TTVH Online

'Toàn cầu hóa không phải là một buổi chợ phiên'

27/08/2013 07:37 GMT+7

Nhà thơ Hữu Thỉnh, đại diện cho phía Việt Nam nêu ra vấn đề nước lớn - nước nhỏ và 'xâm lăng văn hóa' trong hội nghị 'Vai trò của các nhà văn Á- Phi trong thời đại toàn cầu hóa'.

(Thethaovanhoa.vn) - Nhà thơ Hữu Thỉnh, đại diện cho phía Việt Nam nêu ra vấn đề nước lớn - nước nhỏ và “xâm lăng văn hóa” trong hội nghị "Vai trò của các nhà văn Á- Phi trong thời đại toàn cầu hóa".

Hội nghị diễn ra sáng qua (26/8) tại Hà Nội, là sự kiện trước thềm Hội nghị Ban chấp hành đầu tiên của Hội Nhà văn Á - Phi.

"Toàn cầu hóa không phải là một buổi chợ phiên, không phải là nơi các nước lớn đóng vai trò gánh hát biểu diễn còn các nước nhỏ ngồi xem. Nếu vậy thì đó là sự xâm lăng văn hóa chứ không phải toàn cầu hóa" - nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, phát biểu.

"Mỗi nền văn hóa là một thực thể không gì thay thế được. Phát huy dân tộc cũng là làm giàu có thế giới. Như người ta nói, đi tận cùng dân tộc thì gặp nhân loại. Sẽ là sai lầm nếu các nước nhỏ sa vào mô phỏng và bắt chước nước lớn. Khi đó toàn cầu hóa sẽ trở thành đồng phục hóa.

Từ trái sang: Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, nhà thơ Hữu Thỉnh và nhà văn Mohamed Salmawy chủ trì hội nghị tại Hà Nội sáng 26/8. Ảnh: Đỗ Hiếu

Văn học có ưu thế nổi bật trong việc khám phá con người, an ủi những nỗi bất hạnh đã có quá nhiều trong thế giới của chúng ta" - nhà thơ Hữu Thỉnh nói thêm.

Theo nhà thơ Hữu Thỉnh, một nền văn minh hiện tại có thể tạo nên sự liên kết siêu quốc gia, nơi lợi nhuận được ưu tiên số một, có chỗ cho tất cả, nhưng có khi không có lương tâm và danh dự. Trong bối cảnh đó, các nhà văn phải sáng suốt.

Nhà văn Lê Minh Khuê của Việt Nam nhận định, hiện nay châu Á và châu Phi vẫn còn "những ngọn lửa bất ổn". Bà nói: "Chúng ta chỉ có thể hy vọng vào văn hóa của mỗi dân tộc. Cuộc sống không bình yên là nỗi đau lớn nhưng cũng cho nhà văn rất nhiều đề tài. Hy vọng, từ đó, các nhà văn Á-Phi chúng ta sẽ có những tác phẩm lớn".

Đây là lần đầu tiên Hội Nhà văn Á - Phi tổ chức Hội nghị Ban chấp hành. Theo ông  Mohamed Salmawy, đây là "cuộc gặp gỡ lịch sử" trong quá trình hoạt động của hội.

Hội nghị Ban chấp hành đầu tiên của Hội Nhà văn Á - Phi diễn ra từ 27-30/8, ở Hà Nội và Hạ Long (Quảng Ninh), quy tụ 14 đại biểu là ủy viên Ban chấp hành và các thành viên phụ trách 6 tiểu ban, đại diện cho các nhà văn từ hơn 50 nước châu Á và châu Phi.

Hội Nhà văn Á - Phi thành lập giữa thế kỷ 20 (năm 1957). Hội ngừng hoạt động năm 1987 sau khi Liên Xô tan rã. Đến năm 2012, hội quyết định tái thành lập. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều của Việt Nam được bầu làm Phó chủ tịch.

Mi Ly
Thể thao & Văn hóa

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN