TTVH Online

Kịch 'Chị Dậu' của Nam bộ

09/11/2013 08:39 GMT+7

Vở 'Chị Dậu' (KB: Mai Thịnh, ĐD: Tuyết Mai), chuyển thể từ tiểu thuyết Tắt đèn của Ngô Tất Tố. Xem xong vở này, khán giả có quyền hy vọng vào việc tái dựng lại các tác phẩm thuộc dòng văn học phê phán hay bi kịch.

(Thethaovanhoa.vn) - Như TT&VH đã đưa tin, Kịch Bệt vừa đổi địa chỉ từ quán cà phê ở 57A Tú Xương sang 224A Điện Biên Phủ (đều thuộc Q.3, TP.HCM) và tái khai trương bằng vở mới Chị Dậu (KB: Mai Thịnh, ĐD: Tuyết Mai), chuyển thể từ tiểu thuyết Tắt đèn của Ngô Tất Tố. Xem xong vở này, khán giả có quyền hy vọng vào việc tái dựng lại các tác phẩm thuộc dòng văn học phê phán hay bi kịch với giọng điệu hài kịch, mà không sợ bị biến chất.

Vì đặc trưng của sân khấu rất nhỏ và kịch một màn, nên Tuyết Mai gần như chỉ lấy vài nét chính của Tắt đèn để viết và dựng nên Chị Dậu. Trong nguyên tác có ít nhất 10 nhân vật, vở chỉ lấy 4 nhân vật là Lương Duyên (chị Dậu), Cao Tiến (lý trưởng, thay vì Nghị Quế), Tấn Đạt (Dậu), Nhật Khánh (bé Tý) và “đẻ thêm” nhân vật hài hước là Đét (do Quốc Thịnh thủ vai) đầy quyền hành.


Cảnh trong vở Chị Dậu. Ảnh: Đại Ngô

Về nội dung cũng có nhiều cải biên, nếu trong nguyên tác kết thúc bằng câu: “Chị vùng chạy ra ngoài giữa lúc trời tối đen như mực, đen như cái tiền đồ của chị vậy”, để lại một gia đình đau khổ, đói nghèo và cơ chế bất công còn hiện diện rộng khắp. Thì trong kịch, Tuyết Mai cho cả gia đình chị Dậu trốn đi, riêng lý trưởng và Đét bị chết cháy do chính việc phóng hỏa của họ.

Về tình tiết chính thì theo nguyên tác, nhưng về mặt ngôn ngữ và ứng xử, Tuyết Mai dường như dời câu chuyện vào một làng xóm nào đó ở miền Nam - một chị Dậu nói giọng Nam bộ. Việc chuyển dời này khá thành công, vì cái cảm giác tự nhiên mà vở kịch chạm đã đến, cũng như sự căng thẳng trong mâu thuẫn giai cấp, giàu nghèo… chưa thể xóa bỏ. Mâu thuẫn giai cấp trong truyện Tắt đèn thế nào thì trong kịch Chị Dậu vẫn xót xa thế ấy.

Thế nhưng điểm sáng của vở chính là yếu tố hài hước mà Quốc Thịnh và Cao Tiến mang lại. Người xem vừa cười ngả nghiêng với hai nhận vật này, vừa nhận rõ sự bất công mà gia đình chị Dậu phải gánh chịu - đây là nét tinh tế mà vở đã đạt đến. Với dung lượng chỉ khoảng 70 phút, nhưng những gì mà Tuyết Mai và nhóm nghệ sĩ trẻ này làm được đã trở thành một gợi ý lý thú về việc chuyển thể và tái sáng tạo các tác phẩm đã thuộc hàng kiệt tác của nền văn học Việt Nam.

Suất kế tiếp của Chị Dậu sẽ diễn ra lúc 20h30 ngày 14/11, vì giới hạn ghế ngồi (chỉ khoảng 80 ghế), với chất lượng vở như thế này, chắc chắn khán giả sẽ phải liên hệ trước mới có được chỗ ngồi.

VĂN BẢY
Thể thao & Văn hóa

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN