TTVH Online

Gần 30 năm, 'Chuyện tử tế' vẫn tiên phong

17/06/2013 13:34 GMT+7

Những năm gần đây, nhiều LHP tài liệu đã được tổ chức tại Việt Nam, nhìn từ phong trào thì có vẻ sôi động, nhưng đi vào nội tình, vẫn còn nhiều điều đáng bàn, ngay cả với LHP tài liệu Âu - Việt lần thứ 5.

(Thethaovanhoa.vn) - Những năm gần đây, nhiều LHP tài liệu đã được tổ chức tại Việt Nam, nhìn từ phong trào thì có vẻ sôi động, nhưng đi vào nội tình, vẫn còn nhiều điều đáng bàn, ngay cả với LHP tài liệu Âu - Việt lần thứ 5 đang diễn ra tại Hà Nội và TP.HCM.

LHP lần này Việt Nam có 9 phim: Bản đồ tư duy - Hành trình kết nối, Chuyện ở một vùng non cao, Chuyện dài ở bệnh viện, Người thả chiều vào tranh, Người thắp lửa, Ký ức một thời, Andre Menras - Một người Việt, Cha mẹ xin lỗi con, Chữ trên sóng. Tất cả đều do Hãng phim Tài liệu & Khoa học Trung ương sản xuất trong 3 năm gần đây.

Xu hướng phim tài liệu có và không có đạo diễn

Điểm khác biệt lớn nhất của phim tài liệu Việt Nam, trong nhiều thập niên vừa qua, nếu so với thế giới là ở khái niệm làm phim.

Ngay trong LHP này cũng thế, 9 phim của Việt Nam đều có khái niệm “đạo diễn” (director) kèm theo, phần nhiều còn có cả chức danh “biên kịch” (screen writer). Trong khi đa số phim quốc tế không có “biên kịch”, mà chỉ có “người thực hiện” (realization, hoặc: réalisation), theo nghĩa họ chỉ là người “ghi chép thế sự”, người “thực hành một kế hoạch”.

Cảnh trong phim Chuyện tử tế

Tất nhiên, quốc tế cũng có nhiều phim tài liệu được làm theo khái niệm có đạo diễn; cũng như nhiều phim tài liệu của Việt Nam được làm theo khái niệm người thực hiện, nhất là với các phim tài liệu độc lập. Nhưng LHP này hoàn toàn thiếu vắng những phim tài liệu độc lập của Việt Nam.

Xét về thể loại, phim tài liệu thời “phim câm” đã là một dạng đặc thù, rất quan trọng, nhưng trong bài này xin miễn đề cập lại.

Từ khi phim có tiếng nói xuất hiện đến nay, phim tài liệu phân ra nhiều xu hướng, nhưng tựu trung có 3 hướng nổi bật. Thứ nhất, những phim tài liệu có kịch bản, mà Việt Nam bây giờ vẫn ưa dùng. Mà có kịch bản thì thường có vai trò đạo diễn. Thứ hai, phim tài liệu không kịch bản, mà chỉ có ý tưởng, phương Tây và các nước phát triển ưa dùng, thường chỉ có người thực hiện. Thứ ba, phim tài liệu không lời bình, khác hẳn phim câm. Ra đời từ đầu thập niên 1980, nở rộ trong 2 thập niên gần đây, khi nhà làm phim muốn tước bỏ luôn khả năng “định hướng câu chuyện” với khán giả.

Cũng xin nói thêm, trên thế giới, nguyên tắc “không kịch bản” luôn được ưa chuộng và chiếm đa số. Các giải thưởng danh giá về phim tài liệu như Academy Award for Documentary Feature, Joris Ivens Award (IDFA), Filmmaker Award (Margaret Mead Film Festival), Grand Prize (Visions du Réel)… cũng ưu tiên phim tài liệu không kịch bản.

Đây cũng là lý do vì sao mà một phim tài liệu đã trở thành lịch sử của Việt Nam là Chuyện tử tế (1985) vẫn được nhiều nơi trên thế giới chiếu lại hằng năm. Đơn cử như năm 2008, trong chương trình vinh danh những nhân vật đặc biệt của lịch sử điện ảnh thế giới tại LHP Viennale, Chuyện tử tế lại được chọn chiếu.

Chuyện tử tế - một phim “dị biệt”

Phim tài liệu Chuyện tử tế ra đời năm 1985, từ đó đến nay, tác phẩm này gần như là phim duy nhất (cả tài liệu và điện ảnh) của điện ảnh nhà nước Việt Nam bán được bản quyền rộng rãi ra quốc tế, thu về hàng trăm ngàn USD. Phim này liên tục được trình chiếu ra công chúng, phải đến hàng ngàn lần.

Trong mắt của giới nghiên cứu phim tài liệu quốc tế hiện nay, Chuyện tử tế (1985) là phim tài liệu dị biệt và xuất sắc của Việt Nam.

Xuất sắc vì hai lý do chính: Một, nhà làm phim đã trở thành chứng nhân của thời đại khi kể lại được câu chuyện chân thật, sống động và giúp ích người xem hiểu về lịch sử. Hai, phim là một tác phẩm tiền phong trong kỹ thuật làm phim “không kịch bản”, nó gần với tinh thần chung của quốc tế.

Còn dị biệt vì nó được sinh ra trong bối cảnh phim tài liệu Việt Nam (thập niên 1980) còn hoàn toàn làm theo khái niệm có kịch bản và có đạo diễn. Tuy Trần Văn Thủy luôn nhận mình là đạo diễn, nhưng về thực chất, Chuyện tử tế đã được làm theo khái niệm “người thực hiện”.

Trong sách Chuyện nghề của Thủy, Trần Văn Thủy một lần nữa nhắc lại duyên cớ mình làm Hà Nội trong mắt ai (1982), đó là một cách “biến tấu” kịch bản gốc, vốn viết về 5 cửa ô theo kiểu phim du lịch. Mà ngay phim trước đó, Phản bội (1979), làm về chiến tranh biên giới, Trần Văn Thủy cũng làm theo kiểu tương tác hoàn cảnh, kịch bản chỉ là cái cớ. Đến Chuyện tử tế thì hoàn toàn không kịch bản, ông cùng ê-kíp cứ vác máy đi quay, mà kịch bản chỉ một câu hỏi: “Thế nào là sự tử tế?”.

Nhiều phim sau này của ông cũng vậy. Có thể gọi Trần Văn Thủy là kẻ độc hành “không kịch bản” trong giới làm phim tài liệu chính thống tại Việt Nam.

Dù phim tài liệu không kịch bản và không đạo diễn thường đem lại nhiều giải thưởng cho Việt Nam, nhưng vì nhiều lý do khách quan và chủ quan, đến nay Việt Nam vẫn ưa chuộng thể loại phim tài liệu có kịch bản và đạo diễn. Nhìn ở bình diện lịch sử, khái niệm làm phim này đã khá lạc hậu, nên thường ít mang lại thành tựu và giá trị tài liệu đích thực cho phim. Chính vì vậy mà gần 30 năm qua, Chuyện tử tế vẫn còn là phim tài liệu tiền phong của Việt Nam, không biết nên mừng hay nên lo?

 LHP tài liệu Âu - Việt lần thứ 5

Diễn ra ở Hà Nội từ ngày 5 đến 14/6 và ở TP.HCM từ ngày 10 đến 29/6, tại ĐH Hoa Sen (93 Cao Thắng, Quận 3), vào cửa tự do. Bên cạnh phim Bỉ và 7 nước châu Âu khác như Đức, Thụy Điển, Pháp, Ba Lan, Tây Ban Nha, Thụy Sỹ, Anh, là các phim của Việt Nam và Đông Nam Á.

Lịch chiếu phim Việt Nam lúc 19h trong những ngày tới như sau: Ngày 19/6: Cha mẹ xin lỗi con; 22/6: Người thắp lửa; 27/6: Chuyện dài ở bệnh viện; 28/6: Chuyện ở một vùng non cao; 29/6: Ký ức một thời.


Văn Bảy
Thể thao & Văn hóa

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN