TTVH Online

Cận cảnh tàu bay có thể thay đổi ngành hàng không thế giới

11/09/2013 16:00 GMT+7

Dự án thiết kế tàu bay trở lại sau hơn 75 năm chuẩn bị được đưa vào bay thử với kì vọng mở ra một hướng đi mới thay đổi toàn bộ ngành hàng không thế giới.

(thethaovanhoa.vn) - Dự án thiết kế tàu bay trở lại sau hơn 75 năm chuẩn bị được đưa vào bay thử với kì vọng mở ra một hướng đi mới thay đổi toàn bộ ngành hàng không thế giới.

Tàu bay Aerosraft đã có thể cất cánh thành công như một chiếc trực thăng

Hơn 75 năm trước, dự án táo bạo mang tên Zeppelins nhằm thiết kế một kinh khí cầu khổng lồ đã hoàn toàn sụp đổ sau thảm họa ở Hindenburg. Ngày nay dựa theo kinh nghiệm về mẫu thiết kế khí cầu Zeppelins trước đó, tập đoàn Aeros thế giới có tham vọng đưa vào hoạt động tàu bay với những công nghệ hoàn toàn mới.

Tàu bay mang tên Aeroscraft được đưa vào thử nghiệm có khả năng cất cánh lên thẳng mà không cần đến đường băng chuyên dụng. Với khả năng điều khiển tiện lợi và an toàn hơn rất nhiều so với khí cầu Zeppelins trước đây, nhà sản xuất tin tưởng những rủi ro khi vận hành tàu bay sẽ được giảm thiểu tối đa.

Tiêu tốn nhiên liệu chỉ bằng 1/3 so với những chiếc máy bay chở hàng chuyên dụng, Aeroscraft còn có thể cất cánh và hạ cánh ngay cả trên mặt nước. Bước đột phá trong công nghệ được người sáng lập Igor Pasternak tiết lộ là nhờ khả năng nén khí Helium, cho phép tàu bay có thể tự điều chỉnh trọng lượng trên thực tế.

Tàu bay được thiết kế và sản xuất nhờ khoản tiền hỗ trợ 3 triệu USD của chính phủ Mỹ sẽ sớm được đưa vào thử nhiệm chính thức trong thời gian tới. Không những có thể dùng trong lĩnh vực chở hàng, quân sự, Aeroscraft có thể được thiết kế với mục đích thương mại nhờ vào giá thành rẻ hơn hẳn máy bay truyền thống mà lại có tốc độ nhanh hơn nhiều so với những chiếc tàu di chuyển trên mặt nước.

Với khả năng có thể di chuyển, cất cánh tại bất cứ nơi đâu trên thế giới, nhà sản xuất hi vọng Aeroscraft sẽ được sử dụng đại trà với mục đích quân sự hoặc di chuyển tới những địa điểm còn nhiều hạn chế mà máy bay không thể tới được. Tốc độ của Aeroscraft chỉ vào khoảng 185 km/giờ, chậm hơn nhiều so với máy bay thương mại (800 km/giờ) nhưng sẽ là tiền đề để chế tạo được những chiếc tàu bay tốc độ cao hơn trong tương lai.

Aeroscraft được thiết kế có khả năng chống đạn so với kích cỡ khá đồ sộ như một kinh khí cầu. Dự kiến mẫu Aeroscraft đầu tiên sẽ được đưa vào khai thác thương mại trong năm 2015. Giá tiền thuê tàu bay Aeroscraft trọng lượng 66 tấn trong vòng một năm sẽ vào khoảng 25 triệu USD trong khi loại 250 tấn sẽ là 50 triệu USD/năm.

Hình ảnh tàu bay có thể làm thay đổi ngành hàng không thế giới:

Tàu bay Aeroscraft sẽ được đưa vào sử dụng thương mại từ năm 2015

Nhà sản xuất bắt đầu thử nghiệm khả năng cất cánh của Aeroscraft

Phi hành đoàn chỉ bao gồm hai người như những chiếc máy bay thương mại

Aeroscraft hoạt động với chi phí rẻ hơn nhiều so với các máy bay vận tải

Tàu bay có thể tới bất cứ nơi đâu trên thế giới mà không cần đường băng

Nhà sản xuất hi vọng sẽ tránh khỏi những rủi ro như khí cầu Zeppelins từng gặp phải

Nguyễn Hồng Đăng
Theo Daily Mail
Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN