TTVH Online

Khủng hoảng phim bom tấn: Phải phát hành vé siêu đắt

16/06/2013 07:00 GMT+7

Điện ảnh – loại hình giải trí tưởng như mạnh nhất hiện nay – cũng gặp khó khăn vì công chúng có quá nhiều lựa chọn giải trí. Bắt đầu có mô hình “khán giả VIP” với tấm vé lên đến 50 USD (1 triệu đồng).

(Thethaovanhoa.vn) - Không như người ta tưởng, điện ảnh – loại hình giải trí tưởng như mạnh nhất hiện nay – cũng gặp khó khăn vì công chúng có quá nhiều lựa chọn giải trí. Bắt đầu có mô hình “khán giả VIP” với tấm vé lên đến 50 USD (1 triệu đồng).

“Bạn sẽ phải trả 25 USD (hơn 500.000 đồng) cho phần tiếp theo của Iron Man hay “Giá vé sẽ là 50 USD, 100 USD hay thậm chí 150 USD (tương ứng với hơn 1 triệu, 2 triệu và 3 triệu đồng)” - là dự báo gần đây của 2 nhà làm phim lão luyện Steven Spielberg và George Lucas. Vì sao lại có hiện tượng “lạm phát” như vậy?

Steven Spielberg, đồng chủ tịch hãng DreamWorks và George Lucas, chủ tịch hãng Lucasfilm, có buổi nói chuyện với sinh viên Trường Nghệ thuật Điện ảnh thuộc Đại học Nam California ở Los Angeles (Mỹ) trong tuần này. Tại đó, Spielberg và Lucas cảnh báo về một “sự suy giảm” lớn hoặc “một cuộc khủng hoảng” có tính hệ thống trong điện ảnh.

Cả Spielberg và Lucas đều là những nhân vật đứng sau thành công của những phim bom tấn thành công nhất trong lịch sử: Chiến tranh giữa các vì sao, Hàm cá mập (Jaws) hay Indiana Jones và chiếc rương thánh tích (Indiana Jones and Raiders of the Lost Ark).



Hai nhà làm phim Steven Spielberg và George Lucas thấy tương lai các rạp chiếu không mấy sáng sủa với việc phim bom tấn thống trị.

Xu hướng “khán giả VIP” với tấm vé triệu đồng

Theo Spielberg, sắp tới, có thêm nhiều bộ phim bom tấn đã, đang và sẽ thất bại thảm hại làm thay đổi mô hình kinh doanh ở Hollywood. Trong tương lai, khán giả sẽ phải chi nhiều tiền hơn để được xem phim kinh phí lớn, chẳng hạn 25 USD cho Iron Man phần tới.

Lucas dự đoán, tương lai của Hollywood sẽ giống như sân khấu Broadway hoặc West End hiện nay:  ít kịch hơn, ít rạp hơn nhưng trụ lâu dài ở sân khấu trong hơn 1 năm và giá vé thì cao. “Đi xem phim sẽ rất tốn kém, cần khoảng 50 USD, 100 USD hoặc 150 USD” – theo Lucas.

Thực tế thì điều đó đã bắt đầu xảy ra. Hôm 14/6, theo NBC News, để tăng độ nóng xung quanh bom tấn mùa hè World War Z của tài tử Brad Pitt, hãng phim Paramount vừa phối hợp với hãng Regal Entertainment Group công bố phát hành loại “siêu vé” trị giá 50 USD (1 triệu đồng) cho một số rạp phim cao cấp tại 5 thành phố ở Mỹ.

Loại vé này cho phép khán giả xem World War Z trước khi phim ra rạp 2 ngày, được tặng kèm một hộp bỏng ngô, một cặp kính 3D hiệu RealD, một tấm poster phim cỡ lớn có số lượng hạn chế. Đồng thời, khán giả sẽ được tặng một đĩa phim HD khi nào đĩa được phát hành. Với cách làm này, World War Z là phim bom tấn đầu tiên mang đến “trải nghiệm như VIP” cho người xem.

Những quả bom tấn “nổ xẹt” của Hollywood:

After Earth (2013)

Bộ phim khoa học viễn tưởng do cha con Will Smith đóng vai chính là phim bom tấn hè đầu tiên thất bại trong 2 thập kỷ qua. Hiện phim có doanh thu khoảng 97 triệu USD, vẫn còn 30 triệu USD nữa mới “hoàn vốn”.

John Carter (2012)

Disney thất thu khoảng 200 triệu USD với bộ phim khoa học viễn tưởng có bối cảnh sao Hỏa này. Một thất bại lớn trong lịch sử của hãng

Battleship (2012)

Phim có kinh phí 220 triệu USD và có doanh thu tổng cộng là 300 triệu USD nhưng vẫn bị coi là một thất bại. Điều trùng hợp là diễn viên Taylor Kitsch cùng đóng vai chính trong cả Battleship John Carter.

Các hãng phim đầu tư lạc lối

“Khi tôi mới làm phim, phim của tôi trụ ở rạp hơn 1 năm trời. Với Người ngoài hành tinh (E.T.) là 1 năm 4 tháng. Đó là một thành tích tuyệt vời, vào thời đó” – Spielberg nhớ lại. Đến nay, một phim ăn khách nhất như Avatar của James Cameron (doanh thu toàn cầu 2,8 tỷ USD) cũng chỉ trụ ở rạp Mỹ trong vòng 8 tháng.

Khán giả ngày nay có quá nhiều lựa chọn trong việc tiêu tiền và thời gian để giải trí, Spielberg lý giải, các hãng phim không còn cách nào khác phải dồn đầu tư vào những phim bom tấn. “Một hãng phim sẽ chi 250 triệu USD cho những cảnh kỹ xảo, thay vì đầu tư để làm cho nội dung phim thú vị và sâu sắc, thậm chí trở thành lịch sử. Nếu vậy, các dự án phim sẽ không gây chú ý như nhà sản xuất tưởng”.

Lucas dự đoán truyền hình cáp sẽ là một lĩnh vực đầy triển vọng.“Tôi nghĩ cuối cùng thì những Lincoln cũng sẽ biến mất và xuất hiện trên màn ảnh nhỏ” – ông nói, ý chỉ các phim chủ đề chính trị nghiêm túc và không phải bom tấn như Lincoln (2012) của Spielberg có thể không có “đất sống” ở rạp trong tương lai.

Vì sao phim bom tấn tốn tiền đến vậy?

Theo trang Today.com, một trong những điều kiện quan trọng làm nên doanh thu của phim bom tấn là danh tiếng sẵn có. Một ngôi sao tầm cỡ như Tom Cruise đòi hỏi cát xê khoảng 75 triệu USD, chiếm một phần lớn trong kinh phí phim. Hay như Robert Downey Jr. trong Iron Man 3, nếu không phải là tài tử này thì số phận loạt phim đã khác.

Hơn nữa, George Lucas lưu ý, chi phí tiếp thị phim hiện nay rất lớn. Nhưng khoản đầu tư lớn như vậy cho thấy điện ảnh đang hướng đến khán giả đại chúng chứ không phân loại khán giả như các chương trình truyền hình hiện nay, tìm đến khán giả có đặc thù.

Chính vì chiều chuộng thị trường nên phim bom tấn có xu hướng kiếm 80% doanh thu từ nước ngoài thay vì ở Mỹ như trước (TT&VH đã đề cập trong một bài viết trước đây). Thị trường nước ngoài lớn nhất hiện nay chắc chắn là Trung Quốc. Theo tác giả Lynda Obst trong cuốn Sleepless in Hollywood, các cảnh cháy nổ, đuổi bắt bằng xe hơi và võ thuật là những yếu tố đảm bảo cho phim vượt qua ranh giới văn hóa, vì vậy không bao giờ thiếu trong các phim bom tấn, chẳng hạn trường hợp Man of Steel.

Hạ Huyền
Thể thao & Văn hóa

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN