TTVH Online

Đọc sách: Niềm tiếc nuối khi đêm buông và đời tàn

09/06/2013 07:21 GMT+7

Kazuo Ishiguro, tác giả tiểu thuyết Mãi đừng xa tôi, tái ngộ độc giả Việt Nam qua tập truyện Dạ khúc – Năm câu chuyện về âm nhạc và đêm buông dành cho những người đọc chậm để tìm một khoảng không trầm lắng.

(Thethaovanhoa.vn) - Kazuo Ishiguro, tác giả tiểu thuyết Mãi đừng xa tôi, tái ngộ độc giả Việt Nam qua tập truyện Dạ khúc – Năm câu chuyện về âm nhạcvà đêm buông dành cho những người đọc chậm để tìm một khoảng không trầm lắng.

Bìa sách Dạ khúc

1. Đây là tập truyện ngắn đầu tiên của nhà văn sau 6 tiểu thuyết và ông viết với cảm hứng xuyên suốt của tiểu thuyết: 5 truyện ngắn là một vòng quay quấn quít, bao gồm: Người hát tình ca, Mưa đến hay nắng đến, Khu đồi Marvern, Dạ khúc, Nghệ sĩ cello.

Đúng như tên gọi, tập truyện kể về âm nhạc, những nghệ sĩ chơi nhạc và thời điểm ngày tàn (đêm buông). Ishiguro, một tác giả từng đoạt giải Man Booker, đã cố gắng thể hiện sự kỳ diệu của một loại hình nghệ thuật (nhạc) qua thứ ngôn ngữ của một loại hình khác (văn).

Cuốn sách có một cái tên thật lãng mạn và cái bìa cũng vậy. Lối viết tỉnh hơn và rất nhiều thoại. Vào thời khắc màn đêm buông xuống, người ta cảm thấy nuối tiếc về một ngày đã qua, và có thể là quãng đời đã qua, giống như cảm giác của các nhân vật trong tập Dạ khúc. Nhà văn khi viết đã muốn nắm bắt thứ thứ xúc cảm lãng mạn mơ hồ day dứt đó, cụ thể hóa nó qua những câu chuyện.

Người nghệ sĩ hết thời Tony Gardner trong Người hát tình ca (Crooner) vừa ở buổi hoàng hôn của sự nghiệp lẫn buổi hoàng hôn của một ngày khi ông quyết định biểu diễn khúc nhạc dưới ánh trăng cho người vợ, Lindy, khi cuộc hôn nhân của họ đang gặp trục trặc. Buổi biểu diễn bất ngờ lãng mạn này đã không dẫn đến một kết thúc tốt đẹp.

Trong truyện ngắn chủ đề Dạ khúc (Nocturne), Lindy, giờ đã một mình, nhìn thấy triển vọng ở một nghệ sĩ cello trẻ và muốn dẫn dắt cho anh. Họ gặp nhau ở một khách sạn nơi cả hai đều đang nghỉ ngơi chờ phục hồi sau khi phẫu thuật thẩm mỹ. Lindy, hồi trẻ rực rỡ và được săn đón, đã ở tuổi xế chiều và tàn tạ. Còn Steve đang chỉnh sửa vẻ ngoài để mong sự nghiệp được sang trang mới. Cả hai đều là những người thất bại.

Vài nhân vật khác trong tập truyện cũng tương tự, họ có thể nói là thất bại hoặc đơn giản là không thành danh. Ở những người này có một sự nuối tiếc da diết gợi sự cảm thông, dù ban đầu có thể khiến người ta xa lánh.

Cách viết những truyện ngắn cùng chủ đề của Dạ khúc là hình thức không mới nhưng thường tạo nên những tập truyện đầy cảm hứng và sâu lắng, hơn hẳn so với một tập hợp bao gồm những truyện ngắn đơn lẻ không liên quan gì đến nhau.

2. Tác giả từng nói với tờ Guardian: “Đây là một cuốn sách hư cấu thống nhất tình cờ được chia thành 5 câu chuyện khác nhau. Nhưng tôi không muốn nói theo kiểu chuyên gia như thế, vì nghe thật kiêu căng. Sẽ hay hơn nếu nói cuốn sách giống như một album nhạc, có những bài hát khác nhau nhưng người ta nhất thiết phải tập hợp chúng trong cùng một album và không muốn trích một bài hát ra để làm đĩa đơn”.

Với 5 câu chuyện bình dị, sách chỉ dày 288 trang và có lẽ không cần viết dài thêm. Bản dịch tiếng Việt của An Lý, do Nhã Nam và NXB Văn Học ấn hành.

Với các bản dịch tập truyện Dạ khúc – Năm câu chuyện về âm nhạc và đêm buông (Nocturnes: Five Stories of Music and Nightfall) và tiểu thuyết Mãi đừng xa tôi (Never Let Me Go) trước đây, Công ty Nhã Nam cho thấy nỗ lực giới thiệu nhà văn Anh gốc Nhật Kazuo Ishiguro, một tác giả đương đại đáng đọc, với độc giả Việt Nam.

Mi Ly
Thể thao & Văn hóa

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN