TTVH Online

Sách 'Tôi PR cho PR' của nhà văn Di Li: Viết để không phát điên

08/12/2013 09:02 GMT+7

Là người làm PR, Di Li bức xúc vì dư luận đánh đồng PR với “tạo xì-căng-đan để nổi tiếng”, không khác gì coi làm báo là “nói láo ăn tiền”, người mẫu là “chân dài óc ngắn”, doanh nhân là “con buôn”.

(Thethaovanhoa.vn) - Là người làm PR, Di Li bức xúc vì dư luận đánh đồng PR với “tạo xì-căng-đan để nổi tiếng”, không khác gì coi làm báo là “nói láo ăn tiền”, người mẫu là “chân dài óc ngắn”, doanh nhân là “con buôn”.

Tương tự làm nhiếp ảnh gia thì bị gọi “phó nháy”, hay bác sĩ là “lang băm”. Việc lâu nay dư luận hiểu nhầm nghề PR khiến Di Li đứng ngồi không yên. Trong cuốn sách Tôi PR cho PR, chị chia sẻ, nếu không viết để “minh oan” cho nghề nghiệp của mình, chắc chị sẽ phát điên.


Bìa cuốn sách Tôi PR cho PR.

Viết nhân 1 năm sôi động của truyền thông Việt Nam

Đây là cuốn sách PR thường thức đầu tiên ở Việt Nam. Tác giả hạn chế tối đa các từ ngữ chuyên ngành, tập trung vào chính các dẫn chứng về PR ở ngay Việt Nam, đều là những sự việc được báo chí và dư luận quan tâm. Trong đó, có cả tích cực lẫn tiêu cực.

Phía tích cực, có 2 trường hợp điển hình mà tác giả Di Li đã nghiên cứu trong mấy tháng qua: diễn giả không chân không tay Nick Vujicic đến Việt Nam tháng 5/2013 và cổ động viên bóng đá Vũ Xuân Tiến (biệt danh Running Man) gây sốt trên truyền thông cũng trong năm 2013.

Chẳng hạn, Di Li xét riêng trường hợp Running Man, không ai phủ nhận đây là một chiến lược PR, nhưng là PR theo nghĩa tốt. Chị cũng ca ngợi sự thông minh của đội ngũ PR cho câu lạc bộ Arsenal và cá nhân huấn luyện viên Arsene Wenger. Đây là câu chuyện PR mà “không người làm PR nào không thán phục”.

Phía tiêu cực được nhắc đến ở phần sau.

Một số vụ khủng hoảng truyền thông ở Việt Nam

Di Li khẳng định, trong nghề PR, giải quyết khủng hoảng là công đoạn “khó khăn, nhọc nhằn, gây kiệt sức và tốn kém” nhất. Tác giả đưa ra một số vụ khủng hoảng điển hình ở Việt Nam những năm qua để phân tích đúng – sai trong cách xử lý của người làm PR.

Đó là các sự cố ầm ĩ về dịch thuật năm 2012 - 2013: Cao Việt Dũng với Bản đồ và vũng đất, Dương Tường với Lolita… Di Li đánh giá cao cách ứng xử của dịch giả Dương Tường khi lên tiếng xin lỗi công chúng trên báo Thể Thao & Văn Hóa.

Hay vụ lộ băng ghi âm dàn xếp kết quả của nhạc sĩ Phương Uyên trong chương trình The Voice năm 2012. Di Li phê phán cách ứng xử của ê kíp The Voice trong buổi họp báo sau xì căng đan, tỏ ra coi thường báo chí và không đưa ra được lời giải thích cụ thể. Chị khẳng định, coi thường giới truyền thông là cách ứng xử thiếu sáng suốt trong PR.

Sự kiện “trai đẹp” - người mẫu UAE Omar Borkan Al Gala - đến Việt Nam năm 2013 là một vụ khủng hoảng lớn khi toàn gây dư luận tiêu cực. Di Li nhận định, sai lầm cơ bản của vụ việc này là do nhà tổ chức chưa tìm hiểu rõ công chúng mục tiêu.

Ngoài ra, có 2 vụ khủng hoảng kinh doanh là hãng bột ngọt Vedan làm ô nhiễm sông Thị Vải năm 2008 và hãng nước ngọt Coca Cola dính nghi án chuyển giá năm 2012...Cả hai hãng kinh doanh đều chịu thiệt hại về uy tín hoặc lợi nhuận, bị công chúng kêu gọi tẩy chay.

Mi Ly
Thể thao & Văn hóa

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN