hiểu họ, hiểu điều họ đang thiếu hoặc đang lúng túng khi họ tiếp cận các nhân vật mà họ đảm nhiệm.

Nghề diễn giúp tôi rất nhiều khi tôi làm đạo diễn

* Vì sao đã làm đạo diễn anh vẫn tiếp tục đóng phim?

- Thật tình khi làm đạo diễn, tôi không ham hố lắm chuyện kiêm nhiệm một vai nào đó, vì thực sự công việc của đạo diễn đã lấy đi rất nhiều sức rồi. Có điều đôi khi, nói thật là kinh phí sản xuất vẫn còn nhiều eo hẹp nên nhiều khi tặc lưỡi làm cho nhanh và đỡ chi phí. Vậy thôi.

* Tại sao hầu hết các phim anh làm đều mang tính tư tưởng vừa “xương”, vừa “khoai”, mà để thực hiện được lại vô cùng gian nan vất vả?

- Khi đọc kịch bản tôi thuờng chú tâm về thân phận. Thân phận con người trong cuộc sống mới là mối quan tâm lớn nhất của tôi.

Thân phận con người trong cuộc sống mới là mối quan tâm lớn nhất của tôi

* Còn khi chọn nhân vật, anh thường lựa chọn vai diễn lộ ra những thói xấu người đời?

- Có lẽ tại các vai đó diễn dễ hơn. (Cười).

* Có gì khác với một Quốc Trọng của điện ảnh và một Quốc  Trọng ngoài đời không?

- Nếu có khác thì chắc là trong phim thì Quốc Trọng có thể là Xuân Tóc Đỏ, lại có thể là một ông tiến sĩ bất lực, hay một ông tổ trưởng láu cá. Còn ngoài đời thì tôi vẫn chỉ là tôi. Một gã làm công ăn lương đơn thuần.

* Năm vừa qua dường như được coi là năm “ngơi nghỉ”, sau khi anh đạt liên tiếp những thành quả, giải thưởng lớn về phim?

- Cũng không hẳn là ngơi nghỉ. Đơn giản là tôi đang chuẩn bị cho kịch bản tiếp theo.

* Mối quan tâm lớn nhất hiện tại của anh?

- Làm phim. Và cố gắng để phim không bị dở.

* Những dự án làm phim cũng như công việc lớn nhất của anh?

- Đã là "dự" thì khó có thể nói thành câu chữ. Vì thế nên chỉ có hy vọng là điều lớn nhất mà mình luôn mang theo.

* Cảm ơn anh và chúc cho các dự án thành công!

An Vũ (thực hiện)

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN