TTVH Online

Giải nhất cuộc thi Tài năng 2013: Giấc mơ về một 'phố Khao San' của Việt Nam!

02/11/2013 09:00 GMT+7

Vượt qua 38 bài dự thi khác, đồ án thiết kế Khu Vinh Bùi Viện của nhóm tác giả Nguyễn Phước Vinh, Hoàng Hữu Gia Hân, Phan Thị Khánh An đã giành giải thưởng duy nhất của Cuộc thi Tài năng 2013.

(Thethaovanhoa.vn) - Vượt qua 38 bài dự thi khác, đồ án thiết kế Khu Vinh Bùi Viện của nhóm tác giả Nguyễn Phước Vinh, Hoàng Hữu Gia Hân, Phan Thị Khánh An đã giành giải thưởng duy nhất của cuộc thi Tài năng 2013 bằng một ý tưởng có vẻ như... khá giản dị: Cải tạo và tận dụng phần không gian đang bị bỏ phí tại con phố Bùi Viện (TP.HCM).

Cùng với những con phố bên cạnh, Bùi Viện bây giờ vẫn được người dân TP.HCM gọi bằng khái niệm "khu phố Tây" vì thu hút khách du lịch bụi đến từ các nước.  Vậy nhưng, với những gì đang diễn ra, hẳn còn phải khá lâu nữa để "khu phố Tây" ấy đạt tới tầm của Khao San (Bangkok, Thái Lan) - con phố dành cho dân du lịch bụi nổi tiếng nhất Đông Nam Á và trở thành điểm đến đầu tiên tại thành phố này.

Nguyễn Phước Vinh, trưởng nhóm thiết kế đồ án, chia sẻ với TT&VH về ý tưởng biến Bùi Viện thành "Khao San của Việt Nam".

Tại sao lại Bùi Viện?

* Tại sao đồ án của các bạn lại chọn phố Bùi Viện, chứ không phải một không gian khác?

- Chúng tôi cũng từng nghĩ tới việc thiết kế lại phần không gian ở quanh dinh Thống Nhất cho bài thi này. Nhưng, nâng lên đặt xuống, cả 3 người đều chọn "khu phố Tây". Mấy năm nay, TP.HCM cũng đang lên phương án chỉnh trang lại khu vực này và công bố một số quy hoạch ban đầu. Một đồ án có sự kết nối song hành với bản quy hoạch chung ấy, và phát huy thêm những giá trị tiềm ẩn của nó sẽ khiến chúng tôi hào hứng hơn.

Cũng xin nói thêm một chút, Bùi Viện, Đỗ Quang Đẩu và Phạm Ngũ Lão là 3 trục chính của "khu phố Tây". Bạn có thể hình dung tới một chữ U, mà Bùi Viện chính là đường đáy nối với 2 nét còn lại. Bây giờ, đó vẫn là một con đường hai chiều, nhưng hoàn toàn có thể chuyển thành phố đi bộ mà không ảnh hưởng nhiều tới hình hình giao thông thực tế.

Đại sứ Đan Mạch John Nielsen (phải) và Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phan Thị Mỹ Linh (trái) trao giải cho nhóm tác giả Phước Vinh - Gia Hân

* Trước đó, nhóm KTS các bạn đã bao giờ nghĩ tới việc biến Bùi Viện trở thành phố đi bộ chưa?

-  Có lẽ là chưa (cười). Thú thật, tôi biết về cuộc thi Tài năng 2013 cũng là qua Gia Hân.Vì đã đi làm, tôi được ưu tiên để tập trung tìm kiếm ý tưởng và tổ chức đồ án, trong khi Hân và An khá vất vả đi nghiên cứu thực địa để lấy số liệu.

Nhìn chung, Bùi Viện hợp với mô hình phố đi bộ bởi những đặc điểm riêng về văn hóa và lịch sử của nó. Trước 1975, đây chủ yếu là nơi ở của quân nhân chế độ cũ. Rồi biến chuyển thời gian, mọi sự xoay vần khiến Bùi Viện trở thành khu phố của khách du lịch quốc tế bình dân. Sức hút độc đáo của khu vực này là sự đan xen văn hóa, mức giá chấp nhận được về khách sạn, đồ ăn, điểm vui chơi, và cuối cùng là tâm lý thoải mái, bình dân bao trùm. Nói cách khác thì Bùi Viện là một phần lịch sử thu nhỏ của TP.HCM.

* Điểm nhấn của nhóm là…

 

Hàng năm, Đại sứ quán Đan Mạch đều trao tặng một giải thưởng Tài năng. Giải thưởng Tài năng năm nay với chủ đề Giải pháp kiến trúc tạo dựng không gian đô thị, do Quỹ Phát triển & Trao đổi Văn hóa Đan Mạch - Việt Nam tổ chức, Báo Thể thao & Văn hóa (TTXVN) và Ashui.com bảo trợ thông tin.

- Đó là việc tạo thêm 2 tầng "đường đi bộ" nữa, nằm lệch về một bên phố. Đó là những mặt phẳng có bề rộng khoảng 2 mét, làm bằng bê tông nhẹ, kết cấu đơn giản với những trụ đỡ và cầu thang lên xuống. 2 tầng đường ấy vừa có chức năng lưu thông, vừa kết hợp làm mái che cho tầng đường ở dưới.

Khi 2 tầng đường đi bộ này được xây và áp sát một bên phố, mặt tiền tầng 2, tầng 3 của những ngôi nhà cạnh đường sẽ tiếp tục được khai thác thành cửa hàng, quán cà phê, hoặc những mục đích khác nhau. Ở góc đường, nơi có một số nhà cao tầng sẽ phải chỉnh lại theo quy hoạch của thành phố, không gian trên sân thượng của các tòa nhà có cùng độ cao cần được kết nối lại cùng nhau để tạo thành một mặt phẳng lớn, hoặc tiếp tục có những cầu thang nối lên những vùng sân thượng cao hơn. Ngoài ra, hệ thống dây leo sẽ được phủ lên, có thể là loại leo thiên lý xanh quanh năm và chỉ nở hoa vào mùa Hè..

Không gian trống: Sẽ tới lúc phải nhìn lại!   

* Nếu được triển khai trên thực tế, đồ án này sẽ mang lại cho phố Bùi Viện những gì?

- Trước tiên là hiệu quả sử dụng diện tích các công trình mặt tiền quanh phố. Với cách đó, mức giá bình dân - một trong những điểm thu hút khách du lịch quốc tế - vẫn có thể được giữ nguyên, nhưng sự đa dạng thì tăng hơn nhiều. Phố đi bộ Bùi Viện trở thành điểm nhấn của cả khu phố Tây này với những không gian chuyên biệt hơn, thậm chí có thể tồn tại cả những khoảng không gian tĩnh của một quán cà phê ngay giữa dòng người đi lại nhộn nhịp.

Rồi những khoảng không gian lớn trên tầng thượng có thể được tận dụng trở thành những điểm biểu diễn ngoài trời. Như vậy, một khu phố giàu lịch sử và đã hình thành một cộng đồng, một văn hóa riêng như Bùi Viện sẽ không phải thay đổi quá nhiều mà có thêm sức nặng về sự tương tác, tự động kết nối các khách quốc tế có mặt tại đây mà không cần tới sự giao tiếp về ngôn ngữ.  

KTS Nguyễn Phước Vinh

* Việc đánh giá cao những ý tưởng kiến trúc và triển khai trên thực tế luôn có một khoảng cách rộng, nhất là tại VN. Các bạn đã chuẩn bị tâm lý cho điều ấy chưa, hay vẫn... nóng ruột chờ tới ngày hiện thực hóa đồ án này?

- Chúng tôi hiểu, nhưng cũng có những lý do nhất định để hy vọng. Làm nghề KTS một thời gian, tôi nhận thấy nhiều thiết kế nhà ở của chúng ta luôn rơi vào tình trạng vừa thiếu vừa thừa. Thừa bởi những không gian nội thất quá lớn, lớn tới mức không cần, trong khi phần không gian trống bên ngoài lại thật sự thiếu, theo đúng nghĩa của nó.

Nhưng theo như tôi được biết, hầu hết thành phố đang phát triển trên thế giới cũng đều trải qua giai đoạn ấy. Nghĩa là, khi bắt đầu có mức sống tương đối tốt, người ta thường có xu hướng thích phô trương, hoành tráng. Rồi theo thời gian, khi được trải nghiệm, dần dần người ta cũng sẽ tới lúc ý thức được sự thiếu vắng của những khoảng không gian trống, cũng như nhu cầu "co" bớt lại những khoảng không gian quá lớn trong nhà. Chúng ta cũng sẽ vậy thôi.

* Vậy, trong lúc chờ tới bước phát triển ấy, chúng ta có thể tận dụng những khoảng không gian trống hiện có bằng cách nào cho hiệu quả?

- Tôi sẽ lấy TP.HCM làm ví dụ. Không gian công cộng tại đây bị lãng phí thế nào, mọi người đã nói nhiều. Nhưng bản thân những khoảng không gian được đưa vào sử dụng cũng chưa hiệu quả vì thiếu vắng các hoạt động - phần "hồn" của không gian trống. Chẳng hạn, 2 bờ kênh Thị Nghè từ khi được quy hoạch lại đã sạch sẽ, hiện đại hơn nhưng vẫn rất khô cứng và buồn tẻ. Hoặc ngay tại khu Phú Mỹ Hưng, không gian trống ở đây được thiết kế khá văn minh, nhưng lại luôn vắng lặng bởi các gia đình quanh đó thường sống khép kín trong nhà. Tổ chức hoạt động, tạo sự tương tác giữa các tầng lớp xã hội khác nhau, là một cách để đánh thức những vùng không gian ấy.

* Cuối cùng, một chút thông tin về nhóm tác giả của Khu Vinh Bùi Viện?

- Tôi 25 tuổi, lớn nhất nhóm và hiện đang là một KTS tự do. Gia Hân hiện vẫn đang là sinh viên kiến trúc, còn Khánh An thì đã sang Mỹ du học. Khi chúng tôi báo tin, An rất vui. Nếu có thể, chúng tôi sẽ nhờ Đại sứ quán Đan Mạch tạo điều kiện cấp visa để An có thể bay thẳng sang Đan Mạch cùng các bạn vào đầu năm 2014 tới.

* Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện này!

“Cái hay của đồ án Khu Vinh Bùi Viện là việc biết khai thác không gian trống về chiều cao, đặc biệt là tại một địa điểm mà khách quốc tế lui tới nhiều. Cách thiết kế như vậy sẽ giúp con phố này bớt đi sự chật chội và tạo thêm được nhiều khoảng không gian đa dạng khác.

Ngoài ra, một ưu điểm khác của nhóm tác giả là việc giải quyết bài toán về kinh tế và thuyết phục cộng đồng - điều luôn gây khó khăn trên thực tế. Trong trường hợp này, chắc chắn các hộ gia đình ở cạnh đường đều đồng ý với giải pháp mà tác giả đề xuất. Việc mất đi chút riêng tư của không gian tầng 2, tầng 3 sẽ được bù lại bằng khả năng tận dụng và khai thác kinh doanh tại những khu vực này” ( KTS Nguyễn Hữu Thái, thành viên Ban giám khảo).

Sơn Tùng (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN