TTVH Online

Kịch 'Trò chơi tham vọng': 'Đạo tranh' lên sân khấu kịch

06/08/2013 09:31 GMT+7

Có lẽ Trò chơi tham vọng (KB: Mỹ Dung, ĐD: NSƯT Trần Minh Ngọc) là vở kịch đầu tiên trên sân khấu Việt Nam nói về nạn đạo tranh, một câu chuyện vừa mang tính riêng tư vừa mang tính thời sự.

(Thethaovanhoa.vn) - Có lẽ Trò chơi tham vọng (KB: Mỹ Dung, ĐD: NSƯT Trần Minh Ngọc) là vở kịch đầu tiên trên sân khấu Việt Nam nói về nạn đạo tranh, một câu chuyện vừa mang tính riêng tư vừa mang tính thời sự.

Phải nói ngay rằng đạo diễn Trần Minh Ngọc đã nỗ lực rất nhiều trong việc tạo dựng nên câu chuyện hiện đại về mặt trái của giới họa sĩ, nơi những tác phẩm ngụy tạo không chỉ làm điêu đứng giới sưu tập, mà còn hạ giá bán và uy tín của chính họa sĩ. Việc “lột mặt nạ” quá trình ngụy tạo tác phẩm trong hơn 20 năm của họa sĩ nổi tiếng Trần Thế Thế (NSƯT Thành Hội thủ vai) đã phần nào chạm đến được thực tại tranh giả và tranh gian của Việt Nam trong mấy thập niên vừa qua.


Cảnh trong vở Trò chơi tham vọng. Ảnh: VB

Thế nhưng, để vượt qua câu chuyện khá gai góc và đầy thế sự này là diễn biến tình cảm của vài lớp người trong một xã hội mà hố ngăn giàu nghèo, sự kì thị, lợi dụng là khá rõ rệt. Đó là cô họa sĩ Bích Nhược (Ái Như) bị thầy giáo lừa tình và chiếm dụng, mạo danh tác phẩm trong hơn 20 năm. Đó là cô người mẫu hội họa Hồng Nhiên (Tuyết Thu) vì bị khinh miệt mà trở thành ngụy họa sĩ để lật ngược tình thế. Đó là đại gia Sơn (Thanh Tuấn) vì mê tranh cuồng tín mà bị chính người bạn nối khố lừa bán tác phẩm gian. Đó là chàng phóng viên thực tập (Ngọc Tưởng) tốt bụng nhưng chưa thoát nổi tâm lý dậy thì trong đời sống gia đình, tình yêu và công việc…

Sự kết hợp này đã giúp cho Trò chơi tham vọng bớt đi phần khô khan, luận đề, để thông điệp được gửi gắm trở nên gần gũi và nhẹ nhàng hơn. Sự gần gũi này thật cần thiết, bởi các câu chuyện phía sau của thị trường nghệ thuật, nhất là các chiêu trò, sự gian trá trong làm giá, mua bán tranh thường khó thu hút mức quan tâm của số đông.

Nhìn về tổng thể, đây là vở kịch có mảng miếng, có chuyện để xem, nhưng chưa phải là vở hay của Kịch Hoàng Thái Thanh và của cả Trần Minh Ngọc. Vở diễn còn có sự tham gia của Kim Phước, Đoàn Thanh Tài, Thanh Tuấn, Lương Duyên, Tấn Đạt, Khánh Hồng, Tuyết Trinh, Công Hiển, Đình Vũ, Mai Thanh Duy, Văn Tuấn… và nhà thiết kế Sĩ Hoàng. Các suất diễn tiếp theo vào lúc 20h ngày 11/8, 16h ngày 25/8 và 20h ngày 30/8 tại sân khấu Hoàng Thái Thanh (36 Lê Quý Đôn, Q.3, TP.HCM).

Văn Bảy
Thể thao & Văn hóa

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN