TTVH Online

Van Gogh chọn hay từ chối London?

21/09/2013 13:29 GMT+7

How I Love London là cuốn sách vừa phát hành, kể về quãng thời gian danh họa Hà Lan Vincent Van Gogh sống ở London, từ 1873 -1875.

(Thethaovanhoa.vn) -How I Love London là cuốn sách vừa phát hành, kể về quãng thời gian danh họa Hà Lan Vincent Van Gogh sống ở London, từ 1873 -1875. Cuốn sách cho thấy ông đã yêu thành phố này như thế nào và nó đã ảnh hưởng tới nghệ thuật của ông ra sao .

Mới đây 2 sử gia nghệ thuật Hà Lan là Kristine Groenhart và Willem Jan Verlinden đã tới Austin Friars, một tu viện Hà Lan cũ ở một góc yên tĩnh phía Đông London, từng được Van Gogh mô tả trong tranh. Họ tới đây để nói về cuốn sách mới của mình, mang tựa đề How I Love London. Qua đây, chúng ta hiểu được thành phố London đã đóng vai trò quan trọng như thế nào trong sự nghiệp của Van Gogh.

Bức họa mô tả ngôi nhà số 87, đường Hackford của Van Gogh

Ở Paris nhớ London

Van Gogh tới London vào tháng 5/1873 với vai trò là một nhà buôn nghệ thuật quốc tế cho Goupil & Cie ở Covent Garden. Lúc đó, ông mới 20 tuổi và chưa quyết định trở thành một nghệ sĩ. Ông đã vẽ một số bản phác thảo tranh ở đây, song không nhiều bằng thời gian ông dành cho việc đọc sách và đi thưởng ngoạn.

Trong một bức thư, ông bộc bạch, ở Anh ông không còn thú vẽ tranh. Trong 3 năm, ông liên tục tới London. Theo sử gia nghệ thuật Kristine Groenhart: “Chúng tôi nghĩ rằng những năm đó có ảnh hưởng lớn tới những họa phẩm đầu tiên của ông”.

2 tác giả đã đặt tên cho cuốn sách của mình là How I Love London (Em yêu London như thế nào). Đây là câu nói mà Van Gogh đã bày tỏ với anh trai của mình là Theo trong một bức thư ông gửi hồi tháng 7/1875, từ Paris. Van Gogh thấy nhớ London khi Goupil & Cie nhận được một bức tranh vẽ cây cầu Westminster của họa sĩ trường phái ấn tượng Italia Giuseppe De Nittis. Cây cầu này là nơi Van Gogh qua lại hàng ngày khi ông ở London.

“Khi em nhìn bức tranh này, em cảm thấy mình yêu London như thế nào”  - Van Gogh đã bày tỏ nỗi nhớ London trong thư.

Bìa cuốn sách How I Love London của 2 sử gia nghệ thuật Hà Lan Kristine Groenhart và Willem Jan Verlinden

Cuốc bộ thưởng ngoạn London

Tuần trước, người hâm mộ Van Gogh (1853-1890) trên khắp thế giới đã vô cùng phấn khích khi Bảo tàng Van Gogh thông báo, họ đã xác thực được bức tranh Hoàng hôn ở Montmajour (Sunset at Montmajour; 1888) đúng là của Van Gogh. Đây được xem là phát hiện quan trọng nhất trong lịch sử 40 năm bảo tàng.

Qua nội dung của những bức thư vô cùng sinh động Van Gogh gửi cho anh trai, chúng ta biết được về thời kỳ ở London của Van Gogh. Bất cứ khi nào có thời gian là ông lại say mê kể về thành phố này. “Qua thành phố London, cách sống của người Anh, em hiểu được sức sống, nghệ thuật và thơ ca nơi đây” – Van Gogh viết. 

Vậy những nơi nào ở London để lại ấn tượng sâu nơi ông? Đó là con đường chạy dọc theo bờ Bắc của sông Thames. Tuy lúc đó con đường này mới hình thành được vài năm, song nó đã đủ gây ấn tượng để Van Gogh vẽ về nó. Đó là căn phòng xoàng xĩnh tại số nhà 87, đường Hackford ở Brixton, nơi ông đem lòng si mê con gái của bà chủ nhà. Đó là nhà thờ Austin Friars, nơi trong chiến tranh đã trở thành nhà cấp cứu cho người bị thương. Đó là Phòng triển lãm mùa Hè của Viện Hàn lâm Hoàng gia, là Phòng trưng bày Dulwich và Cung điện Hoàng gia Hampton, nơi ông được chiêm ngưỡng bức tranh Triumph Of Caesar của nghệ sĩ Phục hưng Italia Andrea Mantagna.

Van Gogh đi khắp những nơi này bằng chính đôi chân của mình. Ông thích đi bộ trong hàng giờ, thậm chí đi từ London tới Brighton (thành phố thuộc bờ biển phía Nam nước Anh). Có lẽ ở Anh, Van Gogh chú ý tới thiên nhiên nhiều hơn văn hóa, quan sát các loài cây và những giống hoa ông trồng, như cây đậu hoa, cây anh túc và cỏ mộc tê.

Tuy nhiên, Van Gogh cảm thấy London không phù hợp với mình.

Van Gogh thường tới Rotten Row ở Hyde Park để quan sát London, ngắm nhìn mọi người qua lại. Tuy nhiên, trong các bức tranh, ông lại không mô tả những ấn tượng đầu tiên của mình về thành phố này, ông miêu tả cảnh nghèo mà nhà văn Charles Dickens đã đưa vào những cuốn tiểu thuyết của mình, và phong cảnh mà nghệ sĩ Anh John Constable đã miêu tả trong bức tranh sơn dầu The Cornfield (Cánh đồng ngô, 1826). Đây là chủ đề mà Van Gogh đã vẽ trong những tuần cuối của đời mình.

Việt Lâm (tổng hợp)
Thể thao & Văn hóa

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN