TTVH Online

Phim Việt đang ở thời kỳ 'làm tiền'

15/11/2013 08:00 GMT+7

NSND - đạo diễn gạo cội Đặng Nhật Minh vừa có buổi giao lưu về “Lịch sử và phát triển phim ảnh tại Việt Nam” ở ĐH Hoa Sen (TP. HCM). Lật giở lại nhiều vấn đề, trong đó có chuyện phân kỳ nền điện ảnh Việt Nam.

(Thethaovanhoa.vn) - NSND - đạo diễn gạo cội Đặng Nhật Minh vừa có buổi giao lưu về “Lịch sử và phát triển phim ảnh tại Việt Nam” ở ĐH Hoa Sen (TP. HCM). Lật giở lại nhiều vấn đề, trong đó có chuyện phân kỳ nền điện ảnh Việt Nam, xuyên qua 3 thế kỷ.

1. “Người ta vẫn còn tranh luận về việc phân kỳ điện ảnh Việt Nam thế nào cho đúng, tôi thì nghĩ rằng chỉ có hai thời kỳ rõ rệt: thời làm phim không vì tiền (nhà nước đầu tư) và thời làm vì tiền (làm phải thu hồi vốn, kiếm lợi nhuận) hiện nay vì tiền là mạch chủ đạo. Tôi thì không nghĩ thời nào tốt hơn thời nào, bởi cách nào cũng có cái hay cái dở của nó”, Đặng Nhật Minh bắt đầu câu chuyện. Ông cũng nói thêm, từ lâu nhà nước đã không muốn dùng điện ảnh để gây thanh thế, nên đầu tư cầm chừng, còn tư nhân thì xem điện ảnh là thị trường, nên tìm mọi cách để sản xuất và kiếm lợi nhuận.


NSND - đạo diễn Đặng Nhật Minh.

Mà vì tiền không phải là chuyện của riêng Việt Nam, hầu như nước nào cũng vậy, đó là xu hướng chung của nền điện ảnh khi bước vào thị trường. Lý do thì rất nhiều, nhưng chung quy cũng bởi tiền đầu tư cho phim không ít, nên phía sản xuất muốn thu vốn và kiếm lãi để tái tạo. Thứ hai, trong bối cảnh Hollywood đang bao trùm khắp thế giới, nơi làm ra lượng tiền khổng lồ, nhiều nơi muốn bắt chước kiếm tiền cũng là điều bình thường. Hơn nữa, phim điện ảnh Việt vẫn phân khúc ra nhiều dòng phim khác nhau, mà vị nghệ thuật hoặc vị điện ảnh cũng không thiếu vắng.

“Một tác phẩm nếu làm cho người xem xúc động thì đó là nghệ thuật, không xúc động thì không phải. Cho nên làm không vì tiền hay vì tiền không quan trọng bằng chủ đích làm nó thế nào, chất lượng và khả năng chia sẻ ra sao. Nếu một phim kém chất lượng và thiếu khả năng chia sẻ cảm xúc, thì có vì tiền hay không vì tiền cũng như nhau”, Đặng Nhật Minh kết luận.

2. “Từ nhỏ tôi chẳng yêu thích gì cái nghề điện ảnh, nên đến với nó khá đặc biệt, gần như do sự chỉ đạo của tổ chức nhà trường. Ban đầu trường chỉ đạo tôi học tiếng Nga để làm thông dịch viên, sau đó thì phân công dịch lời thoại phim Liên Xô cho bộ phận thuyết minh. Đến khi có ý thích muốn học làm phim, xin phép thì cơ quan chủ quản không cho, nên tôi đành tự học qua sách báo, tài liệu tiếng Nga. Chỉ khi làm xong phim Bao giờ cho đến tháng Mười thì mới được phép qua Pháp tu nghiệp điện ảnh một năm, còn lại tự mày mò tất cả” - Đặng Nhật Minh kể.

Đặng Nhật Minh chia sẻ thêm rằng, ông sống và làm việc qua hai thời kỳ làm phim như đã nói, nhưng chưa bao giờ nhận tiền của một hãng tư nhân để làm, nên chưa biết cách làm phim vì tiền. Ông nói thêm: “Mà làm phim với tiền của nhà nước thì không cần bàn đến lỗ lãi, đã duyệt đã chi là đã xong. Nếu lãi thì nhà nước cũng không chia cho mình thêm đồng nào, mà lỗ thì nhà nước cũng không bắt đền, ghép tội”.

VĂN BẢY
Thể thao & Văn hóa

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN