TTVH Online

Giải bóng đá VĐQG, V- League: 30 năm vẫn... chưa ổn định

30/11/2013 19:45 GMT+7

Xét trên bình diện thế giới, V-League gần như không có tiếng tăm gì, và ngay cả ở Đông Nam Á thì V-League cũng không phải là giải bóng đá VĐQG số một khu vực.

(Thethaovanhoa.vn) - Xét trên bình diện thế giới, V-League gần như không có tiếng tăm gì, và ngay cả ở Đông Nam Á thì V-League cũng không phải là giải bóng đá VĐQG số một khu vực. Tuy nhiên, nếu nhìn nhận ở góc độ thay đổi và biến động theo từng năm thì giải bóng đá VĐQG Việt Nam hoàn toàn không có đối thủ.

Với 6 lần đổi tên trong vòng 30 năm qua cộng với sự thay đổi liên tục về thể thức thi đấu cũng như số lượng đội bóng tham dự, ổn định quả thật là một khái niệm vô cùng xa xỉ với giải VĐQG Việt Nam. Người ta hay nói giải VĐQG chính là tấm gương phản chiếu sức mạnh của ĐTQG, và với một giải VĐQG thay đổi liên tục như thế, thật chẳng có gì lạ khi hơn 20 năm qua, kể từ lúc hội nhập trở lại với sân chơi quốc tế, ĐT Việt Nam mới chỉ vô địch Đông Nam Á đúng một lần, và lần tham dự VCK Asian Cup duy nhất là nhờ được làm đồng chủ nhà.

Có nhiều nguyên nhân dẫn tới việc giải VĐQG Việt Nam không thể duy trì được hệ thống thi đấu cũng như tên gọi ổn định trong quãng thời gian 30 năm vừa qua, bởi với tư cách là một phần của đời sống xã hội, bóng đá không thể tránh khỏi tác động từ sự thay đổi của hệ thống kinh tế xã hội ở cấp độ vĩ mô. 



Nhìn từ cách xử lý tình trạng “một ông chủ 2 đội bóng” của VFF và VPF là đủ hiểu vì sao giải VĐQG không thể có sự phát triển ổn định trong những năm qua. Ảnh: VSI

Tuy nhiên, đấy chỉ là nguyên nhân khách quan, và thực ra nó cũng chỉ chiếm một vai trò không quá lớn với sự thiếu ổn định của giải VĐQG Việt Nam, bởi một phần chủ yếu nguyên nhân xuất phát từ chính bản thân những người đã và đang chịu trách nhiệm điều hành nền bóng đá.

Có thể lấy ra đây một dẫn chứng rất cơ bản thế này. Trong mọi quy định và điều lệ của FIFA, AFC và cả VFF đều không cho phép một cá nhân hoặc một tập thể được sở hữu nhiều hơn một đội bóng ở cùng một giải đấu có lên xuống hạng. Đây được xem như điều hiển nhiên, và không một nền bóng đá nào lại cho phép tồn tại tình trạng này.

Thế nhưng, ở V-League tình trạng này đã xuất hiện từ mùa giải 2009 với cặp “anh em” SHB.ĐN - HN.T&T, kéo dài suốt 5 năm qua và ở V-League 2014 thì thậm chí sẽ thành “một ông chủ 3 đội bóng” với sự hiện diện của tân binh QNK.Quảng Nam. Lúc đầu, VFF giải thích rằng cần phải gây dựng phong trào nên không thể xử lý mạnh tay với trường hợp “một ông chủ 2 đội bóng”, còn sau này, khi V-League rơi vào tình trạng khó khăn do ảnh hưởng từ sự suy thoái của nền kinh tế thì VFF lại càng không dám xuống tay với lý do cần phải duy trì phong trào.

Nghĩa là lúc V-League phát triển thịnh vượng nhất cũng như khi V-League suy thoái nhất, VFF đều không có biện pháp xử lý triệt để với tình trạng “một ông chủ nhiều đội bóng”, cho dù điều này hoàn toàn không được phép tồn tại, nếu chiếu theo các quy định của chính VFF cũng như FIFA và AFC.

Cứ tưởng rằng một “nan đề” làm VFF bó tay như thế sẽ được giải quyết nhanh chóng khi VPF ra đời, nhất là sau khi bầu Kiên, một trong những người có vai trò quyết định đối với sự ra đời của VPF, từng tuyên bố như thế này về phương án xử lý tình trạng “một ông chủ nhiều đội bóng” lúc nói về công tác chuẩn bị cho mùa giải 2013: “Nếu họ (tức HN.T&T và SHB.ĐN-PV) không có giải pháp, chúng tôi sẽ kiến nghị không cho 2 CLB trên tham dự mùa giải tới. BCH VFF sẽ quyết định về sự việc này, dựa trên những quy định của AFC và FIFA. Đây không phải là vấn đề khó”!

Tuy nhiên, như tất cả đều biết, mùa bóng 2012 vừa kết thúc thì bầu Kiên bị bắt vì tội kinh doanh trái phép. Trong khi đó, VPF không những không xử lý triệt để được tình trạng “một ông chủ nhiều đội bóng” ở mùa giải 2013 như lộ trình mà họ đã đặt ra, mà bản thân ông Võ Quốc Thắng, Chủ tịch HĐQT VPF, cũng trở thành trường hợp “một ông chủ nhiều đội bóng” thứ 2 tại V-League với 2 CLB ĐT.LA và K.KG.

Thậm chí, nếu không phải vì K.KG buộc phải rút tên khỏi danh sách tham dự V-League 2014 bởi lý do kinh phí thì ở mùa giải sắp tới, bầu Hiển sẽ không “cô đơn”, bởi sẽ có ông Chủ tịch HĐQT VPF song hành để sẻ chia “đặc sản” “một ông chủ nhiều đội bóng”. Chỉ qua cách VFF và VPF xử lý tình trạng “một ông chủ nhiều đội bóng” cũng đủ để lý giải vì sao giải bóng đá VĐQG không thể có được sự phát triển ổn định và vững chắc trong một thời gian lâu dài.

Những con số biết nói…

Là sân chơi hạng cao nhất trong hệ thống thi đấu của bóng đá Việt Nam, giải bóng đá VĐQG do LĐBĐ Việt Nam tổ chức từ năm 1980, tính đến năm 2013 đã trải qua 30 mùa giải (năm 1988 không tổ chức thi đấu giải VĐQG, còn năm 1999 chỉ có giải Tập huấn mùa Xuân và không được tính là giải VĐQG).

Tuy nhiên, giải VĐQG đã liên tục có những sự thay đổi từ tên gọi cho đến số lượng các đội tham dự, cũng như thể thức thi đấu… Trong thập niên 80 của thế kỷ trước, giải bóng đá VĐQG mang tên là giải bóng đá A1 toàn quốc.

Tiếp đó, giải được đổi tên thành giải đội mạnh toàn quốc kể từ năm 1990 và mang tên là giải hạng Nhất quốc gia trong giai đoạn 1996 - 2000. Từ mùa giải 2000-2001 đến 2011, bóng đá Việt Nam chuyển sang cơ chế chuyên nghiệp, giải VĐQG chính thức mang tên V-League với sự tham dự của các cầu thủ nước ngoài.

Với sự ra đời của Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF), từ năm 2012, giải được đổi tên thành giải bóng đá Ngoại hạng (Super League). Tuy nhiên, đến mùa giải 2013, giải lấy lại tên là giải VĐQG Việt Nam (V-League).

Như vậy cho đến thời điểm này, giải VĐQG đã có tổng cộng 6 lần đổi tên, trung bình cứ 5 mùa giải lại đổi tên một lần. Không chỉ có vậy, giải VĐQG cũng đã 3 lần thay đổi về mặt thể thức thi đấu. Trong giai đoạn 1980-1995: Các đội bóng tham dự giải VĐQG được chia vào các bảng theo khu vực địa lý.

Trong mỗi bảng các đội thi đấu vòng tròn 2 lượt tính điểm. Các đội nằm ở tốp đầu mỗi bảng sẽ tranh tài ở VCK để tranh chức vô địch, còn các đội nằm ở tốp cuối mỗi bảng sẽ thi đấu VCK ngược để chọn ra các đội xuống hạng.

Tại giải VĐQG năm 1996, 12 đội tham dự thi đấu vòng tròn 2 lượt. Sau khi kết thúc 2 lượt này, 6 đội đầu bảng thi đấu vòng tròn một lượt để chọn đội vô địch, 6 đội cuối bảng cũng thi đấu vòng tròn một lượt để chọn 2 đội xuống hạng Từ năm 1997 đến 2013 (trừ giải Tập huấn mùa Xuân năm 1999), các đội thi đấu vòng tròn 2 lượt tính điểm. Đội giành được nhiều điểm nhất sẽ giành chức vô địch.

Còn các đội đứng cuối bảng (1 hoặc 2 đội tùy năm) sẽ phải xuống hạng. Biến động lớn nhất chính là số lượng các đội tham dự giải VĐQG. Trước khi bóng đá Việt Nam chuyển sang cơ chế chuyên nghiệp, con số này thay đổi gần như mỗi năm: Lúc thì 16,17, khi thì 18, 19, 20 đội, thậm chí có thời điểm còn tăng lên đến 27 đội (vào năm 1987) và 32 đội (vào năm 1989).

Kể cả khi V-League ra đời, con số này được co lại nhưng cũng không ổn định. Trong 2 mùa giải chuyên nghiệp đầu tiên (2000-2001 và 2001-2002), số lượng các đội bóng tham dự V-League đều là 10 đội. Bước sang mùa giải 2003, số lượng các đội bóng tranh tài ở sân chơi V-League tăng thành 12 đội.

Con số này giữ nguyên đến mùa giải 2005 trước khi tăng lên thành 13 đội ở mùa giải 2006 (lẽ ra đã là 14 đội nếu như CLB NHĐA không mất quyền tham dự do dính vào vụ hối lộ trọng tài ở giải hạng Nhất 2005). Một năm sau, lần đầu tiên trong lịch sử V-League chứng kiến cuộc tranh tài của 14 đội bóng ở giải đấu hạng cao nhất của bóng đá Việt Nam.

Con số này được giữ nguyên trong vòng 6 năm, trước khi giảm xuống còn 12 đội ở V-League 2013 sau khi hàng loạt đội bóng bị giải thể hoặc chuyển giao. Theo dự kiến ban đầu, số lượng các đội bóng tham dự V-League 2014 sẽ quay trở lại con số 14.

Thế nhưng do CLB K.Kiên Giang không đủ kinh phí để đăng ký tham dự giải nên con số này sẽ chỉ còn lại là 13.

Thành Quang (tổng hợp)


Hoàng Huy
Thể thao & Văn hóa cuối tuần

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN