TTVH Online

Căn bệnh 'hikikomori' ở Nhật Bản: Những thanh niên tự giam mình trong nhà

07/07/2013 14:40 GMT+7

Có tới cả triệu thanh niên ở Nhật Bản được cho là đang sống khép kín tại căn phòng của họ, một số người "trốn" trong đó lâu tới cả thập kỷ. Câu hỏi đặt ra là vì sao lại người ta lại sống như vậy?

(Thethaovanhoa.vn) - Có tới cả triệu thanh niên ở Nhật Bản được cho là đang sống khép kín tại căn phòng của họ, một số người "trốn" trong đó lâu tới cả thập kỷ. Câu hỏi đặt ra là vì sao lại người ta lại sống như vậy?

Với chàng thanh niên có tên Hide, vấn đề của anh đã bắt đầu xuất hiện ngay khi bỏ học.

Những thanh niên sợ thế giới bên ngoài

"Tôi đã bắt đầu đổ lỗi cho bản thân mình. Cha mẹ tôi cũng trách mắng vì tôi không đi học. Áp lực tăng lên" - anh kể - "Rồi dần dần tôi sợ ra ngoài, sợ gặp người khác. Cuối cùng tôi không thể ra khỏi nhà mình".

Theo thời gian, Hide ngừng liên lạc với bạn bè và cả cha mẹ anh. Để tránh gặp cha mẹ, anh ngủ vào ban ngày và thức suốt đêm, chỉ xem TV.

"Trong đầu tôi chứa đầy các cảm xúc tiêu cực" - anh nói - "Sự tức giận với xã hội và cha mẹ, nỗi buồn vì lâm vào tình cảnh này, nỗi sợ về điều gì có thể xảy ra trong tương lai, sự ghen tị với những người đang sống cuộc sống bình thường".



Bên trong căn phòng của một hikikomori

Hide về cơ bản đã trở thành một kẻ "rút lui khỏi xã hội" hay hikikomori. Ở Nhật Bản, hikikomori là từ để chỉ thanh niên sống cuộc sống ẩn dật, lánh xa đời sống xung quanh.

Tamaki Saito mới trở thành bác sĩ tâm lý vào đầu những năm 1990, thời điểm ông thấy có rất nhiều bậc phụ huynh tìm tới, tìm kiếm sự giúp đỡ do con cái họ đã bỏ học và sống biệt lập với gia đình suốt hàng tháng, hàng năm trời.

Các thanh niên này thường tới từ các gia đình trung lưu, phần lớn là nam giới và độ tuổi trung bình khi họ bắt đầu biểu lộ hiện tượng rút lui là 15. Nghe qua thì tưởng những chàng trai này đang sống cuộc sống quá lười biếng. Nhưng Saito nói rằng thực tế họ bị tê liệt vì những nỗi sợ xã hội quá lớn.

"Họ bị dày vò trong tâm trí. Họ muốn ra ngoài với thế giới và kết bạn, nhưng lại không thể làm vậy" - ông cho biết.

Triệu trứng của mỗi bệnh nhân rất khác nhau. Một số người ngoài việc sống ẩn dật còn rất hay tức giận vô cớ hoặc bộc lộ các hành vi của trẻ con như cào cấu vào người mẹ. Các bệnh nhân khác thể hiện sự ám ảnh, hoang tưởng và trầm cảm.

Khi Saito bắt đầu nghiên cứu, chẳng ai biết về hiện tượng rút lui khỏi xã hội và các bác sĩ cũng không xem các bệnh nhân của hiện tượng này là những người cần điều trị đặc biệt. Nhưng kể từ khi ông gióng lên hồi chuông về hiện tượng, con số hikikomori đã tăng lên. Một ước tính cho thấy số người bị ảnh hưởng bởi hiện tượng này hiện là 200.000. Nhưng một cuộc khảo sát khác do Văn phòng Nội các Nhật Bản đã mang tới kết quả cao hơn nhiều, khoảng 700.000 người. Cá nhân Saito cho rằng con số thực ít nhất phải là 1 triệu người, do các bệnh nhân thường sống khép mình nên khó phát hiện.

Độ tuổi của hikikomori cũng đã tăng lên trong 2 thập kỷ qua. Trước kia là 21 và giờ là 32.

Vênh quan điểm giữa các thế hệ

Vậy vì sao họ lại rút lui khỏi cuộc sống xã hội? Các nhà nghiên cứu nói rằng yếu tố tác động ban đầu có thể rất đơn giản như học kém, thất tình... Nhưng theo thời gian, các áp lực khác trong xã hội đã khiến các thanh niên đó không thể rời khỏi phòng ngủ của mình.

Một trong những áp lực như thế là sekentei, chỉ danh tiếng của mỗi người trong cộng đồng và áp lực gây ấn tượng với người khác. Hikikomori càng rút lui khỏi đời sống xã hội trong thời gian dài, họ càng nhận rõ về sự thất bại của mình. Họ mất hết sự tự tin từng có và việc rời khỏi nhà trở thành ác mộng.

Các bậc phụ huynh cũng biết rằng vị thế của họ trong xã hội cũng sẽ bị ảnh hưởng nếu chuyện lộ ra, nên thường chờ đợi con bình thường trở lại trong hàng tháng trời, trước khi tìm kiếm sự giúp đỡ.

Áp lực thứ hai là amae - sự lệ thuộc. Đây cũng là yếu tố đặc biệt trong mối quan hệ gia đình ở Nhật Bản. Con gái thường ở lại với cha mẹ cho tới khi kết hôn. Con trai có thể sẽ chẳng bao giờ dọn ra ngoài sống. Ngay cả khi tới nửa số hikikomori có hành vi đánh đập cha mẹ, việc đuổi chúng ra khỏi nhà là điều khó tưởng tượng với các bậc phụ huynh Nhật Bản.

Nhưng để đổi lại hàng thập kỷ nuôi nấng con cái, cha mẹ kỳ vọng con cái thể hiện sự kính trọng và có thể kiếm việc làm. Đó là khi quan điểm giữa các thế hệ vênh nhau.

Matsu trở thành hikikomori sau khi bất đồng với cha mẹ về sự nghiệp và việc học hành. "Tôi bình thường về tâm lý, nhưng cha mẹ đã đẩy tôi theo con đường tôi không thích" - anh nói. Cha Matsu là một nghệ sĩ và có công ty riêng, ông muốn con trai theo nghiệp mình. Nhưng Matsu muốn trở thành nhà lập trình máy tính trong một công ty lớn. Anh chỉ muốn làm công ăn lương, điều cha anh nói là không có tương lai.

Giống nhiều hikikomori, Matsu là con cả và phải chịu sự kỳ vọng lớn nhất từ cha mẹ. Anh bực tức khi thấy em trai được làm điều nó thích. "Tôi trở nên bạo lực và phải sống tách khỏi gia đình" - anh nói.

Hikikomori không chỉ xảy ra ở Nhật Bản. Tamaki Saito tin rằng nó cũng xuất hiện ở Hàn Quốc và Italia.

Giai đoạn chuyển tiếp văn hóa

Có một cách để lý giải chuyện của Matsu là nhìn anh như đường đứt gãy của một sự dịch chuyển văn hóa ở Nhật Bản. "Về mặt truyền thống, tâm lý của người Nhật Bản có xu hướng theo nhóm và họ không muốn bị tách ra khỏi nhóm" -  Yuriko Suzuki, một nhà tâm lý ở Viện nghiên cứu Sức khỏe tâm thần Quốc gia Tokyo - "Nhưng lớp trẻ đang ngày càng quan tâm tới nhu cầu cá nhân và thích được chú ý hơn. Tôi nghĩ chúng tôi đang ở giai đoạn chuyển tiếp".

Andy Furlong, một nhà nghiên cứu ở Đại học Glasgow, đánh giá sự tăng trưởng của hiện tượng hikikomori có liên quan tới sự vỡ bong bóng kinh tế Nhật Bản. Trước đây, người Nhật sống theo một phòng tròn khép kín, khi các học sinh có điểm tốt thường vào đại học ưu tú và được làm một công việc tốt trọn đời. Hệ thống đó đã đổ vỡ và nay một thế hệ trẻ ở Nhật phải làm các công việc ngắn hạn, bán thời gian khi kinh tế đi xuống.

Lẽ ra họ phải được cảm thông, nhưng thực tế họ bị kỳ thị. Những người hay đổi việc ở Nhật Bản, những người thất nghiệp, hikikomori bị xem là những kẻ ăn bám xã hội. Thế hệ già, những người đã đi học và có sự nghiệp ổn định trong những năm 1960 và 1970, hoàn toàn không thể hiểu được lớp trẻ.

Hide và Matsu hiện đã bắt đầu phục hồi nhờ được sự giúp đỡ từ một CLB từ thiện ở Tokyo, được gọi là ibasho. Những nơi như thế này giúp các thanh niên hikikomori tái hòa nhập xã hội.

Nhiều bậc phụ huynh của hikikomori cũng viếng thăm ibasho, dù biết con họ khó có cơ hội hồi phục. Con của Yoshiko đã rút lui khỏi xã hội khi 22 tuổi. Đứa con giờ đã 50 tuổi. "Tôi nghĩ con trai mình giờ đã mất hết sức lực hoặc khao khát làm điều nó muốn" - bà buồn rầu nói - "Có thể nó đã từng khao khát điều gì đó, nhưng tôi sợ mình đã phá nát khao khát đó".

Tường Linh (Theo BBC)
Thể thao & Văn hóa


Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN