TTVH Online

Dịch giả Lưu Diệu Vân: 'Mong được nghe tiếng Việt líu lo trong nhà'

13/06/2013 13:42 GMT+7

Bộ tiểu thuyết thiếu nhi có giá trị lịch sử 'Ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyên' đến với Việt Nam nhờ công của hai dịch giả Lưu Diệu Vân và Hoàng Chính, cặp đôi tác giả gốc Việt đang sống ở Canada.

(Thethaovanhoa.vn) - Bộ tiểu thuyết thiếu nhi có giá trị lịch sử Ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyên đến với Việt Nam nhờ công của hai dịch giả Lưu Diệu Vân và Hoàng Chính, cặp đôi tác giả gốc Việt đang sống ở Canada.

Nhân dịp này, TT&VH trò chuyện với nhà thơ, dịch giả Lưu Diệu Vân.

Viết và dịch nhờ mối “duyên chữ” lằng nhằng

* Ở Việt Nam trong 13 năm đầu đời, sau đó chuyển sang Mỹ và giờ là Canada, nghe nói chị từng không thông thạo tiếng Việt lắm, vậy mà giờ đây chị viết văn, làm thơ, làm biên tập viên cho một tạp chí văn chương tiếng Việt trên mạng, nhờ đâu mà được như vậy?

- 13 năm hấp thụ văn hóa và ngôn ngữ tận trong máu tủy, tôi không bao giờ cho phép mình quên đi tiếng Việt. Tuy nhiên, để thành thạo mà viết văn là nhờ các tác phẩm Tự Lực Văn Đoàn mà tôi đã đọc (và nhiều khi chẳng hiểu hết ý) từ lúc mới sang Mỹ, về sau là các tác phẩm văn học hải ngoại và trong nước. Niềm say mê đọc sách, tính hay thắc mắc về nguồn gốc và hình tượng của ngôn ngữ đã đưa tôi đến thú vui viết lách, biên tập và dịch thuật, một mối “duyên chữ” lằng nhằng ấy mà.

* Người Việt viết văn làm thơ ở nước ngoài thì có gì khác so với trong nước?

- Sự khác biệt ấy tôi cho là hiển nhiên, dù với sự giao thoa văn hóa khít khao của ngày nay, độ dày của sự khác biệt ấy đang dần mỏng đi. Với riêng tôi, điều khác biệt là tôi hoàn toàn thả lỏng và bất chấp trên trang giấy, không sợ xã hội xét đoán, không sợ mọi người hiểu lầm, và không sợ… không có độc giả đồng cảm.

Nhà thơ, dịch giả Lưu Diệu Vân trong một chuyến về Việt Nam đi thăm Phố cổ Hội An. Ảnh: Hoàng Chính

* Nhìn từ trường hợp của chị, hình như tác giả càng đẹp càng dễ bị xét đoán?

- Thú thật, tôi không thích sáng tác từ trải nghiệm riêng (dù ít nhiều cũng có đôi ba bài) vì thật ra, cuộc sống của tôi rất bình thường, không nhầy nhụa chất thơ, không tràn ngập phẫn nộ, không thấm đẫm cô đơn. Những sáng tác của tôi không hướng nội mà phản ánh quan sát của tôi về cuộc sống.

Tôi ghét sự nhàm chán, nên trong các tác phẩm, nhân vật “tôi” luôn đổi vai (gái bia ôm, gái thích tình một đêm, gái rượu chè, gái ngoan, gái hư, gái mạnh mẽ, gái rụt rè, gái từng phá thai…) nên tôi hay bị xét đoán “văn đến từ người”. Dù mang thông điệp nữ quyền thẳng thừng, các sáng tác của tôi vẫn có dáng dấp nữ tính và yêu chuộng những giá trị Á Đông.

Còn về ảnh hưởng của ngoại hình so với mức độ bị phán xét thì tôi vẫn chưa thu thập đủ tài liệu để đưa đến một kết luận “khoa học” (cười).

Ba tập đầu tiên của bộ truyện Ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyên đã ra mắt bạn đọc Việt Nam

Một năm khóc cười cùng Ngôi nhà nhỏ

* Vì sao chị và nhà văn Hoàng Chính nhận dịch bộ tiểu thuyết đồ sộ Ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyên?

- Thoạt đầu, chúng tôi đã nhận lời dịch vì một lý do rất… ích kỷ. Chúng tôi mong được đọc tác phẩm do mình dịch cho con trước khi đi ngủ vì ao ước có âm thanh tiếng Việt líu lo trong nhà. Nhưng khi dịch, chúng tôi lạc vào thế giới của cô bé Laura, bị cuốn theo cuộc hành trình, khóc cười theo hạnh phúc và khổ đau của gia đình Ingalls. Trong suốt năm qua, tôi và Hoàng Chính đóng trọn vẹn vai “ba má” trên trang giấy mà không phải thức khuya dậy sớm tã sữa hay phải đương đầu với tuổi dậy thì rắc rối của con (cười).

* Bộ tiểu thuyết có giá trị lịch sử sâu rộng (như TT&VH đã đưa tin), vậy anh chị có tham khảo các tài liệu liên quan không?

- Chúng tôi tham khảo rất nhiều tài liệu về gia đình Laura và các địa điểm được mô tả trong tác phẩm, phần vì tò mò, phần để tạo cảm hứng, và đã hy sinh tạm hoãn vui chơi và sáng tác trong suốt cả một năm dài. Sắp tới, chúng tôi đã lên kế hoạch tự thưởng một chuyến thăm bảo tàng nơi lưu giữ những hình ảnh của gia đình Laura khi dịch xong.

* Hai người dịch chung một bộ sách, anh chị có thường xuyên trao đổi, thậm chí có tranh cãi?

- Chúng tôi có cái lợi “chung vách” nên rất xuôi chèo mát mái. Đều đặn mỗi cuối tuần, mỗi người một cái laptop, ngồi làm việc chung, rất thuận tiện khi cần trao đổi về cách chọn từ ngữ sao cho các độc giả nhỏ “bên này” nghe không lạ tai, đọc không ngượng miệng; hoặc bàn cách gọi tên cho các loại hoa quả, chim chóc, thức ăn chỉ có ở phương Tây hoặc vào thời kỳ đó. Tranh cãi hầu như không xảy ra vì việc dịch thuật luôn có đúng sai, chứ không trừu tượng như sáng tác, vả lại anh ấy cũng hay nhường tôi cho êm cửa êm nhà (cười).

Lưu Diệu Vân sinh năm 1979 ở Việt Nam, sang Mỹ sống năm 13 tuổi, hiện định cư cùng nhà văn Hoàng Chính ở Toronto, Canada. Chuyên ngành của chị là quảng cáo, nhưng viết lách là đam mê tài tử.

Chị làm thơ và dịch văn học, đã ra tập thơ 7 Giờ 47 Phút (NXB Văn Nghệ), tập truyện cực ngắn Màu cỏ xanh trong suốt (NXB Trẻ) với 4 tác giả khác. Ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyên là dịch phẩm đầu tiên xuất bản tại Việt Nam của chị.

Mi Ly (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN