TTVH Online

Cao đẳng Đức Trí Đà Nẵng- Trường tư thục phi lợi nhuận

30/07/2013 11:00 GMT+7

Là một trong 3 trường tư thục đầu tiên trên cả nước, sau 8 năm thành lập, Cao đẳng Đức Trí đã khẳng định một thương hiệu đào tạo phi lợi nhuận có một không hai.

Là một trong 3 trường tư thục đầu tiên trên cả nước, sau 8 năm thành lập, Cao đẳng Đức Trí đã khẳng định một thương hiệu đào tạo phi lợi nhuận có một không hai. Với nhiều sáng tạo, từ năm học 2013-2014 trở đi, cao đẳng Đức Trí hoàn toàn bước sang trang mới.

Những ngày “mài sắt”

Cao đẳng Đức Trí được biết đến là 1 trong 3 trường tư thục đầu tiên được Bộ GD&ĐT giao thí điểm trên cả nước. Đương nhiên cái gì đầu tiên cũng gặp phải khó khăn.

Giai đoạn từ năm 2005-2008 là khoảng thời gian phát triển mạnh mẽ của Cao đẳng Đức Trí khi lúc nào cũng hơn 5.000 sinh viên theo học. Hồi ấy, nhắc đến sinh viên Đức Trí, nhà tuyển dụng nào cũng ưu tiên.

Hiệu trưởng nhà trường Trương Công Hùng

Nhưng từ năm 2008-2013, nằm trong xu thế chung của xã hội và do nhiều điều kiện chủ quan, Đức Trí thực sự rơi vào khủng hoảng. Cho đến thời điểm năm 2013, số lượng sinh viên học tại đây chỉ là 436. Nhiều người những tưởng sự sụp đổ của Đức Trí là tất yếu khi các cán bộ giảng viên tại đây đã lần lượt bỏ trường đi. Những người còn lại, thật sự là những người tâm huyết.

Một nhà giáo, một doanh nghiệp-  yêu môi trường giáo dục đã đánh cược với số phận khi nhận chức Chủ tịch HĐQT kiêm Hiệu trưởng nhà trường vào khoảng đầu năm 2013, đó là thầy giáo Trương Công Hùng.

Những cuộc cách mạng…

Thật bất ngờ khi thầy Trương Công Hùng cũng chính là Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Đức, là một bác sĩ phẫu thuật nổi tiếng trong làng ung bướu. Một câu hỏi đặt ra là với chức danh như thế, với công việc như thế, tại sao thầy lại nhận về mình nhiệm vụ khó khăn đến vậy.

Khi chấp nhận vực dậy Cao đẳng Đức Trí, thầy phải vạch ra những phương hướng cho trường. Thầy nói, kim chỉ nam vực dậy trường chỉ có hai từ “hài lòng”. Và ai cũng hiểu đó là sự hài lòng của sinh viên với môi trường giáo dục, sự hài lòng của đội ngũ cán bộ giảng viên, sự hài lòng của các doanh nghiệp với sinh viên Đức Trí,….

Ngay khi nhậm chức, thầy Trương Công Hùng đã vạch ra những bước đi mang cả tâm và tầm: câu lạc bộ Anh văn miễn phí, đổi ngành học sau 1 năm, nghiên cứu khoa học cùng các đơn vị đào tạo thực tế, ….Mỗi ý tưởng đưa ra tưởng chừng là sự không tưởng, không thể thực hiện được.

Chia sẻ với chúng tôi, thầy nói: “Tôi rất tâm đắc với câu nói: “Đừng bán những gì mình có mà hãy bán những gì thiên hạ cần”. Vì thế phải đưa tinh thần doanh nghiệp vào cơ quan giáo dục. Lâu nay, các cơ sở đào tạo của mình khi làm đều chưa tính đến hiệu quả và hậu quả. Như thế người chịu thiệt thòi chính là sinh viên”.

Mỗi sinh viên là một "nhà nghiên cứu" trước khi ra trường

Bắt đầu từ câu lạc bộ Anh văn miễn phí mới đi vào hoạt động vào tháng 7/2013. Hiện nay, câu lạc bộ có 5 thạc sĩ và 2 cử nhân với mục đích giúp sinh viên nói được tiếng Anh. CLB này lập ra nhằm “tiêu hóa” kiến thức từ những ngày học phổ thông cho các em chứ không muốn nhồi nhét thêm nhiều. Vào sinh hoạt tại đây, các em chỉ nói tiếng Anh, nếu ai không làm được thì phạt bằng cách phục vụ nước cho mọi người trong phòng. Một lớp như thế không quá 20 người, mỗi buổi nói chuyện khoảng 90 phút xoay quanh 1 chủ đề. Trong 3 năm sinh hoạt ở câu lạc bộ chỉ có 15 chủ đề, 10 chủ đề đầu tiên là cuộc sống sinh hoạt hàng ngày, 5 chủ đề sau tùy theo chuyên ngành. Bên cạnh đó, nhà trường còn cung cấp miễn phí các tài liệu học tiếng Anh gồm CD, giáo trình và truyện tiếng Anh,…Với CLB này, sinh viên có thể tiết kiệm hàng chục triệu học tiếng Anh ở các trung tâm ngoại ngữ bên ngoài.

Hơn thế nữa, hàng loạt chi phí của sinh viên được nhà trường tiết kiệm tối đa: 200 chỗ ở nội trú miễn phí; giới thiệu chỗ trọ giá rẻ, tiện nghi cho sinh viên; học phí chỉ bằng học phí trường công lập; phòng máy tính phục vụ 12/24; hỗ trợ 50% tiền cơm trưa cho HSSV gặp khó khăn; xem phim và văn nghệ miễn phí vào tối thứ 7 tại nhà văn hóa Hòa Mỹ;  trung tâm giới thiệu việc làm cho sinh viên để các em không phải bỏ tiền xin việc,…

Các giảng viên của Đức Trí cũng khá “lạ” vì họ vừa là người thầy, vừa là một công nhân. Khi mới vào thử việc tại trường, các giảng viên này sẽ trải qua 6 tháng làm công nhân tại các khu công nghiệp của Đà Nẵng để nắm được quy trình sản xuất của các doanh nghiệp. Sau đó, bằng chính kiến thức thực tế, sẽ truyền dạy cho sinh viên nhằm đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp.

Về thời gian thực tập của sinh viên, yêu cầu của nhà trường không phải là một bản báo cáo cho có mà chính là giai đoạn nghiên cứu khoa học với các cơ sở đào tạo. Việc học giáo dục thế chất cũng không bị ép buộc phải học tất cả các môn mà sinh viên có thể tự chọn môn thế mạnh và yêu thích của mình,….

Điều đặc biệt nhất trong chương trình đào tạo của Đức Trí chính là việc đổi ngành học sau 1 năm. Thầy Hùng nói: “Khi rời khỏi ghế phổ thông và vào học cao đẳng, đại học, việc hướng nghiệp của các em vẫn chưa rõ ràng. Nhiều em phải bỏ ngang vì thấy không hợp. Nhưng việc đổi ngành học này lại cho các em lựa chọn hướng đi đúng cho tương lai mà không phải hối hận. Hơn thế, việc thay đổi ngành học này còn mang tính nhân văn, bộc lộ bản ngã sâu xa của mỗi sinh viên”.

Như cuộc đời có lúc thăng lúc trầm, những bước đi của một môi trường giáo dục cũng vậy. Nhưng đáng quý nhất là sự mạnh mẽ đứng dậy làm chủ cuộc đời. Và nhiều cán bộ giảng viên, nhiều sinh viên Đức Trí vẫn luôn tự hào và hướng về những bước đi tươi sáng.

Đông Uyên
Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN