TTVH Online

'Quận nghệ thuật': Từ câu chuyện dở dang ở Đà Nẵng

29/11/2013 09:58 GMT+7

Từ 5-6 năm trước thành phố Đà Nẵng đã có ý tưởng hình thành trung tâm nghệ thuật đương đại kiểu như “quận nghệ thuật” tại khu vực từng là làng pháo, làng nước mắm Nam Ô (Hòa Khánh), nhưng kết quả bất thành.

(Thethaovanhoa.vn) - Vào Google gõ cụm từ art zone (khu nghệ thuật) thì xuất hiện khoảng 334.000.000 kết quả, nó cho thấy đây là khái niệm đã quá phổ biến. Trong tiếng Việt, ngay cụm từ có vẻ ít gặp là “quận nghệ thuật” cũng có khoảng 13.300.000 kết quả. Rõ ràng mô hình này đang thu hút sự quan tâm trên khắp thế giới. Song hành là những câu hỏi như: Quận nghệ thuật có phải là phát triển tất yếu của đô thị hậu công nghiệp? Nó có lợi hay có hại? Phải ứng xử với quận nghệ thuật như thế nào?

Từ một tai nạn rất đáng tiếc của Zone 9, TT&VH Cuối tuần mở rộng góc nhìn để bao quát hơn về art zone nói chung.

Từ câu chuyện dở dang ở Đà Nẵng

Trong một bài trò chuyện trước đây, nhà phê bình mỹ thuật Nguyên Hưng cho biết từ 5-6 năm trước thành phố Đà Nẵng đã có ý tưởng hình thành trung tâm nghệ thuật đương đại kiểu như “quận nghệ thuật” tại khu vực từng là làng pháo, làng nước mắm Nam Ô (Hòa Khánh), nhưng kết quả bất thành.

Sự dở dang này cho thấy không phải thành phố nào cũng có thể hình thành được “quận nghệ thuật”, nếu thiếu một vài yếu tố cơ bản.



Zone 9 vừa tổ chức hòa nhạc tưởng niệm các nạn nhân tại Viện Goethe, Hà Nội. Ảnh: Hoàng Anh Vũ

Phải đủ lượng nghệ sĩ

Tác giả Ngô Phương Thảo từng nhận xét trên Soi: “Thông thường những người làm sáng tạo rất ít khi ngồi với nhau, đơn giản vì cái tôi của họ rất lớn, nhưng Zone 9 là khu có mật độ những người sáng tạo trẻ đông nhất Hà Nội. Họ có nhiều khó khăn phải chia sẻ cùng nhau, từ việc thương lượng với chủ đầu tư khu để xe an toàn cho khách hàng, cho đến việc “em trổ cửa quá lớn có thể ảnh hưởng đến kiến trúc của toàn khu”, “nhà em có thể nhờ đường nước của nhà anh”…”.

Nhận xét của Ngô Phương Thảo cho thấy yếu tố quan trọng tiên quyết của một quận nghệ thuật là phải có đông giới nghệ sĩ sinh hoạt ở đó. Chính vì vậy mà không phải nơi nào cũng có thể hình thành quận nghệ thuật, nếu như nơi đó không đủ lượng nghệ sĩ đương đại và chưa sản sinh nhu cầu có không gian riêng.

Về kiến trúc đô thị, Đà Nẵng có thể đã bước vào giai đoạn hậu công nghiệp, với nhiều khu tạm bỏ hoang, nhưng thành phố này có quá ít nghệ sĩ đương đại sinh sống, nên chưa thể hình thành quận nghệ thuật. Những hoạt động nghệ thuật thực thụ ở Đà Nẵng chỉ đếm trên đầu ngón tay mỗi năm, mà đa phần vẫn tư duy theo mô hình sẵn có, tính chất đương đại rất mờ nhạt.

Điều này khác với Huế, nơi có nhiều nghệ sĩ đương đại và vài mô hình đương đại hoạt động rất tốt như New Space Arts Foundation; thậm chí khác cả Hội An, nơi có một vài nghệ sĩ quốc tế sinh sống, tuy hoạt động khá khép kín, nhưng mô hình (ví dụ Ami Galerie) của họ luôn được đông đảo người nước ngoài tham dự, lưu truyền trên mạng.

Tại Mỹ, các quận nghệ thuật hay các khởi xướng về trường phái, phong trào mới, thường diễn ra tại New York, mà không phải Thủ đô Washington, một thành phố hậu công nghiệp lâu đời, cũng do phụ thuộc vào số lượng nghệ sĩ. Ngay Trung Quốc cũng thế, nhiều nghệ sĩ sẵn sàng rời Bắc Kinh lên Côn Minh xa xôi để thành lập các quận nghệ thuật mới, mà không là các thành phố hậu công nghiệp, rõ ràng hơn như Hong Kong, Thượng Hải, vì quá đắt đỏ. Và cũng vì tại Côn Minh họ có đông đồng nghiệp xuất thân từ Học viện Nghệ thuật Vân Nam, cùng với sự cấp tiến trong lĩnh vực quản lý văn hóa của chính quyền.

Cơ chế quản lý cởi mở

Với các quận nghệ thuật, cơ chế quản lý cởi mở rất quan trọng; nếu phía quản lý “bảo thủ” hoặc muốn siết chặt, các mô hình này khó mà hiện diện. Kinh nghiệm từ khu 798 (Trung Quốc) và khu Gillman Barracks (Singapore) cho thấy họ đã tận dụng những nơi này để làm thử nghiệm các bài toán về quản lý. Việc Zone 9 hoạt động xôm tụ trong thời gian qua và đang tiếp tục, có lẽ cũng sinh ra từ phép thử giống như vậy (?). Cho nên, nếu biết nhìn tai nạn ở Zone 9 hay dự án bất thành ở Đà Nẵng như một bài học kinh nghiệm thì việc quản lý sẽ linh hoạt, hiệu quả hơn.

 5-6 năm trước Đà Nẵng có thể chưa thành công với việc lập trung tâm nghệ thuật đương đại, nhưng biết đâu 10-15 năm nữa, tình thế sẽ thay đổi.

Zone 9 thuộc khu đất số 9 Trần Thánh Tông, Hà Nội, tổng diện tích khoảng 11.156m2. Theo báo Tri thức: “Giá thuê tại Zone 9 lại tăng mạnh ngay sau thời điểm xảy ra vụ cháy khiến 6 người chết tại “hợp tác xã” nổi tiếng Hà thành này. Trung bình, mỗi mét vuông tại Zone 9 được chuyển nhượng lại cao gấp rưỡi đến gấp 4 lần so với một mặt bằng tương tự tại đường Nguyễn Huy Tự”.

Văn Bảy
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần



Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN