TTVH Online

Đời mở ra khi ta không còn gì

10/06/2013 15:48 GMT+7

Trái với những lời giới thiệu tươi vui, kèm trang bìa trong trẻo của NXB Kim Đồng, cuốn sách ký John đi tìm Hùng của chàng Việt kiều sinh năm 1988, Trần Hùng John lại bắt đầu bằng chạm mặt cái chết?

(Thethaovanhoa.vn) - Trái với những lời giới thiệu tươi vui, kèm trang bìa trong trẻo của NXB Kim Đồng, cuốn sách ký John đi tìm Hùng của chàng Việt kiều sinh năm 1988, Trần Hùng John lại bắt đầu bằng chạm mặt cái chết, nỗi sợ hãi, đớn đau, gia đình tan vỡ.

Và cũng chính vì thế, chàng trai tuổi đôi mươi này mới đủ nghị lực đi bộ hai lần xuyên Việt, đất nước mà trước đó, chàng chưa từng thuộc về, với cái ví rỗng.



Trần Hùng John

Viết từ ký ức đau buồn

Đây là một cuốn ký rất đáng giở từng trang để xem kỹ. Tôi chắc thế. Đó là những dòng chữ được chắt từ ký ức đau buồn của một chàng trai trẻ mới ngoài hai mươi tuổi. Anh không có ý định làm văn chương, chỉ muốn chia sẻ trải nghiệm một quãng đời son trẻ, với tình cảm thiết tha với cội nguồn. Và cuốn ký hành trình này đầy ắp chất thơ, chất tình, ngôn ngữ lưu hoạt, lay động sự cảm thông từ trái tim người đọc.

Là một Việt kiều sinh ra và lớn lên tại Mỹ, dù quê mẹ ở Hải Phòng, quê cha ở Sài Gòn, Hùng vẫn có thời gian từ chối học tiếng mẹ đẻ, bởi cho đó là thứ tiếng “buồn cười”, và quê hương trong tâm trí cậu cũng bị lãng quên.

Năm mười tuổi, thế giới tuổi thơ của Hùng John sụp đổ, mẹ rời gia đình để kiếm sống nơi thành phố khác, để lại con thơ cho người cha đau khổ đến trầm uất. Hùng và em trai đến sống cùng bà ngoại, ở nhà của bác. Và cứ thế trong một năm, Hùng trưởng thành giữa những cuộc đấu súng trong khu nhà dành cho người da đen, với đạn sượt qua đầu và tường nhà găm bảy viên đạn lạc. Cô độc bởi bị cha nhiều lần bỏ quên ở trường vì phê thuốc. Đến khi ông mất kiểm soát và dọa giết mẹ là lúc Hùng giơ nắm đấm trước mặt cha, nước mắt lã chã nói, “Nếu có chuyện gì xảy ra với mẹ, tôi sẽ giết ông”!

Năm 14 tuổi, sau khi được mẹ đón hai anh em về ở cùng trong một căn hộ nhỏ, Hùng bắt đầu đi làm kiếm tiền, công việc đầu tiên là ở một tiệm làm nail (sơn sửa móng tay, móng chân), khó chịu bởi các bà các chị bẹo má nhưng bù lại được boa hậu hĩnh. Rồi, bắt đầu tìm thấy sự thích thú khi được đập phá trong lúc làm việc ở công trường. Tuổi thơ không còn những hồn nhiên, sớm dấy lên bên trong cậu bé nỗi uất hận và bạo lực.

Một ngày, bởi ảnh hưởng từ người bạn Mexico, Hùng tò mò bởi hành trình của bà, của mẹ từ Việt Nam đến Mỹ thế nào. Bà rời quê trong khi bụng mang dạ chửa cùng bốn người con phải đặt sự sống trên một chiếc tàu con, bởi chồng mất và bị gia đình đuổi đi, xa đất nước với mong muốn tìm tương lai nào đó tươi sáng hơn. Bảy ngày bảy đêm, bà và mẹ chứng kiến xác người chết, trong đó có cả chị gái của bà ngoại bị ném xuống biển. Chính mẹ của Hùng cũng chết héo khô kiệt vì thiếu nước, thiếu ăn, run rẩy trong sợ hãi bởi cướp, giết, hiếp…, để rốt cuộc cũng chạm chân đến được Mỹ. Vùng đất hứa trong giấc mơ đổi đời đã nhanh chóng tan đi, còn lại nỗi nhớ nơi chôn nhau cắt rốn da diết.

Nhờ câu chuyện kể của bà ngoại, quê hương Việt Nam bắt đầu hình thành trong tâm trí, và nuôi dưỡng niềm thương yêu trong Hùng.


Bìa cuốn sách John đi tìm Hùng

Đi để thấy lòng tốt người Việt Nam

Tháng 8/2010, Hùng trở về Việt Nam. Và cũng từ mảnh đất quê hương đã nảy sinh tình yêu của cậu với một cô gái Việt, dù sau đó, hai người chia tay nhau sau khi Hùng quay lại Mỹ.

Về Việt Nam, lại ra đi, rồi lại trở về, không phải bởi tình yêu trai gái, mà vì một niềm say mê lớn lao hơn: quê nhà.

Tháng 5/2012, Hùng bắt đầu chuyến đi bộ xuyên Việt không mang theo đồng tiền nào trong người, trải qua 80 ngày.

Gần một năm sau, tháng 4/2013, Hùng tiếp tục hành trình đi bộ xuyên Việt lần thứ hai, với mục đích cao cả hơn là “quyên góp tiền cho các tổ chức từ thiện và kêu gọi ý thức người dân về đất nước Việt Nam”.

Hùng lên đường, không một xu dính túi, với niềm tin “lòng tốt của người Việt Nam sẽ đưa tôi tới nơi”. Còn tôi, bạn và tất cả chúng ta, được sinh ra khôn lớn trong lòng đất nước, đã khi nào, dù trong ý nghĩ, có niềm tin như Hùng? Để khẳng định mình trăm phần trăm là người Việt Nam, bạn sống trên mảnh đất này mà không cần tiền bạc? Tất nhiên, ý định của Hùng bị ngay chính những người bạn Việt Nam phản đối. “Cậu ta nghĩ người Việt Nam sẽ giúp cậu ta à? Cậu ta đúng là không hiểu người Việt Nam” (T8).

Từ điều đó, Hùng viết ra những lời thật sâu sắc: “Không phải tôi buồn vì người ta không tin tôi, mà vì cảm thấy con người hình như không còn tin tưởng nhau. Con người đã đánh mất niềm tin ở chính những người quanh mình” (T8).

Hùng là người đã muốn là làm bằng được, tự chứng minh những ý nghĩ của mình bằng sự việc hết sức cụ thể. Giữa xã hội hỗn mang, con người chỉ biết nhìn nhau qua đồng tiền, sẵn lòng đánh giết đồng loại bởi miếng cơm, manh áo, những đứa trẻ con một, hai tuổi bị lột trần truồng trên hè phố để làm mồi nhử cho sự bố thí xót xa, Hùng đã đối mặt với mọi hiểm nguy tai họa không lường trước, có lúc dường như nằm hấp hối ven đường, để chứng tỏ cho bạn thấy rằng: vẫn còn đó tình người ấm áp.

Bắt đầu từ người thu vé xe đò trong hành trình đi Thái Bình biết rõ Hùng không có tiền vẫn chở đến tận nơi (mà không đuổi ngay xuống hoặc kèm theo đánh đấm như bạn vẫn thường thấy), sau là người nông dân tên Hồng cho ăn nhờ ở nhờ mà không xét nét, rồi người lái xe ôm đủ tự trọng mà khó chịu khi cảm thấy người khác đang nghĩ xấu về mình, đến người phụ nữ Thanh Hóa cầm 10.000 đồng còn lại trong túi của Hùng đi mua cơm, tưởng mất, nhưng vẫn quay trở về dù hơi muộn, để chọn cho Hùng đồ ăn tốt nhất có thể… Để trả ơn lòng nhân ái của người đối với mình, Hùng đền bằng công sức.

Câu chuyện về niềm tin

Từ mọi công việc trên đường nhận làm, Hùng thâm nhập sâu hơn vào đời sống của mỗi người dân Việt Nam, và dĩ nhiên, Hùng yêu Việt Nam hơn nhiều những ai tự nhận mình là người Việt Nam đang sống bám trên mảnh đất này.

Hành trình của Hùng được viết ra, với sự thật thà không giấu giếm. Còn đâu đó những câu kể dài dòng hay lời văn còn ngô nghê, thì những chuyện kể ngang đường, từ sự trải qua chứng kiến bằng các giác quan lẫn cảm nhận hết sức cá nhân vẫn đọng lại niềm xúc động sâu nặng.

Câu chuyện về niềm tin vào con người và ý nghĩa cuộc sống, đâu cần phải tìm kiếm ở tận đâu xa. Chỉ cần đọc cuốn John đi tìm Hùng (NXB Kim Đồng, 2013), đã đủ thấy trong bạn đang nhen ngọn lửa yêu thương, bắt đầu từ người thân thiết nhất.

Một cuộc đời mới, sự tin tưởng mới sẽ mở ra, khi bạn biết rõ, mình bắt đầu từ trắng tay và không còn gì để mất.

Việt Quỳnh
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN