TTVH Online

Góc Hồng Ngọc: Real Madrid thời Del Bosque đáng xem hơn Barca thời của Pep

25/10/2013 19:50 GMT+7

El Clasico, “kinh điển”, là khái niệm trong bóng đá hầu như được dành riêng cho trận đấu giữa Barcelona và Real Madrid. Chỉ thế thôi cũng đủ hình dung về sự đặc biệt của trận đấu này.

(Thethaovanhoa.vn) - El Clasico, “kinh điển”, là khái niệm trong bóng đá hầu như được dành riêng cho trận đấu giữa Barcelona và Real Madrid. Chỉ thế thôi cũng đủ hình dung về sự đặc biệt của trận đấu này. Chủ đề của Cà phê thể thao tuần này với nhà báo Hồng Ngọc, khi cuối tuần này là một El Clasico.

* Cà phê thể thao: Chào Hồng Ngọc. Anh có nghĩ rằng El Clasico là sản phẩm của truyền thông hơn là thể thao?

- Hồng Ngọc: Tôi không nghĩ vậy. El Clasico là trận đấu bóng đá thường niên lớn nhất thế giới ở cấp câu lạc bộ. Về tầm vóc, nó có lẽ chỉ kém trận chung kết Champions League, nhưng chung kết Champions League có thể là giữa hai câu lạc bộ bất kỳ, còn El Clasico luôn là giữa họ, Real và Barca. Ý nghĩa thể thao của trận đấu này không phải là ý nghĩa lớn nhất với người Madrid và Catalan. Ý nghĩa xã hội của trận đấu với họ còn lớn hơn. Cho dù với những người hâm mộ bóng đá trung lập như chúng ta, ý nghĩa đó lại không nhiều.



Ronaldo vs Messi, ai sẽ thắng ở "kinh điển" cuối tuần này?

* Anh có thể lý giải thêm về “ý nghĩa xã hội của trận đấu” theo góc nhìn của anh ?

- Nói đúng hơn là ý nghĩa xã hội, lịch sử, chính trị. Chúng ta hãy bắt đầu từ lịch sử. Catalan vốn là một công quốc trong đế quốc Tây Ban Nha. Trước khi chế độ độc tài Franco thống trị Tây Ban Nha trong bốn thập kỷ (1939-1978), nó đã là một xứ tự trị, với ngôn ngữ riêng, lá cờ riêng, quốc huy riêng. Nó là xứ tự trị lớn nhất Tây Ban Nha, và thủ phủ Barcelona của nó là thành phố lớn thứ hai ở Tây Ban Nha, chỉ sau Madrid. Đến tận bây giờ, người Catalan vẫn nuôi khát vọng độc lập, và dự kiến sẽ có cuộc trưng cầu dân ý về việc thành lập quốc gia độc lập vào năm 2014.

Tất cả các nhà độc tài đều đối xử với các xu hướng chính trị khác, dù là đa nguyên hay ly khai, đều bằng chính sách đàn áp. Thời kỳ Franco vì thế là một thời kỳ mà người Catalan cảm thấy ngột ngạt nhất. “Sân khấu” duy nhất còn lại để họ thể hiện niềm tự hào và khát vọng độc lập chính là thể thao, mà chủ yếu là bóng đá, tập trung vào FC Barcelona. Hãy để ý khẩu hiệu của Barcelona là “Không chỉ là một câu lạc bộ”, anh sẽ hiểu điều tôi nói.

Thế nhưng, ngay cả trong bóng đá họ vẫn chịu áp bức. Câu chuyện điển hình là Alfredo Di Stefano, cầu thủ vĩ đại nhất trong lịch sử Real. Barcelona đã ký hợp đồng với Di Stefano trước, nhưng sau lưng Real thời đó là Franco, đã “phù phép” cho Di Stefano trở thành người của Real, và mở ra thời kỳ Real không những thống trị Tây Ban Nha mà cả châu Âu. Di Stefano tới Real năm 1953, thì bốn trong năm mùa giải sau đó, Real vô địch Tây Ban Nha (1954-1958), và năm mùa liên tiếp vô địch châu Âu (1956-1960).

Đó là nỗi đau lớn nhất trong lịch sử Barca. Họ cũng cố gắng tranh chấp với Real ở đấu trường Liga, nhưng là một cuộc cạnh tranh không cân xứng.

* Một cuộc cạnh tranh không cân xứng thì sao có thể trở thành một cuộc đọ sức kinh điển của bóng đá thế giới?

- Anh nói đúng. Cho đến khi có một nhân vật vĩ đại ngang hàng với Di Stefano trong lịch sử tới Barca: Johan Cruyff. Những người Hà Lan đặc biệt giàu cá tính và yêu tự do, thậm chí có màu sắc cá nhân chủ nghĩa và nổi loạn, Cruyff là một điển hình. Ông tới Barca với tư cách là cầu thủ vào cuối thời kỳ Franco (1973-1978), nên cảm nhận đầy đủ sự thù nghịch giữa hai đội bóng từ phương diện xã hội, mà Barca là đội bóng bị áp bức. Barca giành được ưu thế với Real trong thời kỳ này, nhưng vẫn chưa đủ sức vươn ra chinh phục đấu trường châu Âu, cho đến khi Cruyff trở lại Barca trong vai trò huấn luyện viên (1988-1996), với kỷ lục năm lần liên tiếp vô địch Liga (1990-1994), và cả chức vô địch Cúp C1, C2 châu Âu.

Nhưng danh hiệu không phải là thứ duy nhất Cruyff để lại. Ông để lại cả một thứ triết lý bóng đá, và kiến tạo nên lò đào tạo hiện là số một thế giới La Masia, nhờ sự am hiểu sâu sắc bóng đá lẫn xứ Catalan. Đó chính là vũ khí mà Barca cạnh tranh với Real trong cuộc chiến không cân sức về tiền bạc. Cruyff là tác giả của một phát ngôn nổi tiếng: Trong tất cả những bất lợi bao giờ cũng có thuận lợi. Triết lý đó là nền tảng giúp con người vượt qua nghịch cảnh, Barca của Cruyff cũng vậy. Phát ngôn khác nổi tiếng về triết lý bóng đá: Khi chúng ta có bóng, đối phương không bao giờ ghi được bàn. Không ai để ý điều đó vì nó quá hiển nhiên, nhưng Cruyff biến nó thành nền tảng lý luận của bóng đá tấn công, dựa trên việc ưu tiên kiểm soát bóng mà chúng ta đã bị Barca mê hoặc trong nửa thập kỷ qua. Khi Barca gặt hái những vụ mùa mà Cruyff gieo trồng, họ là câu lạc bộ vĩ đại nhất thế giới về mặt thể thao, ngay cả khi không vô địch Champions League.

* Liệu có phải nhờ Cruyff giúp Barca gạt bỏ nỗi ám ảnh Real để tập trung vào phát triển?

- Không phải thế. Tôi từng đọc Cruyff trả lời phỏng vấn nửa đầu thập kỷ 90 thế này: Ở Barca, thắng trận đấu với Real quan trọng hơn danh hiệu, và thắng Liga quan trọng hơn Champions League, vì Liga là cuộc cạnh tranh với Real còn Champions League thì không. Lưu ý rằng hồi đó mỗi quốc gia chỉ được cử một đại diện dự giải đấu này, trừ khi họ có nhà đương kim vô địch. Ông chung sống với điều đó. Vì như đã nói ở trên, Cruyff biến bất lợi thành thuận lợi, chứ không phải làm bất lợi đó biến mất.

* Anh mải tập trung vào ca ngợi Cruyff rồi. Hãy nói về Real và cuộc cạnh tranh Real - Barca đi!

- Tôi không phải là fan của cả hai đội, nhưng cả hai đều giành được sự ngưỡng mộ lớn nhất của tôi trong thế giới bóng đá, đối với một câu lạc bộ bóng đá. Không ai có thể quên Real thời Vicente Del Bosque, với những Ronaldo “béo”, Zinedine Zidane, Luis Figo, Raul, Roberto Carlos. Đến giờ tôi vẫn nhớ như in cả đội hình một của họ, thứ bóng đá họ trình diễn. Thật tội nghiệp nếu bạn không tận hưởng khi xem họ chơi bóng. Tôi không chỉ nhớ các cầu thủ kể trên. Tôi nhớ và ngưỡng mộ rất nhiều cầu thủ khác của thế hệ đó và trước đó đôi chút. Fernando Redondo, Claude Makelele, Hierro đều là những chuẩn mực ở vị trí của họ. Đó không chỉ là thể thao, đó còn là nghệ thuật. Tất nhiên, họ không từ trên trời rơi xuống. Họ là sản phẩm của lịch sử, của triết lý mà Real theo đuổi.

Barca thời Pep là một đội bóng hoàn hảo hơn về tổ chức và triết lý bóng đá, nhưng tôi vẫn thích màn trình diễn của Real thời đó hơn. Nó là một sự vĩ đại tập thể trên nền tảng của sự vĩ đại cá nhân. Nó lung linh và có sự mong manh của vẻ đẹp hơn Barca của Pep.

*Chúng ta cùng đón chờ trận cầu không thể bỏ qua vào cuối tuần này nhé. Chắc chắn có nhiều chuyện để nói ở chầu cà phê tuần tới.


Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN