TTVH Online

Khi biết chọn cho mình cách sống

14/07/2013 14:01 GMT+7

Người đàn ông Mỹ cuối cùng là tên cuốn tiểu thuyết mới được chuyển ngữ sang tiếng Việt, do Nhã Nam và NXB Thông Tấn phát hành, của nữ nhà văn xinh đẹp Elizabeth Gilbert, tác giả của cuốn sách ăn khách: Ăn, cầu nguyện, yêu.

(Thethaovanhoa.vn) - Người đàn ông Mỹ cuối cùng là tên cuốn tiểu thuyết mới được chuyển ngữ sang tiếng Việt, do Nhã Nam và NXB Thông Tấn phát hành, của nữ nhà văn xinh đẹp Elizabeth Gilbert, tác giả của cuốn sách ăn khách: Ăn, cầu nguyện, yêu.

1. Elizabeth đam mê viết văn từ nhỏ. Dù sự nghiệp sáng tác của Elizabeth cho đến nay có một tập truyện ngắn, một tiểu thuyết, một tác phẩm phi hư cấu và hai hồi ký, nhưng cô vẫn là một nhà văn được toàn thế giới yêu mến. Chất lượng văn chương sẽ đưa anh đến vị trí nào trong lòng người đọc, chứ không phải số lượng. Điều này luôn đúng với các loại hình nghệ thuật, nhất là nghiệt ngã và khó tính như văn chương.

Elizabeth có cách vào truyện của mình khá hấp dẫn. Tỉ dụ đọc câu đầu, kiểu gì cũng khơi nên sự tò mò đọc câu sau:

“Khi Eustace Conway lên bảy, anh có thể ném dao đủ chính xác để găm phập một con sóc chuột vào thân cây. Lúc lên mười, anh có thể hạ một con sóc đang chạy cách xa mười lăm mét bằng cung tên. Lên mười hai, anh đi vào rừng, một mình với hai bàn tay không, dựng cho mình một căn chòi và sống được ở vùng đất ấy suốt một tuần…” (tr.9).

Bạn có muốn biết cuộc đời về sau của người đàn ông có tuổi thơ dị biệt như thế không?

18 tuổi, Eustace chống chọi với những xoáy nước dữ dội có thể nhấn chìm chiếc xuồng gỗ tự đóng trên dòng sông Mississippi. Sau đó anh “bắt đầu hành trình 2.000 dặm trên Đường mòn Appalachia, đi bộ từ bang Maine tới bang Georgia và hầu như chỉ sống bằng những gì săn bắn thu lượm được dọc đường”. Sau đó, Eustace độc hành qua dãy Alps, băng xuồng qua Alaska, trèo trên vách đá cheo leo ở New Zealand, sống với người Navajo ở New Mexico.

Đến 25 tuổi thì quyết tâm nghiên cứu một nền văn hóa nguyên thủy bằng cách bay sang Guatemala, tìm ngôi làng hẻo lánh nhất của người Maya trong khu rừng nhiệt đới và sống với những người chưa từng thấy người da trắng đó được năm tháng. Cho đến năm 1995 thì quyết định cưỡi ngựa xuyên nước Mỹ.



Bìa cuốn sách Người đàn ông Mỹ cuối cùng

2. Người đàn ông đó, làm tất cả những thứ “rồ dại” bất chấp mọi hiểm nguy tính mạng, vượt bao khó khăn gian khổ để làm gì?

Bởi anh ta có niềm tin quyết liệt về sứ mệnh của mình là làm mọi cách cho người dân Mỹ hiểu ra họ có thể mạnh mẽ và can đảm đến mức nào. Từ niềm tin dẫn tới hành động, tính cách quả cảm được hình thành. Và quả thực Eustace đã viết lên trang sử cho chính cuộc đời đầy ý nghĩa của mình.

Cái cách mà Eustace sống, Elizabeth gọi đó là “Một cuộc sống xiết bao hoang dại! Một kiểu tồn tại vô cùng mới mẻ”. Cái cách mà con người đã chọn giữa những phù du vật chất xa hoa nước Mỹ, ảo vọng về sự tự do nhưng lại chôn con người đến cùng cực trong tuyệt vọng cô đơn.

Nhân vật Eustace có làm bạn nhớ đến Hùng John với cuốn ký John đi tìm Hùng (NXB Kim Đồng), kể về hành trình của chính cậu lang thang khắp Việt Nam với cái ví rỗng, chỉ để thuyết phục bạn trẻ Việt Nam về lòng tin với tình nhân ái con người luôn đầy? Một trích đoạn trong cuốn sách đã được đưa vào đề thi môn Văn khối D của kỳ thi đại học năm nay, dĩ nhiên, sau đó Hùng John nhận được chia sẻ đồng tình yêu thích của cuốn sách của nhiều bạn trẻ.

Một thiên truyện hướng tới những điều đẹp đẽ trong cuộc sống, và chứng minh chính từ hành động bản thân cho sức mạnh tồn tại của con người giữa tình yêu thương chia sẻ, thì luôn là một tác phẩm văn học được đón nhận.

Khi giữa cuộc đời này, lắm khi chính bạn cũng cảm thấy thiếu những điều có thể làm tâm hồn mình ấm áp lên như thế?

An Vũ
Thể thao & Văn hóa


Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN