TTVH Online

Tranh Vũ Cao Đàm về đất mẹ

05/07/2013 07:11 GMT+7

Vào lúc 18h thứ Tư (3/7), 4 bức tranh của Vũ Cao Đàm với tên gọi quốc tế Gossip, Spring, Two Lov- ers, Lovers in a Landscape đã chính thức có mặt ở Hà Nội.


(Thethaovanhoa.vn) - Vào lúc 18h thứ Tư (3/7), 4 bức tranh của Vũ Cao Đàm với tên gọi quốc tế Gossip, Spring, Two Lov- ers, Lovers in a Landscape đã chính thức có mặt ở Hà Nội. Trước đó, cả 4 bức tranh đều trải qua những phiên đấu giá căng thẳng tại các nhà đấu giá lớn ở Hong Kong và Mỹ.

Không giấu nổi niềm vui, người đã thắng cả 4 phiên đấu giá và mang được tranh quý “hồi hương”, nhà sưu tập Nguyễn Minh chia sẻ: “Sau bao gắng gượng, trông ngóng, cuối cùng, tranh cụ Đàm đã về đất mẹ thật rồi!”.

Chuyện những “đứa con xa xứ”

Cả 4 tranh Việt “hồi hương” lần này đều được họa sĩ Vũ Cao Đàm vẽ năm 1964, thời điểm ông đã định cư ở Pháp. Tuy được vẽ trên đất khách song nội dung tranh, hồn cốt tranh đều là phong cảnh, con người Việt Nam.

“Những bức tranh này đều được vẽ bằng sự hồi tưởng của họa sĩ về cố hương cách xa vạn dặm. Không chỉ riêng Vũ Cao Đàm, các họa sĩ lừng lẫy của Mỹ thuật Đông Dương một thời như Lê Phổ, Lê Thị Lựu, Mai Trung Thứ... đều định cư và sáng tác những tác phẩm rất đẹp ở nước ngoài. Tất cả đều mang thần sắc Việt, phong cảnh Việt, con người Việt và tất nhiên, được vẽ bởi họa sĩ Việt. Nên nhiều người vẫn ví von, những bức tranh này là những hạt giống Việt trên đất Pháp”- nhà sưu tập Nguyễn Minh chia sẻ.

Bức họa Two Lovers của danh họa Vũ Cao Đàm
Hơn thế, theo thông tin xuất xứ tranh của các nhà đấu giá, những “đứa con xa xứ” này còn lang bạt khắp các nhà triển lãm, phòng trưng bày, nhà đấu giá lừng danh khắp các nước Âu- Mỹ như: Wally Findlay Galleries, Christies, Skinner...

“Việc đưa những bức tranh đã lưu lạc khắp nơi về là rất khó khăn. Đầu tiên là tìm manh mối những bức tranh Việt lưu lạc. Tìm được rồi lại phải chờ chủ nhân của chúng đưa đến các nhà đấu giá. Và đến phiên đấu giá, việc đấu trí để thả giá thành công cũng không hề đơn giản. Vì năng lực tài chính của mình so với những tài phiệt chơi tranh quốc tế là quá chênh lệch” – ông Nguyễn Minh nói.

Theo chia sẻ của ông Nguyễn Minh, ngoài chi phí mua tranh, người mua tranh còn phải trả tiền thuế cho chính quyền sở tại, nơi diễn ra đấu giá. Kế đó là trả thêm 15- 30% giá bức tranh cho nhà đấu giá, 15- 20% giá trị bức tranh phí bảo hiểm vận chuyển...

Ông Minh kể tiếp: “Ngoài tiền, để đưa những “đứa con xa xứ” này về cố quốc, chúng còn phải qua nhiều khâu kiểm định ngặt nghèo của các chuyên gia thuộc các nhà đấu giá cùng nhiều thủ tục xuất- nhập cảnh”.

Tiếc nuối, Người bán gạo

Cuối tháng 5 vừa qua, nhà sưu tập Nguyễn Minh đã đấu giá thành công hai bức tranh Two LoversLovers in a Landscape của danh họa Vũ Cao Đàm trong phiên đấu giá của nhà đấu giá Christies với tên gọi “Asian 20th Century & Contemporary Art” (tạm dịch: Nghệ thuật đương đại và hội họa châu Á thế kỷ 20). Trong phiên đấu giá này, ông cũng trả giá thành công một bức tranh của danh họa Trần Quang Trân. Trước đó, nhà sưu tập này cũng đấu giá thành công hai bức tranh với tên gọi quốc tế là GossipSpring tại nhà đấu giá Skinner (Mỹ).

Ông Minh cũng cho hay, trong buổi đấu giá tại nhà đấu giá Chiristies tại Hong Kong cuối tháng 5/2013 vừa rồi, thời điểm ông đấu giá thành công bức Two LoversLovers in a Landscape, ông cũng tham gia đấu giá nhiều bức tranh Việt khác.

“Bức tranh Rice Seller (vẫn được biết đến với tên tiếng Việt là Người bán gạo - PV) của cụ Nguyễn Phan Chánh vừa đạt mức giá kỷ lục của cụ trong phiên đấu giá ở Chiristies, tôi cũng tham gia trả giá. Tuy nhiên, do năng lực tài chính chỉ vừa phải, khi bức tranh vượt ngưỡng 60.000 USD, tôi buộc lòng phải dừng lại. Và khi nhà đấu giá gõ búa với giá 390.000 USD, tôi thấy vừa mừng vừa tủi. Mừng vì tranh cụ Chánh đạt giá kỷ lục. Tủi vì giá càng lên, những người chơi tranh cá nhân Việt rất khó để mang tranh của danh họa nước nhà hồi hương” - ông Minh cho biết.

Cũng theo ông Minh, trong buổi đấu giá hôm ấy, đa phần các bức tranh Việt đều rất được giá và cao hơn nhiều mức giá khởi điểm. Song đó chỉ là cao với nghĩa “tự phá kỷ lục của bản thân mình”. “Chứ thực tế, hôm đó đấu giá chủ yếu tranh Đông Nam Á, thì ta chỉ xếp thứ 4. Indonesia, Philipines, Thái Lan đều có những bức vượt ngưỡng triệu đô. Còn ta không với tới”- Nhà sưu tập Nguyễn Minh nói.

Nhà sưu tập Nguyễn Minh tại nhà đấu giá Christies
“Đừng buồn vì tranh Việt giá rẻ!”

Khi được hỏi về việc có không sự chạnh lòng của những người tham gia đấu giá Việt khi hội họa nước nhà không được đánh giá cao, ông Minh đáp: “Tôi không cảm thấy chạnh lòng. Bởi trên thực tế, đó không phải là sự đánh giá thuần mỹ thuật. Đó là sự trả giá. Và thực tế để giá tranh cao còn phụ thuộc vào nhiều điều khác ngoài nghệ thuật”.

“Tôi lấy ví dụ như tranh Trung Quốc hiện tại đang có giá gấp rất nhiều lần so với trước đây. Bởi trong các phiên đấu giá tranh quốc tế tôi tham dự, đa phần những bức tranh quý của họ đều được chính người Trung Quốc mua. Rồi tranh của Indonesia, Philipines, Thái Lan... cũng đa phần được “người trong nhà” mua. Sau đó, phát triển dần dà, tranh của các họa sĩ đó đương nhiên sẽ được đội giá lên”- Ông Nguyễn Minh nói thêm.

Về dự định tương lai, ông Minh cho biết: Lòng tự tôn dân tốc là vô giá, song những bức tranh đều có giá. Nên tới đây tôi sẽ tiếp tục xoay xở công việc để có tích lũy thêm tiền tiếp tục tìm những con đường đưa tranh quý của các danh họa Việt về nước.

Họa sĩ Vũ Cao Đàm sinh năm 1908 tại Việt Nam. Ông là sinh viên khóa 2 của Trường Cao đẳng Mỹ Thuật Việt Nam. Ông ra trường với bằng xuất sắc năm 1931. Ông được nhận học bổng sang Pháp nghiên cứu và nâng cao kiến thức về tạo hình tại Bảo tàng Lou- vre (Paris, Pháp). Sau đó, ông cùng 3 nghệ sĩ tài danh khác của hội họa Việt Nam (Lê Phổ, Mai Trung Thứ, Lê Thị Lựu) sang định cử ở Paris, Pháp.

Sự nghiệp nghệ thuật của Vũ Cao Đàm gắn liền với những tác phẩm tranh, tượng được giới hội họa và điêu khắc thế giới đánh giá cao. Ông được đánh giá như một trong những tinh hoa của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương.

Vũ Cao Đàm mất năm 2000, tại Paris.


Phạm Mỹ
Thể thao & Văn hóa

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN