TTVH Online

Cấp thẻ hành nghề cho nghệ sĩ, người mẫu: Sai phạm là... bấm lỗ!

04/06/2013 07:03 GMT+7

Bộ VH,TT&DL chỉ đạo các cơ quan liên quan xây dựng đề án cấp chứng chỉ hành nghề cho nghệ sĩ, người mẫu nhằm quản lý tốt hơn hoạt động biểu diễn, trình diễn thời trang.

(Thethaovanhoa.vn) - Trong khi lãnh đạo Bộ VH,TT&DL cho rằng, đến những người chăm sóc sức khỏe cho các con vật còn phải có chứng chỉ hành nghề huống hồ các “bác sĩ tâm hồn”, thì một số ý kiến tại Hội nghị trực tuyến lại cho rằng nên xem xét lại tính cấp thiết của đề án. Bởi lẽ việc cấp chứng chỉ hành nghề nghệ sĩ, người mẫu sẽ tiêu tốn rất nhiều thời gian và tiền bạc...

Thời gian vừa qua, cơ quan quản lý đã phải ký hàng loạt quyết định xử phạt vi phạm trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn. Mới đây nhất là việc nhà tổ chức Đêm hội chân dài 7 bị phạt 35 triệu đồng, trước đó là việc ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng bị phạt vì hôn môi nhà sư trong đêm nhạc từ thiện...

Tình trạng đơn vị tổ chức, nghệ sĩ hát nhép, nghệ sĩ, người mẫu sử dụng phục trang, hóa trang không phù hợp thuần phong mỹ tục, hoặc có phát ngôn, hành động gây phản cảm ngày càng phổ biến… Đó chính là lý do khiến Bộ VH,TT&DL chỉ đạo các cơ quan liên quan xây dựng đề án cấp chứng chỉ hành nghề cho nghệ sĩ, người mẫu nhằm quản lý tốt hơn hoạt động biểu diễn, trình diễn thời trang.

"Bấm lỗ" thẻ hành nghề khi có sai phạm

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL Hồ Anh Tuấn cho biết, có hàng chục ngành nghề hiện nay được pháp luật quy định phải có chứng chỉ hành nghề. Trong khi đó, các nghệ sĩ, người mẫu hàng ngày biểu diễn trên sân khấu lại không hề được cấp thẻ.

Ông khẳng định thêm, để vàng, thau không lẫn lộn, hơn bao giờ hết, các nghệ sĩ và người mẫu phải được chứng minh tư cách và có trách nhiệm bằng chứng chỉ hành nghề.

Đơn vị tổ chức Đêm hội chân dài 7 vừa bị phạt 35 triệu đồng vì vi phạm các quy định biểu diễn

Trên thực tế, thẻ hành nghề của nghệ sĩ, diễn viên… đã được cấp lần đầu tiên vào năm 1999 chủ yếu cho các nghệ sĩ ở các đơn vị nghệ thuật công lập. Tuy vậy, ba năm sau, Chính phủ đã ra nghị định thu hồi một số “giấy phép con” trái với luật hiện hành, trong đó có thẻ hành nghề này.

Trong đề án về việc cấp chứng chỉ hành nghề được Cục NTBD đưa ra, chứng chỉ này không chứng nhận trình độ chuyên môn mà được xem là công cụ giám sát thực hiện đạo đức của người làm nghề.

Đề án cũng khẳng định việc cấp chứng chỉ tiến hành đơn giản, gọn nhẹ, không theo cơ chế xin cho, không cần thành lập hội đồng xét duyệt và tăng cường hậu kiểm.

Với công cụ mới là chứng chỉ hành nghề này, ông Nguyễn Đăng Chương - Cục trưởng Cục NTBD - cho biết, mỗi lần vi phạm luật pháp trong lĩnh vực biểu diễn, nghệ sĩ, người mẫu sẽ bị bấm lỗ vào chứng chỉ một lần. Nếu vi phạm đến lần thứ ba thì sẽ bị tước chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc vĩnh viễn tùy theo mức độ vi phạm.

Theo lộ trình, đề án sẽ hoàn thiện vào tháng 9/2013 để trình Chính phủ phê duyệt và kịp triển khai cấp thẻ hành nghề từ 1/2014.

Tranh luận trái chiều

Nhiều nghệ sĩ, nhà quản lý tham dự hội nghị trực tuyến đã bày tỏ quan điểm ủng hộ việc cấp chứng chỉ hành nghề cho người mẫu, nghệ sĩ trong lĩnh vực biểu diễn nghệ thuật.

NSND Lê Ngọc Cường - nguyên Cục trưởng Cục NTBD - cho biết, bản thân ông rất bức xúc trước những hành vi phản cảm vi phạm các quy định về biểu diễn nghệ thuật. Ông còn đưa ra hình ảnh người biểu diễn gần như chỉ che trên thân thể mảnh vải nhỏ xíu để chứng minh mức độ phản cảm của nhiều chương trình. “Vậy thì còn chờ gì nữa mà không cấp thẻ hay chứng chỉ cho những người biểu diễn trên sân khấu?” - ông Cường đặt câu hỏi. Bức xúc hơn, ông Cường còn cho rằng phải quản thật chặt cả việc thành lập các doanh nghiệp có chức năng tổ chức biểu diễn. Trong thời gian đảm nhận cương vị Cục trưởng Cục NTBD, ông từng tiếp xúc với hồ sơ những doanh nghiệp chỉ có hai cá nhân không hề có trình độ gì về nghệ thuật lại đăng ký tới 27 lĩnh vực kinh doanh trong đó có tổ chức biểu diễn.

Đồng quan điểm, NSND Vũ Ngoạn Hợp - Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam - cho biết việc cấp chứng chỉ hành nghề là hết sức cấp thiết. Hàng ngày, các nghệ sĩ xiếc vô cùng đau lòng khi thấy mình bị mạo danh một cách trắng trợn. Dịp 1/6 này, băng rôn quảng cáo chương trình của nghệ sĩ Liên đoàn Xiếc Việt Nam treo tại nhiều quận, huyện ở Hà Nội nhưng thực chất chỉ là “treo dê, bán chó”. Không có chứng chỉ hành nghề có nghĩa là cơ quan quản lý không thể giám sát những trường hợp mạo danh như vậy.

Bên cạnh ý kiến đồng thuận, ông Võ Trọng Nam - Phó GĐ Sở VH,TT&DL TP. HCM - tỏ ra băn khoăn về tính pháp lý của Đề án. Lý do đưa ra là năm 2002, Chính phủ đã ra hẳn nghị định để thu hồi các thẻ hành nghề của nghệ sĩ vì cho rằng đó là “giấy phép con”, vậy thì việc khởi động đề án tái cấp chứng chỉ hành nghề này có đúng quy định?

Ông Nam cũng đưa ra con số khoảng 20 vụ vi phạm quy định nghệ thuật biểu diễn bị xử phạt ở TP. HCM mỗi năm. Trong số này có khoảng 3-5 vụ mà nghệ sĩ có thể bị cấm diễn có thời hạn. “Vậy thì nếu chỉ để xử lý 3-5 trường hợp vi phạm có cần phải xây dựng hẳn một đề án để cấp chứng chỉ hành nghề không?” - ông Nam nói thêm. Theo chia sẻ, ông Nam cũng chính là người từng tham gia cấp thẻ hành nghề những năm 1999 - 2002 và cho rằng đó là công việc hết sức gian nan và vất vả.

Ngoài ra, nhiều ý kiến cũng cho rằng, để cấp chứng chỉ hành nghề cho nghệ sĩ, người mẫu, cơ quan quản lý cần phải xây dựng chặt chẽ về: tiêu chí, thời hạn, đối tượng… để tránh việc cấp rồi lại phải thu hồi như cách đây nhiều năm...

Hà Chi
Thể thao & Văn hóa

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN