TTVH Online

Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần: Nông thôn đang thay đổi kinh khủng

05/06/2013 06:55 GMT+7

Trước đây, Ma làng từng được gửi tham dự một liên hoan phim quốc tế ở Hàn Quốc, nhưng sau khi xem hết 1 tập, BTC Liên hoan vẫn… không hiểu gì, nên đạo diễn Nguyễn Hữu Phần đành gửi bộ phim khác.

(Thethaovanhoa.vn) - Trước đây, Ma làng từng được gửi tham dự một liên hoan phim quốc tế ở Hàn Quốc, nhưng sau khi xem hết 1 tập, BTC Liên hoan vẫn… không hiểu gì, nên đạo diễn Nguyễn Hữu Phần đành gửi bộ phim khác. Trong khi đó, ở Việt Nam, Ma làng rất "hot". Giờ Ma làng 2 đã quay xong, chỉ còn dựng và chờ ngày ra mắt khán giả.

Chưa biết bộ phim có gây “bão” như phần 1 hay không nhưng sức nóng phần 1 xem ra chưa thể phai nhạt.

Dư âm Ma làng

Người nước ngoài xem Ma làng đương nhiên không hiểu vì có quá nhiều vấn đề mang tính địa phương chỉ người Việt mới hiểu. Câu chuyện về thời bao cấp được kể trong Ma làng là một phần cuộc đời của nhiều người Việt Nam. Điều đáng nói là cái tâm của đạo diễn Nguyễn Hữu Phần đã gặp được tấm lòng của khán giả. Nhiều người xem xong phim, vì yêu mến đạo diễn quá, nên gọi điện thoại cho ông bằng được, để chia sẻ việc họ đã “ứng dụng” Ma làng vào cuộc sống như thế nào.

Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần

Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần kể lại: “Có khán giả ở quê gọi điện thoại bảo: Ông Phần ơi, ông về quê tôi làm phim đi, ma quê tôi còn dữ hơn trong phim của ông nhiều. Lại có bà ở Hà Tĩnh gọi điện thoại khoe: Tôi dùng phim của ông đấu tranh với chủ tịch xã đấy, tôi bảo ông ta là: Ông có muốn giống như thằng Tòng (nhân vật ác trong phim Ma làng - PV) không”?

Kể lại câu chuyện này mặt ông Phần rạng rỡ hơn hẳn, ông còn hớn hở khoe hôm giao lưu trực tuyến có bạn đọc hỏi: “Theo ông nhân vật nào ác nhất trong Ma làng?”, tôi trả lời: “Thằng Tòng chứ gì”?, nhưng họ nói: “Ông Tĩnh, người suốt 40 năm phấn đấu vì “danh vị” mới là kẻ ác nhất vì ông ấy ngồi yên nhìn dân làng chém giết lẫn nhau”. Có khán giả lại hỏi tôi tại sao cho Tòng chết dễ thế. Tôi có trả lời là muốn giải quyết bằng âm binh. Họ lại bảo những người như thế dễ trở thành chủ tịch huyện. Đấy dân họ tinh lắm”.

Hoàn thành xong Ma làng, ông Phần lên kế hoạch cho phần 2. Ông đã lên đề cương khá chi tiết, nhưng thời gian đó phải đi mổ mắt nên giao cho một nhóm biên kịch trẻ viết. “Đọc xong tôi đành bỏ hết, vì hiểu biết của các bạn trẻ về nông thôn ngày nay sơ sài lắm”.

Ông Phần bắt tay dựng kịch bản làng Bâm Dương bước vào thời kỳ đổi mới. Sau 10 năm lưu lạc, Ất - con trai ông Tòng, một chủ tịch xã độc tài thời bao cấp trở về khiến dân làng tưởng là bóng ma của ông Tòng. Ất về với tham vọng khôi phục dòng họ Phạm. Hắn dùng mọi thủ đoạn lũng đoạn “giới chức” làng Bâm Dương. Làng Bâm Dương bây giờ nhiều người khấm khá hơn nhưng phải đối mặt với những dự án đang mưu toan “ăn thịt” đất nông nghiệp, người dân được đền bù hay không được đều đứng trên miệng hố bi kịch.

Kịch bản của ông Phần có rất nhiều câu chuyện điển hình trên báo chí. Ông cho biết đã đọc, đi rất nhiều, tìm hiểu kỹ luật về đất đai, ruộng đất, đầu tư... “Cứ ngồi nhà mà tưởng tượng ra thì khó lắm” - đạo diễn nói.


Hai nhân vật chính của phim: Cô Ló (Kim Oanh đóng) và anh Dỏ (Trung Hiếu thủ vai)

Đi mới thấy người nông dân khổ

Ông Phần có một miếng đất, hộ khẩu KT3 ở một xã ở huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình. Khi tìm bối cảnh quay ở đây nhiều năm trước ông đã phát hiện ra Câu lạc bộ Chia sẻ dành cho những người bị nhiễm HIV.

Ông kể: “Ở đây phần lớn là phụ nữ và trẻ em, còn bọn đàn ông chết rồi hoặc đi đâu hết. Tại sao ở vùng nông thôn của người Mường lại có đến 200 người bị HIV? Là bởi vì đàn ông đi đào vàng tận Quảng Nam, sốt rét, tiêm chích ăn chơi mang bệnh về làng. Tại sao lại phải đi tìm vàng trong khi đất còn? Bởi vì người nông dân đang quá sốt ruột làm giàu.

Trong Làng ma – 10 năm sau đạo diễn Nguyễn Hữu Phần tiếp tục mời được ê-kíp diễn viên cũ. Duy chỉ có vai của nông dân Dỏ do cố diễn viên Hồng Sơn đóng được giao cho nam diễn viên Trung Hiếu. Ở phần này lớp trẻ sẽ là nhân vật chính nên đạo diễn đã bổ sung thêm nhiều gương mặt trẻ.

Tôi nói đơn cử, ngay cái làng đó thôi có cái nhà nghỉ xây 9 tỷ. Người nông dân làm không nổi ba chục ngàn một ngày, đi qua đấy họ dễ điên lên chứ. Hoặc là họ chửi bới phá phách, hoặc là họ quyết tâm đi làm ra tiền. Trình độ họ không có nên đành đi đào vàng, dần dần bị tệ nạn xã hội cuốn vào.

Cũng chính ở đấy, khi đi khảo sát một bãi đất trống chúng tôi tìm thấy khu nuôi rất nhiều gà. Ông chủ bị HIV mặt mũi lở loét, phải lánh về đây chăn gà sau này làm vốn cho vợ con. Tôi bảo: Chú nuôi toàn bằng gạo thóc cám bã thế này không ăn thua, phải mua giun về nuôi mà cho gà ăn. Thế là cả nhóm góp tiền mua cho anh ấy 10kg giun để làm giống. Lúc nhận giun anh ấy khóc nức nở... Đi nhiều, nghe nhiều câu chuyện thấy đau lòng lắm”.

Những câu chuyện của ông Phần cuối cùng lại quay về Ma làng. Ông Phần bảo: “Những người làm phim như tôi muốn đưa ra một thái độ, có thể tôi đúng và không đúng, nhưng ít nhất nói lên một điều gì đó cần thiết. Trong Làng ma - 10 năm sau tôi đưa ra quan điểm cần bảo vệ đất nông nghiệp, tìm cách khai thác đất theo kiểu sản xuất nông nghiệp, chứ không phát triển bừa bãi khu du lịch, công nghiệp, đô thị. Sự phát triển nóng của chúng ta đang gây ra hậu quả nhãn tiền. Người bị thiệt thòi nhất cuối cùng lại là nông dân” - ông Phần trầm ngâm.

Ông Phần đã đến tuổi hưu nhưng vẫn còn say nghề. Hồi đi làm lại hộ khẩu người ta ghi “nghề nghiệp: nghỉ hưu” ông nhất định không chịu lấy hộ khẩu. Mãi đến khi công an viên ghi “nghề nghiệp: đạo diễn” ông mới chấp thuận. Hỏi về cuộc sống riêng tư ông cho biết đi nhiều nhưng may có vợ là giáo viên ở nhà quán xuyến mọi việc.

“Làm thằng đàn ông sướng nhất là được làm nhiều việc mình thích và vợ luôn hiểu và thông cảm. Vợ tôi bao năm chỉ tần tảo lo cho chồng con, giờ bà ấy bị ung thư, nhưng tôi lại dính dự án phim nên vẫn phải đi suốt. May có các con ngoan ngoãn chăm mẹ rất tốt”.

Ngọc Diệp
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

 


 

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN