TTVH Online

Mỹ không chấp nhận Vùng Xác định Phòng Không trên Biển Hoa Đông của Trung Quốc

26/11/2013 11:02 GMT+7

Máy bay của Mỹ sẽ đi qua vùng trời Vùng Xác định Phòng Không mà không thực hiện đăng ký kế hoạch bay cũng như nhận dạng theo các yêu cầu Trung Quốc đưa ra.


Ngày 25/11, Mỹ đã chỉ trích mạnh mẽ tuyên bố của Trung Quốc thiết lập Vùng Xác định Phòng Không (ADIZ) ở phần lớn Biển Hoa Đông, bao trùm cả quần đảo tranh chấp mà Nhật Bản gọi là Senkakus và Trung Quốc gọi là Điếu Ngư, coi đó là động thái gây căng thẳng không cần thiết với Tokyo.

Phát biểu với các phóng viên trên chuyên cơ Không lực Một, Phó Phát ngôn viên Nhà Trắng Josh Earnest khẳng định cần giải quyết các tranh chấp tồn tại ở khu vực bằng con đường ngoại giao. Ông Earnest nhấn mạnh trong trường hợp này, chắc chắn có nhiều điểm tương đồng để đưa đến một giải pháp không làm leo thang những tuyên bố kích động của tất cả các bên.

Quan chức này cũng khẳng định Washington không chấp nhận tuyên bố trên của Bắc Kinh, cho biết máy bay của Mỹ sẽ đi qua vùng trời này mà không thực hiện đăng ký kế hoạch bay cũng như nhận dạng theo các yêu cầu Trung Quốc đưa ra.

Các giám sát viên Nhật Bản tại vùng biển gần quần đảo tranh chấp Senkaku (Trung Quốc gọi là Điếu Ngư) trên biển Hoa Đông ngày 2/9/2012. AFP/ TTXVN

Trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel cũng đã bày tỏ "quan ngại đặc biệt" trước quyết định thiết lập ADIZ của Bắc Kinh, cho rằng động thái này sẽ làm gia tăng căng thẳng tại khu vực và ảnh hưởng đến lợi ích của Mỹ và các đồng minh. Tuyên bố của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ nhấn mạnh hiệp ước an ninh Mỹ - Nhật Bản ký kết năm 1960 có bao gồm quần đảo Senkaku.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc, cùng ngày cho biết nước này đã trao công hàm phản đối chính thức tới Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc liên quan đến phản ứng của Washington về ADIZ. Theo phát ngôn viên Tần Cương, việc Trung Quốc thiết lập ADIZ trên biển Hoa Đông phù hợp với Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế.

Hai đồng minh của Mỹ ở khu vực Đông Bắc Á là Nhật Bản và Hàn Quốc - cũng là những nước có tranh chấp trực tiếp với Trung Quốc - đều đã lên tiếng phản đối động thái này của Bắc Kinh. Phát biểu trong phiên họp của một Ủy ban Hạ viện cùng ngày, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cho biết ông "rất lo ngại hành động của Trung Quốc có thể nhằm đơn phương "thay đổi hiện trạng ở biển Hoa Đông và làm leo thang tình hình", đồng thời nhấn mạnh Nhật Bản "quyết tâm bảo vệ hải phận và không phận của đất nước".

Hàn Quốc cũng phản ứng mạnh về ADIZ của Trung Quốc, theo hãng thông tấn Yonhap, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc ngày 25/11 đã triệu tùy viên quân sự Đại sứ quán Trung Quốc ở Seoul đến để phản đối. Bộ này cho biết ADIZ mà Trung Quốc vừa lập chồng lấn lên ADIZ ở phía Tây đảo Jeju của Hàn Quốc khoảng diện tích 230 km2.

Ngày 23/11, Trung Quốc tuyên bố lập ADIZ quy định tất cả các máy bay qua lại khu vực này phải báo trước kế hoạch bay, hồi đáp "ngay lập tức và với thái độ đúng mực" qua sóng radio khi nhận được các yêu cầu nhận dạng từ nhà chức trách Trung Quốc, giữ liên lạc trong suốt quá trình bay và máy bay phải gắn logo cũng như cờ hiệu rõ ràng. Theo đó, Trung Quốc sẽ đưa ra các biện pháp quân sự khẩn cấp nếu các máy bay qua khu vực nói trên không thông báo nhận dạng hoặc không tuân thủ yêu cầu của nhà chức trách Trung Quốc.

TTXVN

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN