TTVH Online

Chờ giải mã huyền thoại 'Bãi cọc Bạch Đằng'

25/11/2013 09:09 GMT+7

Tiến hành vào tháng 11, kết quả sơ bộ của đợt khai quật bãi cọc Yên Giang (tỉnh Quảng Ninh) dự kiến sẽ được công bố vào cuối năm 2013.


(Thethaovanhoa.vn) - Tiến hành vào tháng 11, kết quả sơ bộ của đợt khai quật bãi cọc Yên Giang (tỉnh Quảng Ninh) dự kiến sẽ được công bố vào cuối năm 2013. Kỳ vọng lớn nhất của dợt khai quật này là việc làm sáng tỏ thêm những thông tin về trận địa cọc Bạch Đằng nổi tiếng trong lịch sử.

Đợt khai quật khảo sát được tiến hành trên diện tích 200m2, do Viện khảo cổ học VN phối hợp với Ban quản lý các di tích trọng điểm tỉnh Quảng Ninh thực hiện. Công việc này được coi là bước chuẩn bị cơ bản cho kế hoạch bảo tồn và phát huy giá trị của khu Di tích Lịch sử chiến thắng Bạch Đằng (đã được Thủ tướng phê duyệt quy hoạch tổng thể vào đầu năm 2013).

Được phát hiện vào năm 1953, bãi cọc Yên Giang nằm tại cửa sông Bạch Đằng, thị xã Quảng Yên (Quảng Ninh) với kết cấu gồm hơn 300 cọc gỗ lim, sến, táu cắm thẳng đứng.  Có đường kính từ 13 - 35 cm, số cọc này được đóng sâu vào lòng sông từ 3m đến 5 m và cách nhau khá đều (khoảng 1 mét). Đây là bãi cọc được nghiên cứu nhiều nhất trong 25 năm trở lại đây, so với 2 bãi cọc khác được tìm thấy cách đó vài km, thuộc các cánh đồng Vạn Muối và Má Ngựa.

Khu di tích Bãi cọc Bạch Đằng (tỉnh Quảng Ninh)
Nhận định của giới nghiên cứu đến thời điểm hiện tại đều khá thống nhất: cách bố trí hệ thống cọc với quy mô và kích thước như vậy khác biệt hẳn so cách cắm cọc để kè bờ lấn biển trong lịch sử canh tác. Và, dựa trên các so sánh, đối chiếu về địa lý và lịch sử, bãi cọc trên được cho là một phần của hệ thống trận địa cọc được Trần Hưng Đạo bố trí trong trận thủy chiến tiêu diệt 4 vạn quân Nguyên năm 1288.

"Cái chúng ta còn thiếu là việc tìm được những hiện vật khác như mảnh vũ khí, vết thuyền bè cháy... để có thể bổ sung cho hệ thống trưng bày về trận thủy chiến này" - Tiến sĩ Nguyễn Đình Chiến (Bảo tàng lịch sử VN, chuyên gia về khảo cổ nước), cho biết.    

"Thực tế cho thấy bãi cọc Bạch Đằng có thể rất rộng. Phía khai quật sẽ cần vượt qua trở ngại về biến đổi địa hình, địa mạo trong suốt gần 800 năm tại đây để xác định được quy mô phân bố của bãi cọc cũng như các điểm trung tâm và hệ giá trị văn hóa đi kèm", PGS Tống Trung Tín - Viện trưởng Viện KCH - cho biết, "Khi đó, phía bảo tồn mới có thể tính toán đến việc quy hoạch xây dựng và đưa ra ý tưởng về một khu vực trung tâm để phát huy giá trị của Di tích."

Khu di tích chiến thắng Bạch Đằng được công nhận là Di tích Lịch sử Quốc gia đặc biệt vào 9/2012.

Sơn Tùng
Thể thao & Văn hóa
Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN