TTVH Online

Âm nhạc đã 'cứu' người hùng da đen

14/06/2013 08:31 GMT+7

Cựu Tổng thống Nam Phi Nelson Mandela giờ được kính trọng và tôn sùng đến mức người ta dễ dàng quên đi rằng, trong hàng chục năm, ông đã từng bị nhiều chính phủ nước ngoài coi như một nhân vật khủng bố.

(Thethaovanhoa.vn) - Cựu Tổng thống Nam Phi Nelson Mandela giờ được kính trọng và tôn sùng đến mức người ta dễ dàng quên đi rằng, trong hàng chục năm, ông đã từng bị nhiều chính phủ nước ngoài coi như một nhân vật khủng bố, trong đó có cả những người hiện đang ủng hộ ông. Nhưng ông đã thoát khỏi hai từ “khủng bố” nhờ một chương trình hòa nhạc đặc biệt được tổ chức cách nay đúng 25 năm.

Mandela, một người hùng chống lại nạn phân biệt chủng tộc ở Nam Phi vẫn nằm trong danh sách khủng bố của Mỹ cho đến năm 2008, trong khi hiện nay ở đảo Robben (một nhà tù an ninh, nơi giam giữ các tù nhân chính trị), ông vẫn chưa thoát khỏi danh sách này. “Bà đầm Thép” (đã quá cố) của Anh Margaret Thatcher từng mô tả Đảng Đại hội dân tộc Phi (ANC) là một “tổ chức khủng bố điển hình”.

Sự kiện gây sức ép

Tới nay hình ảnh đó của Mandela đã thay đổi hoàn toàn, cho thấy những thành tựu mà ông đã đạt được. Nhưng sự thay đổi hình ảnh này còn nhờ một chương trình hòa nhạc diễn ra ở London cách đây 25 năm.

Đối với nhà tổ chức Tony Hollingsworth (55 tuổi), buổi hòa nhạc diễn ra vào tháng 6/1988 tại sân vận động Wembley ở London có ít liên quan tới việc mừng sinh nhật lần thứ 70 của Mandela (sinh nhật Mandela vào ngày 18/7), theo như quảng cáo, mà chủ yếu là để giúp ông thay đổi hình ảnh và được trả tự do.

Thần tượng pop Whitney Houston tại chương trình hòa nhạc tôn vinh Nelson Mandela ở London năm 1988.

“Bạn không thể ra khỏi nhà tù khi vẫn bị coi là một kẻ khủng bố, tuy nhiên bạn có thể ra tù với vai trò là một nhà lãnh đạo da đen” -  Hollingsworth nói trong một chuyến thăm gần đây tới  Johannesburg (Nam Phi).

Hollingsworth đã quyết tâm tổ chức một chương trình hòa nhạc với sự tham gia của toàn các ngôi sao. Chương trình hòa nhạc này đã đưa Mandela từ một người sống ngoài vòng pháp luật trở thành một thần tượng trong tâm trí của công chúng và gây sức ép buộc các chính phủ phải có thái độ mềm mỏng hơn.

Hollingsworth đã gặp Tổng giám mục Trevor Huddleston, Chủ tịch của Phong trào chống apartheid của Anh, để trình bày dự án âm nhạc mang tính chiến lược của mình.

“Tôi nói với ông Huddleston rằng ANC và trào lưu chống chế độ apartheid đang gặp phải những rào cản. Họ không thể  tiến thêm được nữa. Mandela và phong trào chống chế độ apartheid nên được nhìn nhận một cách tích cực và tin tưởng” – Hollingsworth kể lại.

Sau đó, trong khi Hollingsworth tìm cách liên hệ với các nghệ sĩ thì Mike Terry, người đứng đầu của phong trào chống apartheid ở London, đã liên hệ với ANC. Cuối cùng, Terry đã thuyết phục được ANC, còn Hollingsworth đã mời được các ban nhạc và nghệ sĩ lớn như Simple Minds, Dire Straits, Sting, George Michael, The Eurythmics, Eric Clapton, Whitney Houston, Stevie Wonder… tham gia trình diễn trong chương trình hòa nhạc có 83 nghệ sĩ ngôi sao.

Ông Nelson Mandela (trái) và ca sĩ khiếm thị Mỹ Stevie Wonder tại chương trình hòa nhạc ở Johannesburg hồi tháng 7/1998 nhân kỷ niệm 80 năm ngày sinh của Mandela.

Đóng vai trò quyết định 

Kết quả là các nhà tổ chức hòa nhạc đã ký được hợp đồng với nhiều đài truyền hình để phát sóng một chương trình kéo dài hơn 11 tiếng.  “Chúng tôi đã ký hợp đồng với ban giải trí của nhiều đài truyền hình. Sau khi ký kết, có nhiều dấu hiệu rất tích cực. Đặc biệt là khi các trưởng ban giải trí của đài truyền hình xem chương trình thời sự của đài họ và thấy Mandela bị gọi là kẻ khủng bố, họ liền yêu cầu phòng thời sự không nên gọi ông như vậy. Đó là cách chúng tôi đã đưa Mandela, từ một người bị coi là kẻ khủng bố da đen trở thành một nhà lãnh đạo da đen” – Hollingsworth cho biết.

Chương trình hòa nhạc này đã thu hút nhiều hãng truyền thông ở gần 70 nước và được hơn nửa tỷ người theo dõi. Hiện đây vẫn là một trong những sự kiện giải trí có lượng khán giả theo dõi cao nhất.

Ca sĩ Harry Belafonte đã mở màn chương trình hòa nhạc này với tuyên bố: “Hôm nay chúng ta ở đây để tôn vinh một con người vĩ đại, ông ấy là Nelson Mandela”. 19 tháng sau đó, Mandela đã được trả tự do sau 27 năm bị cầm tù. Một thời gian sau, chương trình hòa nhạc thứ 2 tôn vinh ông đã được tổ chức.

“Trước khi diễn ra chương trình hòa nhạc đầu tiên, việc trả tự do cho Mandela dường như là điều phi hiện thực” – Terry nói - “Trong vòng 20 tháng sau khi ông được trả tự do, tôi mới tin rằng buổi hòa nhạc đã đóng vai trò quyết định trong việc giải thoát cho ông khỏi nhà tù”.

Sau đó, Mandela đã tiến hành đàm phán nhằm chấm dứt chế độ ủng hộ người da trắng và lập nên một nền dân chủ đa chủng tộc ở Nam Phi.

Việt Lâm (tổng hợp)
Thể thao & Văn hóa

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN