TTVH Online

Bánh xe ngựa đoạt mạng vua Tutankhamun huyền thoại

04/11/2013 12:32 GMT+7

91 năm sau khi nhà khảo cổ Anh Howard Carter tìm được phần mộ còn nguyên vẹn của Pharaoh Tutakhamun, tiến sĩ Chris Naunton (35 tuổi), Chủ tịch Hội Khảo sát Ai Cập, đã đưa ra giả thuyết về cái chế của vị vua Ai Cập huyền thoại này.


(Thethaovanhoa.vn) - 91 năm sau khi nhà khảo cổ Anh Howard Carter tìm được phần mộ còn nguyên vẹn của Pharaoh Tutakhamun, tiến sĩ Chris Naunton (35 tuổi), Chủ tịch Hội Khảo sát Ai Cập, đã đưa ra giả thuyết rằng vị vua Ai Cập huyền thoại này chết do bị bánh chiếc xe ngựa phi với tốc độ nhanh chèn lên người.

Tiến sĩ Naunton đã đưa ra giả thuyết trên sau khi ông đọc các ghi chép của nhà khảo cổ Anh Carter. Những ghi chép của Carter chưa bao giờ được xuất bản.

Tại sao xác ướp lại tự cháy?

Cái chết sớm của Vua Tutankhamun là một trong những bí ẩn lớn nhất của thế giới cổ đại và hiện vẫn gây đau đầu giới chuyên gia. Người ta đã đưa ra vô số giả thuyết về cái chết của ông, nào là bị giết, bị sốt rét, mắc bệnh phong, chết do rắn cắn hay thậm chí chết vì... ngực bự. Và giờ đây, với giả thuyết mới của tiến sĩ Naunton, phải chăng nguyên nhân cái chết của ông cuối cùng đã được giải mã sau 3.336 năm.

Tiến sĩ Naunton đã sử dụng công nghệ mới nhất để tái tạo cái chết của Pharaoh Tutakhamun, từ việc chụp cắt lớp xác ướp, tái tạo kỹ thuật số cuộc va chạm xe ngựa và nghiên cứu vải bọc xác ướp. Tất cả những thao tác ấy đều được ghi lại trong bộ phim tài liệu Tutankhamun: The Mystery Of The Burnt Mummy (tạm dịch: Tutakhamun: Bí ẩn về xác ướp bị cháy), sẽ được phát trên Kênh 4 vào ngày 10/11.

Tiến sĩ Chris Naunton, Chủ tịch Hội Khảo sát Ai Cập, người đưa ra giả thuyết mới về cái chết của Vua Tutankhamun.

Naunton làm bộ phim này nhằm đưa ra câu trả lời cho những câu hỏi lớn về Vua Tutankhamun: Ông chết như thế nào? Tại sao thi hài của vị Pharaoh này lại được chôn một cách vội vã và mắc nhiều sai sót, trong khi Ai Cập vốn nổi tiếng là cầu kỳ trong chuyện mai táng? Tại sao xác ướp của ông lại bị cháy? Và tại sao ngôi mộ của ông vẫn còn nguyên vẹn, trong khi các ngôi mộ khác ở Thung lũng các vị vua đã bị bọn trộm đột nhập?

Qua nghiên cứu, các chuyên gia phát hiện được rằng, sau khi qua đời vào năm 1323 trước Công nguyên ở tuổi 19, Vua Tutankhamun đã nhanh chóng được ướp xác và chôn. Tuy nhiên, xác ướp của ông đã cháy thành than.

“Giờ đây, chúng tôi tin rằng, Tutankhamun đã chết khi đang hăng say chiến đấu với đội quân nổi dậy Hittite. Ông bị chiếc xe ngựa đang phi rất nhanh chèn lên người và bị thương rất nặng. Đó chính là nguyên nhân cái chết của ông” – tiến sĩ Naunton cho biết.

Cơ thể ông đẫm máu và bị nghiền nát. Thực tế này khiến những người làm công việc ướp xác hết sức lóng ngóng, bởi họ chỉ chuyên xử lý các xác chết chứ không phải những xác người bị nát. Khó khăn ấy đã khiến họ ướp xác hỏng và nó đã tự phát cháy trong quan tài.

Xác ướp Vua Tutankhamun

Còn nhiều bí ẩn chưa được làm sáng tỏ

Năm 1968, một nhiếp ảnh gia ở trường Đại học Liverpool đã chụp 50 bức ảnh xác ướp của Tutankhamun bằng X quang. Qua đó, người này phát hiện ra rằng hộp sọ của ông bị nứt và khiến giả thuyết ông bị giết hại xuất hiện.

Tuy nhiên, giờ đây các chuyên gia tin rằng vết nứt trên hộp sọ là do tai nạn trong quá trình ướp xác, còn nguyên nhân cái chết của ông là từ ngực. Nghiên cứu xác ướp của ông, các chuyên gia nhận thấy không chỉ xương sườn bên trái của ông bị gãy, mà nó còn thiếu xương ức và tim.

Tiến sĩ Naunton đã đề nghị các chuyên gia pháp y tiến hành nghiên cứu thêm về hướng tai nạn. Sau nhiều năm nghiên cứu, họ đưa ra kết luận: các vết thương của Vua Tutankhamun do một bánh xe nặng chèn qua gây nên và kiểu bánh xe này được dùng trong các xe ngựa.

Naunton không biết công chúng sẽ phản ứng với phát hiện của mình ra sao, song anh tin vào nghiên cứu của mình và đồng nghiệp. Họ còn phân tích mẫu bùn lấy từ Thung lũng các vị vua và nhận thấy còn rất nhiều bí mật chưa được làm sáng tỏ.

Tutankhamun (khoảng 1341-1323 trước Công nguyên) là vị vua thuộc vương triều thứ 18 của Ai Cập cổ đại (ông cai trị vương triều từ năm 1341 đến năm 1323 trước Công nguyên). Trong suốt lịch sử Ai Cập cổ đại, vương triều 18 được biết đến như là một "vương triều mới". Tên thật của ông là Tutankhaten, có nghĩa là “Bức tranh sống của Aten”, nhưng sau 2 năm lên ngôi, ông đổi thành Tutankhamun, có nghĩa là “Bức tranh sống của Amun”.


VIỆT LÂM (tổng hợp)
Thể thao & Văn hóa
Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN